Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 06:03 GMT+7

Nghi lễ cấp sắc của người Dao

Biên phòng - Cuộc sống hiện đại với sự thay đổi mạnh mẽ của cơ chế thị trường đã khiến bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc mai một dần theo thời gian. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc Dao ở Tuyên Quang vẫn luôn có ý thức gìn giữ và bảo tồn lễ cấp sắc. Đây là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống và là nghi lễ quan trọng để công nhận sự trưởng thành của người đàn ông dân tộc Dao.

8auh
Thầy cả Phàn Văn Phú xem sách để chọn ngày tốt. Ảnh: Bàn Minh Đoàn

Theo tiếng Dao, cấp sắc được gọi là “quá tang” hay “quá tăng” nghĩa là lễ soi đèn, soi sáng người được thụ lễ trong tiến trình cấp sắc. Lễ cấp sắc thường diễn ra vào dịp cuối năm hoặc tháng Giêng âm lịch. Lễ gồm có nhiều bậc như lễ 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Thầy cúng trong lễ cấp sắc phải là thầy cao tay, ngày tháng cấp sắc được chọn rất cẩn thận, người được cấp sắc cũng phải thuần thục các nghi lễ trong các bản sắc. Trước khi hành lễ, người cấp sắc phải kiêng khem nhiều thứ như: Không được chửi bậy, không được quan hệ vợ chồng hay tơ tưởng đến nữ giới, giữ tâm hồn và cơ thể thanh tịnh, hòa nhã...

Thầy cúng Lý Văn Bường, dân tộc Dao tiền, ở thôn Mỏ Nghiêu, Tân Thành, Hàm Yên, Tuyên Quang cho hay: “Việc cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới, từ cha đến con, từ anh đến em. Thông thường, con trai từ 10 đến 12 tuổi trở lên đã có thể làm lễ cấp sắc. Tuy nhiên, vì tổ chức lễ trên phạm vi làng xã rất tốn kém nên người Dao một số nơi cho phép anh em trong nhà hoặc họ hàng thân thiết được tổ chức lễ cấp sắc cùng một lúc để tiết kiện chi phí. Việc này cũng được các dòng họ và cả chính quyền địa phương khuyến khích”.

Cũng theo ông Bường, lễ cấp sắc thường diễn ra trong 3 ngày. Ngày thứ nhất, lễ diễn ra ở ngoài trời. Ngày thứ 2, người thụ lễ vào nhà để nghe thầy cả đọc các loại sách cúng, thầy cả đọc lệnh cấp sắc, được các thầy dạy múa chuông, múa sa ma... Lúc này, người thụ lễ đã trở thành con người mới cả về thể xác và tâm hồn. Ngày cuối cùng, người thụ lễ đã được công nhận là con cháu Bàn Vương (ông tổ của người Dao) tiến hành tạ ơn tổ tiên theo đúng nghi lễ.

Ý nghĩa giáo dục to lớn của lễ cấp sắc thể hiện qua những lời giáo huấn hướng tới làm việc thiện, không làm điều ác. Các điều giáo huấn được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng kiến của tổ tiên nên tính giáo dục càng có giá trị. Lễ cấp sắc giúp con người nhận thức đúng đắn về bản thân, về  cách sống có nhân cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Nội dung nghi lễ mang tính giáo dục phù hợp với tinh thần, học đạo lý làm người qua lễ dâng đèn. Đối với người đàn ông dân tộc Dao, lễ cấp sắc đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Cấp sắc xong, họ được coi là người đàn ông đã trưởng thành, lúc đó lấy vợ, sinh con cái mới có đủ thẩm quyền làm chủ gia đình và tham gia các công việc của cộng đồng.

Người Dao không chỉ nổi tiếng với đức tính cần cù, chịu khó làm ăn mà họ còn giữ gìn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao chứa đựng nhiều giá trị ý nghĩa giáo dục, triết lý nhân sinh, hướng con người tới cái thiện, tới cội nguồn tổ tiên. Đây là một nghi lễ mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, có tính chất giáo dục đối với thế hệ trẻ ngày nay cần phải được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Lễ cấp sắc của người Dao huy động tổng hợp các loại hình nghệ thuật để phục vụ cho mục đích tôn giáo, tín ngưỡng. Tất cả các loại hình như âm nhạc, kiến trúc, thánh ca, diễn xướng... (bao gồm nhảy múa, trình diễn lễ nghi...) đều hoà quyện vào nhau, đổi thay rất phong phú và đa dạng. Các loại nhạc cụ dân tộc như trống, kèn, thanh la, chuông con, kèn pí lè, tù và... được sử dụng trong lễ cấp sắc cùng hòa tấu trở thành một dàn nhạc dân tộc rất độc đáo, hấp dẫn. Trong lễ cấp sắc có điệu múa chuông trang trọng, khỏe khoắn, rộn ràng và vui tươi, đã được khai thác và biên tấu phù hợp để phục vụ đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân tộc Dao.

Thầy cả Phàn Văn Phú, 47 tuổi, thôn Cây Mít, xã Tân Thành, Hàm Yên, Tuyên Quang, dân tộc Dao đỏ, người hay đi cúng lễ cấp sắc cho biết: “Trong mỗi lễ cấp sắc thường có 6 thầy cúng, trong đó có 3 thầy chính và 3 thầy phụ. Thầy chính thứ nhất, còn gọi là thầy cả, thường mặc áo thêu hình rồng, có nhiều họa tiết trang trí. Thầy thứ 2, mặc áo màu vàng; thầy thứ 3, mặc áo màu đỏ. Trong suốt quá trình thực hiện nghi lễ, 3 thầy phụ có trách nhiệm giúp thầy chính mặc áo và thay áo”.

Bên cạnh đó, những điệu nhảy độc đáo cùng bộ tranh thờ 18 bức vẽ các nhân vật và sự tích Đạo giáo là những tác phẩm hội họạ có giá trị nghệ thuật cao. Trang phục trong lễ cấp sắc thể hiện sinh động tâm lý, thị hiếu thẩm mỹ cũng như tài năng lao động sáng tạo của đồng bào Dao. Lễ  cấp sắc thể hiện khát vọng của người Dao về một cuộc sống sung sướng, ấm no và hạnh phúc, chứa đựng những giá trị nhân bản mang tính hướng thiện và có ý nghĩa giáo dục vô cùng sâu sắc, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thắt chặt tình đoàn kết, tương thân tương ái của đồng bào Dao Việt Nam.

Nghi lễ cấp sắc của người Dao đã được B ộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bàn Minh Đoàn

Bình luận

ZALO