Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Nghi thức chôn cất cá Ông của cư dân miền biển Quảng Nam

Biên phòng - Tín ngưỡng thờ phụng, tôn kính cá Ông của ngư dân miền biển Quảng Nam biểu hiện qua các nghi thức tiến hành chôn cất cá Ông, là sự thể hiện tình cảm của ngư dân đối với một hiện tượng thiên nhiên rất gắn bó với họ. Nghi thức chôn cất cá Ông không đơn thuần chỉ là sự thực hành tín ngưỡng mà còn thể hiện khát vọng an lành, hướng tới sự may mắn trong cuộc sống khi đương đầu nơi đầu sóng, ngọn gió, thể hiện tinh thần đoàn kết tương trợ trong hoạt động đánh bắt hải sản của cư dân sông nước ngày đêm đối đầu với thiên nhiên, sóng gió...

Ngư dân đặt bàn thờ để làm lễ cúng cá Ông trước khi chôn cất. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Cá Ông (là một danh xưng phổ biến để chỉ loài cá voi) có cơ chế hoạt động như động vật nhưng môi trường sống lại ở dưới nước: Động vật có vú, thở bằng phổi, nuôi con bằng sữa... Đối với ngư dân miền biển nói chung và ngư dân Quảng Nam nói riêng, họ rất tôn trọng và luôn có thái độ biết ơn đối với cá Ông. Đây là loài cá rất hay giúp đỡ các ngư dân trong công việc đánh bắt hải sản. Đặc biệt, trong những lúc thuyền ghe gặp bão tố, cá Ông thường xuất hiện để đưa người và thuyền vào bờ.

Với những ân tình như vậy, khi gặp cá Ông chết (các ngư dân trân trọng gọi là Ông lụy), ngư dân các vạn chài tiến hành đám tang cho cá Ông với những nghi lễ trang trọng nhất như đối với một người cao niên có uy tín trong làng khi qua đời. Đặc biệt, người phát hiện cá Ông lụy đầu tiên được coi như trưởng nam - con trai ông Nam Hải và phải chịu tang như người con trưởng chịu tang bố mẹ ruột và gọi là Ông Sanh để thể hiện tình cảm của ngư dân đối với loài vật cứu ơn sinh mệnh mình - như người sinh ra mình lần thứ hai. Khi Ông lụy vào khu vực nào, cư dân khu vực đó cho rằng, đó là điều may mắn, là Ông đã đem điềm lành về với dân làng.

Dưới thời phong kiến, khi cá Ông lụy thì triều đình cử quan quân tiến hành khám cẩn thận để cấp tiền tuất cho dân làng địa phương lo tang ma chu đáo. Ngoài ra, triều đình còn cấp hương đèn, vải đỏ để tẩm liệm, sau khi chôn xong được cấp đất xây lăng, cấp ruộng hương hỏa lập đền thờ cúng. Tùy thuộc vào công trạng đóng góp của cá Ông và theo đề nghị của dân làng mà cá Ông được phong tặng các cấp đẳng thần.

Trong mấy chục năm trở lại đây, số lượng cá Ông lụy vào các vùng biển ở Quảng Nam rất nhiều, đặc biệt là các xã ven biển của huyện Núi Thành như: Tam Hải, Tam Quang, Tam Tiến, Tam Giang... Theo giải thích của các ngư dân cao niên ở địa phương này thì do bãi biển ở vùng này được thiên nhiên ưu đãi với làn nước biếc trong xanh, yên sóng, cát mịn nên khi gặp nạn cá Ông thường dạt vào đây.

Trong tâm thức của ngư dân Quảng Nam, cá Ông không chỉ là một vị thần cứu trợ trên biển mà còn là một vị thần bản mệnh liên quan đến sự hưng vong của vạn chài. Tính chất, ý nghĩa và tình cảm thiêng liêng của những cư dân xứ Quảng dành cho cá Ông được thể hiện ở tiến trình lễ tang cá Ông. Khi phát hiện cá Ông lụy, ngư dân địa phương tự giác cho ghe nhẹ nhàng áp sát để dìu kéo xác cá Ông vào bờ. Sau đó, dân làng tìm địa điểm cao ráo, sạch sẽ và phải nhìn ra biển hoặc sông.

