Biên phòng - Sinh ra và cư tụ ở đâu, thuận lợi hay khó khăn, âu cũng là do thiên nhiên từ ngàn xưa quy định. Nhưng người Việt bằng kinh nghiệm sống của mình lại vẫn tâm niệm một điều: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Chính vì thế mà đất nước này, dân tộc này đã có bản ngã, kết đoàn thành sức sống tiềm ẩn, thành truyền thống của dân tộc mà không mấy kẻ xâm lược ngoại bang hiểu nổi.

Tại sao mấy nghìn năm đô hộ của phương Bắc, vậy mà “hận đồng hóa phương Nam vẫn mãi mãi bất thành”? Trái lại, người Việt vẫn đời nối đời hiên ngang tự xưng là “Đại Việt”, rồi “Đại Cồ Việt”. Dân Nam ta đã thề “Thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.
Lịch sử đã minh chứng hùng hồn câu nói của cha ông người Việt, tựa như lời của hồn thiêng sông núi, nhắc bảo con cháu rằng: “Dẫu cường nhược có lúc khác nhau nhưng hào kiệt đời nào cũng có”. Xưa kia, nước Việt nhỏ và yếu kém về kinh tế, về sức mạnh quân sự lại phải lo chống lại các cuộc xâm lăng đến từ nhiều phía nên nhân dân ta biết rất rõ cái giá của hòa bình và phát triển, cố gắng khiêm nhường và giữ tình hòa hiếu với ngoại bang, sẵn sàng chịu thiệt thòi về vật chất để tiết kiệm xương máu của dân lành - của nước mình và của cả nước đi xâm lược.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã từng nói: “Trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”(1). Nhân dân ta từ xưa đến nay đều nghĩ như thế, đều coi xương máu con em nước đi xâm lược cũng như là xương máu con em đất nước mình. Chúng ta muốn hòa bình nên chúng ta phải nhân nhượng, nhưng mọi sự nhân nhượng đều có nguyên tắc, có giới hạn của nó. Nếu nhân nhượng mà vượt qua cái ngưỡng của độc lập chủ quyền thì lại hóa ra bán nước, hại dân.
Cuối đời nhà Nguyễn, vua quan bạc nhược, chỉ lo giữ ngai vàng và cuộc sống nhung lụa của một số ít người mà khiếp sợ trước dã tâm của ngoại bang, quay lại đàn áp những người dân trung hiếu, quyết chiến đấu để bảo toàn bờ cõi. Sức mạnh của nhà nước là lòng dân - sức mạnh duy nhất ấy luôn làm quân thù e ngại thì lại bị chính nhà nước thối nát ấy hủy hoại. Hậu quả như thế nào thì ai cũng rõ: Vua thành bù nhìn, quan thành tay sai, thành công cụ của kẻ thống trị, còn nhân dân chịu cảnh nô lệ, lầm than, đất nước ta mất tên trên bản đồ thế giới.
Trước sự thống trị tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc thực dân Pháp và bọn phong kiến hèn nhát tay sai của chúng, những tưởng nhân dân nước Việt sẽ mãi mãi phải chịu kiếp ngựa trâu và con cháu chúng ta phải học rằng, “tổ tiên người An Nam là người Gô-loa” và nước mẹ chúng ta là nước... đại Pháp! Không! Nếu như lịch sử giữ nước mắc sai lầm do triều chính thối nát thì chính nhân dân ta lại là người sửa chữa sai lầm ấy. Sau 80 năm dài nô lệ, nhân dân Việt Nam lại bằng trí tuệ, sự kết đoàn và lòng quả cảm đã làm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Giành được chính quyền đã khó nhưng giữ được chính quyền non trẻ sau Tuyên ngôn Độc lập còn khó khăn gấp bội phần. Có lẽ, trong lịch sử của việc giữ vững chính quyền sau khi vừa giành được độc lập của dân tộc ta thì năm 1946 là thời điểm khó khăn nhất. Kẻ lăm le lật đổ chính quyền của nhân dân ta để đặt ách thống trị của chúng trên nước ta một lần nữa lại là kẻ lấy danh nghĩa của Liên hợp quốc vào giải giáp quân đội phát xít Nhật. Ở miền Bắc, ngay giữa lòng Hà Nội, hàng vạn quân Tưởng tràn vào hung hăng, ngạo mạn, tham lam như lũ hổ đói cùng với lũ Việt gian bán nước ngày đêm hoành hành o ép, khủng bố, giết người, cướp của, ra tối hậu thư cho chính phủ ta đòi quân đội ta phải hạ vũ khí. Ở miền Nam, quân đội Pháp núp sau quân đội đồng minh mà quân đội Anh là đại diện đã nổ súng âm mưu chiếm lại miền Nam, tách Nam Bộ ra thành một “Nam Kỳ quốc”.
