Biên phòng - Sau 10 năm triển khai, Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 08/4/2011 của Tỉnh ủy Quảng Nam về “Tăng cường nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo trong tình hình mới” đã đi vào đời sống xã hội của nhân dân khắp miền biên giới của tỉnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, về các xã biên giới La Êê, Chơ Chun, La Dêê, Đắc Tôi, ĐắcPre và ĐắcPring, nơi đâu cũng hừng hực tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Nhưng ở địa bàn giáp biên này, nhiệm vụ chống dịch có những điểm khác biệt so với miền xuôi, đó là chống dịch gắn với chống vượt biên trái phép.
Ở thời điểm này, vai trò của người dân và chính quyền địa phương cùng tham gia bảo vệ 157km biên giới được thể hiện rõ nét. Nhiều đồng bào dân tộc Cơ Tu cho biết, bên kia là huyện Đắc Chưng, Kà Lừm, bình thường thì bà con vẫn qua lại thăm nhau, nhưng tình hình dịch bệnh thì không đi thăm nhau là một cách bảo vệ cộng đồng của cả 2 bên.
Còn ở tuyến biên giới biển, điểm nhấn sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 02/NQ-TU được thể hiện rõ nét nhất là việc bà con ngư dân luôn sẵn sàng ra khơi bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Hàng ngày đi đánh bắt trên biển, thuyền trưởng và các ngư dân cũng thường xuyên báo cáo tình hình vào đất liền.
Chiều ngày 8-4-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam (khóa XX) về “Tăng cường nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển, đảo trong tình hình mới”. Đây là một nghị quyết được triển khai có điểm xuyên suốt, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trên tuyến biên giới.
Tại hội nghị, Đảng ủy BĐBP Quảng Nam cũng đã đề xuất nhiều nội dung để nghị quyết này tiếp tục đi vào cuộc sống. Đó là “đề nghị Chính phủ 2 nước mở cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kạ Lừm, nâng cấp cặp cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc lên cửa khẩu quốc tế và viện trợ nguồn vốn ODA xây dựng Quốc môn cửa khẩu Đắc Tà Oọc khoảng 25 tỷ đồng, xem xét trình Chủ tịch nước cho nhập quốc tịch đối với 20 trường hợp người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú ở các xã biên giới huyện Tây Giang và Nam Giang...”.
Câu chuyện của người dân biên giới cùng đồng lòng chống dịch Covid-19 là một trong nhiều vấn đề được đề cập tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-TU. Từ khi triển khai đến nay, BĐBP tỉnh ký kết Quy chế phối hợp với 8 huyện, thị, thành ủy biên giới; ký kết Quy chế phối hợp quản lý cán bộ tăng cường với hai huyện Nam Giang và Tây Giang; cùng các địa phương thành lập 37 Tổ tự quản đường biên, cột mốc/733 thành viên, 171 Tổ tự quản an ninh trật tự/1.718 thành viên, 84 Tổ đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển/4.366 thành viên.
Để nghị quyết được triển khai và thực hiện xuyên suốt, ở mỗi địa phương trong tỉnh đều đã vận dụng linh hoạt, nhằm tăng cường sức mạnh của toàn dân và hệ thống chính trị trong bảo vệ biên giới, BĐBP cũng tăng cường 44 lượt cán bộ Biên phòng cho 14 xã biên giới; cử 87 lượt cán bộ tham gia cấp ủy, chính quyền, HĐND các cấp, kiện toàn 329 chi bộ/30 đảng bộ...
Kết thúc hội nghị này, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh giải pháp trọng tâm, đó là: Quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, lực lượng vũ trang và nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới gắn với phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, biển, đảo trong tình hình mới. Có thể nói, đó cũng chính là chỉ đạo mang tính định hướng, là giải pháp quan trọng, hiệu quả để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân biên giới Quảng Nam cùng đồng lòng bảo vệ biên giới, dẫu phía trước còn nhiều gian nan, thử thách.
Lê Văn Chương