Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:05 GMT+7

Nghĩa tình biên giới miền Tây

Biên phòng - Thẳm sâu trong tiềm thức, từ khi tôi còn là một cậu bé ngồi lọt thỏm ở trong lòng bố, những câu chuyện về chiến trường biên giới phía Nam, về con người và mảnh đất nơi miền Tây xa xôi đã trở nên thân thương quá đỗi. Để rồi, cho đến hôm nay, tôi đã trải qua gần hai mươi năm làm người lính bảo vệ biên cương miền Tây Nam Bộ. Từ biển Bãi Bồi chót Mũi Cà Mau, cho đến đồng bằng sông Vàm Cỏ, điểm giáp ranh giữa hai tỉnh Long An và Tây Ninh, đồng thời cũng là vùng giao thoa giữa hai miền Đông - Tây Nam Bộ. Miền Tây đã thuộc về vùng đất của cuộc đời tôi, yêu thương, máu thịt. 

Ảnh: minh họa

Đời binh nghiệp của người lính Biên phòng gắn bó với biên cương, biển đảo, gắn bó với những vui buồn của người dân biên giới. Với riêng tôi, đó còn là hành trình thực hiện ước mơ và hoài bão trong cuộc đời.

Đầu những năm hai ngàn, từ Hà Nội, tôi được phân công vào thực hiện nhiệm vụ tại một đồn Biên phòng thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Ôi! Mảnh đất nơi tận cùng Tổ quốc đã ở trái tim tôi từ những câu văn nhớ thương tha thiết trong “Bức thư Cà Mau” của nhà văn Anh Đức, trong “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, hay trong những truyện ngắn đặc sệt chất Nam Bộ của nữ nhà văn đương đại Nguyễn Ngọc Tư và trong biết bao nhiêu những bài thơ, bài hát. Nay được sống và công tác giữa vùng sông nước Cà Mau, tôi sung sướng như muốn biến ngay thành một con cá vẫy vùng cho thỏa thích.

Tôi tập bơi xuồng. Cây dầm thiệt to với mái chèo thiệt lớn, vậy mà xuồng cứ xoay tròn không chịu theo mình điều khiển. Em gái nhà kế bên trạm Biên phòng, nhỏ hơn tôi bốn năm tuổi đứng trên bờ cười khúc khích, còn tôi thì mồ hôi ướt đẫm cả quân phục, ướt loang ra cả áo phao. Thấy tôi loay hoay hoài không được, má Năm kéo nhẹ sợi dây cho xuồng về đúng hướng rồi mới chỉ cho tôi cách móc mái dầm sao cho mũi xuồng chịu nghe theo người điều khiển. Bình tĩnh nghe theo lời má, chưa đến ba buổi tập, tôi đã trở thành một tay chèo xuồng thứ thiệt. Từ cầu tàu của trạm, tôi chèo qua chèo lại sang bến sông nhà má, khi lấy chai nước tương, lúc lại cầm cho dượng Năm tờ báo, cốt là để tập chèo xuồng cho vững.

Rồi tôi tập chạy xuồng máy vỏ composite. Giữa mênh mông, bạt ngàn rừng ngập mặn, xuồng tuần tra Biên phòng chạy xé tung bọt nước trắng xóa. Những đêm cuối năm, khi độ mặn của nước biển lên cao, xuồng chạy đi tới đâu tạo thành một đường nước sáng xanh, lấp lánh. Một vài chú cá đối giật mình nhảy vô khoang xuồng, lật qua lật lại rồi im bặt. Trong thanh vắng, tiếng máy nổ giòn tan, mang yên bình về trong khóm ấp. Còn những ngày giông bão, anh em tôi chạy xuồng đến từng nhà tuyên truyền, phụ giúp bà con đưa ghe tàu vào nơi trú, tránh an toàn; cột, chống lại nhà cửa cho vững vàng trong sóng gió. Chén cơm chan nước mắm mặn ăn giữa gió bay ngàn ngạt, giữa những hạt nước mưa quất vào da mặt tê rát sao mà ấm tình quân dân, sao mà nhiều kỷ niệm nơi miền Đất Mũi.