Trước kia, tiến trình chôn cất cá Ông diễn ra trong 3 ngày với những công việc như sau: Ngày đầu, lập tang chủ, lập hội đồng hộ lễ; tắm gội, phạm hàm, nhập quan, thiết linh sang, minh tinh, thành phục và chiêu tịch diện. Ngày thứ hai: ngày lễ tế, đêm tổ chức hát bội. Ngày thứ ba, đưa đám, cúng hậu thổ nghi tiết; hát bả trạo đưa linh Ông. Hạ huyệt xong, tổ chức đua ghe để Ông chứng cho lòng thành và âm hồn vui hưởng, không quậy phá. Sau 3 ngày thì làm lễ mở cửa mã; tiếp tục làm tuần 7 ngày, 21 ngày, lễ chung thất 49 ngày, lễ đàm tế (lễ bỏ trang phục) 90 ngày và lễ đại tường 100 ngày. Đủ 3 năm thì làm lễ cải táng, lấy xương xếp vào quách trong lăng xây sẵn, cử người trông coi, hương khói hằng tháng, lễ tế hằng năm.

Đối với các vạn chài khác, khi hay tin cá Ông lụy ở vạn nào thì mang lễ vật đến điếu và góp tiền lo tang ma cho Ông. Hằng năm, vào các dịp Xuân kỳ, Thu tế, các vạn chài đều cử người về dự và thực hiện các nghi thức phúng điếu rất bài bản. Hiện nay, nghi lễ tang ma cho cá Ông đã có những thay đổi trong cách tổ chức, thời gian và có sự hòa trộn kết hợp với nhiều yếu tố tín ngưỡng khác cho phù hợp. Quy mô và nghi thức cũng đơn giản bởi những lý do về kinh phí, điều kiện tổ chức...

Tấm bia trên mộ cá Ông được đặt tên là ông Chuông. Ảnh: Lâm Đăng Khoa

Tìm hiểu về cách thức chôn cất cá Ông trong đợt điều tra văn hóa phi vật thể trong thời gian gần đây, chúng tôi về xã Tam Giang tìm gặp ông Phạm Văn Chương (sinh năm 1960, trú tại thôn 1, xã Tam Giang) - người đã từng trực tiếp tham gia chôn cất cá Ông vào năm 2004. Theo lời kể của ông Chương thì vào ngày 14-9-2004 (ngày mùng 1-8 âm lịch) có một con cá Ông dài khoảng 12m, nặng gần 5 tấn lụy vào bờ biển Tam Giang. Ngư dân vạn chài An Hải đã chung tay nhau tiến hành 1 nghi lễ đám tang cho cá Ông rất linh đình và trang trọng.

Buổi sáng khi chuẩn bị tiến hành các nghi lễ chôn cất cá Ông, tất cả dân làng vạn chài đều dậy thật sớm, áo quần chỉnh tề tập trung về bờ sông nơi đặt xác cá Ông. Dân làng lập bàn thờ, hương án ngay tại bờ sông để người đứng đầu vạn chài tiến hành một số nghi thức, trong đó quan trọng nhất là lễ tế cá Ông để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn đối với cá Ông đã độ trì cứu giúp cư dân trong những lúc sóng to, gió lớn... Sau đó, người ta dùng dây thừng loại to chắc buộc vào xác cá Ông rồi huy động thanh niên trai tráng dùng sức kéo vào Rừng Miếu chôn cất.

Một huyệt mộ khổng lồ được đào tại khu vực Rừng Miếu từ trước đó, người ta bắt đầu tiến hành các nghi lễ tẩm liệm y như đối với người chết. Xác cá Ông được làm vệ sinh sạch sẽ và được bọc lại bằng 7 vòng vải đỏ. Sau đó, người ta bó xác cá Ông bằng dây và đưa xuống huyệt mộ đã được lót giấy vàng mã trong tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng kèn và điệu hò bã trạo vang lên da diết đưa tiễn cá Ông về miền cực lạc... 3 ngày sau, dân làng làm lễ mở cửa mã và bắt đầu xây mộ và dựng bia cho cá Ông. Dân làng trân trọng khắc hai chữ: Ông Chuông thật to trên tấm bia (đối với cá Ông có kích thước nhỏ hơn thì người ta gọi là Ông Nhồng)...

Lâm Đăng Khoa

Bình luận

ZALO