Về ngoại giao, chính phủ ta lúc ấy hoàn toàn bị cô lập, chưa một nước nào công nhận nền độc lập của nhân dân ta. Về nội trị, chính quyền mới thành lập chưa quen với kỹ thuật hành chính, các đảng phái đối lập theo đuôi ngoại bang, tranh giành nhau, ra sức phá hoại chính quyền non trẻ, tiềm lực kinh tế tài chính gần như không có gì, nhân dân ta 95% mù chữ, lại vừa bị một nạn đói chết gần 2 triệu người (dân số nước ta lúc đó chỉ có khoảng 20 triệu người), quân đội ta ngoài lòng yêu nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh thì chỉ có “áo quần nâu chân đất, súng thô”. Hòa hoãn với Pháp để loại bớt quân Tưởng - một kẻ thù nguy hiểm ở ngay sát nách ta là một kế sách tài tình và bản lĩnh cao cường mà với tư duy chính trị thông thường không thể làm nổi.
Tuy nhiên, bọn hiếu chiến và tham tàn khi ấy muốn dùng mọi thủ đoạn ranh mãnh và bằng cả sự đe dọa về sức mạnh quân sự để làm nhụt tinh thần của nhân dân và các nhà lãnh đạo chúng ta, buộc chúng ta phải cúi đầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ung dung, tự tin vào sức mạnh của nhân dân mình mà nói thẳng với họ: “Tôi phải nói với nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam rằng, Hồ Chí Minh không bao giờ chịu cúi mình trước bạo lực vì Hồ Chí Minh là một phần không thể chia cắt của nhân dân ông ta, ông ta mong muốn những gì mà nhân dân mong muốn, ông ta hành động điều mà cả nhân dân ông hành động. Là những kẻ chiến thắng hay mãi mãi là những người bạn, nước Pháp chọn đường nào?”(2).
Cũng cần nói thêm rằng, khi ấy để thuyết phục nước Pháp ngừng chiến, Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều giả thiết, nhiều khía cạnh, ví như nước Pháp chiến thắng thì họ cũng chẳng được lợi gì, nhưng ở nhiều chỗ khác, Người đã chỉ rõ rằng, cuộc kháng chiến của Việt Nam là chính nghĩa, bảo vệ quyền độc lập, tự do là chân lý. Nếu nước Pháp cứ ngoan cố gây chiến tranh xâm lược thì cuối cùng, nhân dân Việt Nam sẽ toàn thắng mà nước Pháp sẽ thất bại và mất hết.
Những cái đầu u mê, cao ngạo, hiếu chiến và tham tàn đã không hiểu chúng ta. Nước Pháp đã thất bại nhục nhã sau 9 năm đem vũ khí hiện đại và nhiều binh hùng tướng mạnh đọ sức với sức mạnh của cả một dân tộc thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ.
Đế quốc Mỹ sau này cũng vẫn không hiểu được điều đó, vẫn thói kiêu ngạo, cậy có lắm vũ khí tối tân hiện đại, có nhiều mưu ma chước quỷ hòng biến nước Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá. Nhưng nhân dân ta với ý chí “Không có có gì quý hơn độc lập, tự do!” đã đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào; nước Việt Nam không những không trở lại thời kỳ đồ đá mà lại là một nước độc lập, thống nhất, tự do, đang làm bạn với tất cả các nước để cùng cộng đồng nhân loại chống lại những cái gì được coi là mất nhân tính và dựng xây, tái tạo một cuộc sống hòa bình, hữu nghị trên hành tinh của chúng ta.
Mấy nghìn năm trên dải đất này, nhân dân Việt Nam đã phải chịu biết bao đau thương, mất mát bởi các thế lực ngoại bang xâm lấn. Trải qua bao bão táp của chiến tranh, sức sống Việt đã được tôi rèn như thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, tinh thần yêu nước thương nòi của nhân dân ta như vàng càng luyện càng sáng, ngọc càng mài càng trong. Không nao núng trước bất kỳ kẻ thù hung hăng nào, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì nhân dân ta lại theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh ôn nhớ về lịch sử với bao hy sinh anh dũng quật cường của những thế hệ cha anh.
Đúng như Hồ Chủ tịch đã viết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa tới nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước... Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước... Bổn phận của chúng ta là... phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước”(3) để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc.
Tóm lại, bài học lịch sử dân tộc đã dạy chúng ta phải biết dựa vào dân, tin dân, phát triển tinh thần yêu nước của dân - cơ sở sức mạnh vô địch của nhà nước. Lòng dân là lũy thép.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
(1), (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, 1995, tr.457, 312.
(3) Sđd. tập 6, 1995, tr.171-172.