Năm 2005, tôi đến thăm nhà mồ Ba Chúc, chùa Phi Lai, chùa Tam Bửu dưới chân dãy Thất Sơn hùng vĩ. Đứng trước ngôi mộ tập thể hình lục giác với bốn cánh tay và bốn thanh kiếm cắm thẳng xuống đất, lòng chúng tôi bồi hồi xúc động. Chứng tích chiến tranh còn hiện rõ nơi đây để giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau bài học lịch sử về bảo vệ Tổ quốc. Biên giới Tây Nam ổn định, hữu nghị và hợp tác là tiền đề quan trọng để cả vùng đất Tây Nam Bộ hòa bình và phát triển. Trách nhiệm đó đè nặng trên vai người lính Biên phòng chúng tôi.

Cuối những năm hai ngàn, tôi tạm xa mảnh đất Cà Mau thân yêu để về Biên phòng Long An nhận công tác. Từ trung tâm huyện vào đến đồn chưa đầy ba mươi ki lô mét nhưng phải trải qua những con đường đất đỏ gồ ghề với chi chít những ổ voi, ổ gà. Mùa khô, bụi đỏ bay mịt mù. Bụi đỏ bám chặt lấy quần áo không thể nào phủi sạch. Còn mùa mưa, con đường sống trâu trải một lớp bùn lầy nhão nhoẹt, ở dưới là lớp đất cứng trơ trơ, khiến cho những chiếc xe dù có bặm trợn đến mấy cũng phải té lên té xuống, dù bất kỳ ai điều khiển.

Đường sá đi lại quá khó khăn, điện lưới quốc gia mới chỉ kéo được đến trung tâm xã; trạm y tế, trường học còn lạc hậu, nên đời sống của người dân biên giới còn rất nhiều thiếu thốn, vất vả; nhiều trẻ em không được đến trường; nhiều người bệnh không có thuốc men chữa trị.

Những ngày ấy, anh em chúng tôi chèo xuồng, lội bộ đến từng nhà, từng cụm dân cư kiên trì thực hiện “ba cùng”. Kinh nghiệm sản xuất không nhiều, nhưng cán bộ Biên phòng dùng tài liệu khuyến nông của huyện hướng dẫn bà con thâm canh tăng năng suất. Trên bờ ruộng, bên cuộc trà, tình nghĩa quân dân ngày càng quây quần, ấm cúng. Rồi những lớp học tình thương tiếp nối ra đời, mang con chữ cho những trẻ em chưa có điều kiện đến trường. Những viên thuốc quân y tuy không nhiều, giá trị nhưng đến đúng người, đúng thời điểm nên hiệu quả. Cùng với đó, đường tuần tra ngày càng được đầu tư xây dựng cơ bản, việc cơ động lực lượng, tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới của BĐBP diễn ra thường xuyên, liên tục; điện lưới, điện máy nổ kéo khắp các nhà dân liền kề chốt dân quân.

Cũng chính từ những ngày gian khó đó, tôi thường đi công tác cùng một nữ cán bộ địa phương. Trong một lần giao lưu văn nghệ, tôi đã mạnh dạn cùng em song ca bài vọng cổ “Dòng sông quê em”. Giai điệu của bài ca, nhịp nhàng lên xuống tôi đã học được từ những ngày còn ở Đất Mũi khiến không chỉ em mà mọi người có mặt cùng ngỡ ngàng, thú vị. Một người lính Biên phòng “Quê hương năm tấn” hát bài ca vọng cổ. Kể từ bữa ấy, tình yêu của chúng tôi chớm nở. Để rồi trong những lần phối hợp tuần tra, hội họp, trồng cây, dựng nhà tình nghĩa…, tình yêu của chúng tôi đơm bông kết trái.

Cho đến hôm nay, dù còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng biên giới miền Tây đã yên bình và đang trên đà phát triển. Nhiều đường nhựa, đường đan bê tông phẳng lỳ chạy thẳng lên địa bàn Biên phòng, vươn qua cửa khẩu thông thương sang nước bạn; điện lưới quốc gia, sóng điện thoại di động, Internet gần như đã phủ kín; y tế, giáo dục được đảm bảo, giảm dần sự chênh lệch so với nội địa, đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Với người lính Biên phòng chúng tôi, đó vừa là niềm vui, đồng thời cũng là trọng trách thiêng liêng và tình nghĩa trọn đời với miền Tây thương yêu!

Nguyễn Hội

Bình luận

ZALO