Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 07/09/2024 10:23 GMT+7

Nghị quyết hướng biển của Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Biên phòng - Năm 2019, tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi là 23.741 tỷ đồng. Để đạt được con số ấn tượng này, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã đẩy mạnh thực hiện nhiều nghị quyết, tạo cú huých cho “con tàu” tăng tốc hướng về phía biển, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

kp3j_11a
Quảng Ngãi ưu tiên phát triển công nghiệp với các khu, cụm công nghiệp lớn như Dung Quất, Sa Huỳnh. Trong ảnh: Một dự án đang được triển khai tại Khu kinh tế Dung Quất. Ảnh: Lê Văn Chương

Kết thúc năm cũ, bước sang năm mới, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đạt được nhiều chỉ tiêu quan trọng: Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 540 triệu USD, tăng 18% so với năm 2017, vượt 20% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 114.107 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2017, vượt 2,4% so với kế hoạch. Phần lớn các sản phẩm công nghiệp đều tăng, trong đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động vượt công suất (6,85 triệu tấn). 

Những dự án kinh tế trọng điểm cho đến các khu đô thị, công trình cầu đường đều được đầu tư tại địa bàn tuyến biển, như công trình cầu Cửa Đại nối giữa 2 bờ của xã Tịnh Khê với xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi, góp phần mở rộng đô thị về hướng biển và kết nối tuyến đường chiến lược chạy dọc ven biển từ Dung Quất vào Sa Huỳnh.

Một trong những công trình đang được khởi công và chạy nước rút để cán đích, đó là Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất tấp nập suốt ngày đêm với sự tham gia của khoảng 22.000 công nhân. Công trình chưa hoàn thành nhưng đã có chuyến tàu đầu tiên chở vật liệu cập cảng nước sâu với 1.800 tấn phôi thép phục vụ cho nhà máy.

Từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi đã cấp phép mới cho 11 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 171,77 triệu USD, trong đó có rất nhiều công trình nằm ở khu vực tuyến biển. Đến ngày 9-1-2019, Quảng Ngãi tiếp tục cấp phép cho 5 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 360 triệu USD; cấp phép đầu tư cho 99 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 10.380 tỷ đồng, vốn thực hiện ước đạt 24.974 tỷ đồng, tăng 315,8%. Có 14 dự án đi vào hoạt động. Một số dự án lớn đã giúp hàng nghìn người lao động ở Quảng Ngãi có việc làm. Quảng Ngãi đang chú trọng đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực logicstic, công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng đô thị, công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch-dịch vụ.

Để thu hút các doanh nghiệp  đến Quảng Ngãi đầu tư và đạt được những thành công trên, Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã đẩy mạnh thực hiện các nghị quyết như: Nghị quyết số 01 về "Đẩy mạnh phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020"; Nghị quyết số 04 về "Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững ở 6 huyện miền núi của tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020"; Nghị quyết số 03 về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020"; Nghị quyết số 05 về "Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020"...

4erf_12a
Nghị quyết 01 tạo hành lang cho việc xây dựng công trình cảng Lý Sơn để phát triển du lịch. Ảnh: Văn Chương

Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi xác định 4 trụ cột trong phát triển kinh tế biển, đảo, gồm: Xây dựng, phát triển Khu kinh tế Dung Quất và các khu đô thị ven biển; chế biến sản phẩm từ biển; phát triển du lịch biển và kinh tế hải đảo, khai thác tài nguyên biển, phát triển mạnh nuôi trồng, vận tải biển, dịch vụ biển, cảng biển; xây dựng huyện đảo Lý Sơn mạnh về kinh tế du lịch, thủy sản, đánh bắt xa bờ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.  

Trong lĩnh vực phát triển thủy sản, đánh bắt xa bờ, từ cú huých của Nghị quyết 01, đến nay, toàn tỉnh có 5.552 chiếc tàu với tổng công suất 1,58 triệu CV, bình quân đạt 185CV/chiếc, trong đó, tàu có công suất từ 90CV trở lên chiếm 58%; (khoảng 1.300 tàu). Những đội tàu công suất lớn luôn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, liên kết tổ đội ra khơi đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển đảo, nhất là vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong sự phát triển của Quảng Ngãi được thể hiện bằng việc các doanh nghiệp đã chọn Quảng Ngãi để đầu tư. Những dự án lớn đang được triển khai tại tỉnh Quảng Ngãi như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất của Tập đoàn Hòa Phát; Khu công nghiệp đô thị và dịch vụ VSIP; dự án Tổ hợp khí điện từ mỏ khí Cá Voi Xanh; dự án Khu đô thị công nghiệp Dung Quất; Dự án Thành phố giáo dục quốc tế IEC của Tập đoàn Nguyễn Hoàng; Khu nhà phố thương mại Vincom Shophouse (Tập đoàn Vingroup).

Đồng chí Lê Viết Chữ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã truyền đi thông điệp đối với bộ máy của tỉnh rằng: “Mỗi cán bộ phải khát khao đổi mới; niềm tin, sự hài lòng của người dân là thước đo về hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị”. Càng gần đến năm 2020, tỉnh Quảng Ngãi càng đẩy mạnh các hoạt động trên tất cả các lĩnh vực để sớm về đích.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO