Biên phòng - Cách đây 60 năm (1954), trong thung lũng Mường Thanh diễn ra một sự kiện chính trị quân sự trong đại - sự thất bại của thực dân Pháp và chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đối với Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi của một dân tộc mất độc lập, vùng lên đấu tranh đòi quyền độc lập. Trong những nhân tố làm nên chiến thắng vang dội đó, Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đóng vai trò rất quan trọng - lực lượng lãnh đạo, tổ chức Quân đội thực hiện thành công nghệ thuật "đánh điểm".
Việc thực dân Pháp tái chiếm, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm (từ 1953) là hệ quả bị động chiến lược khi các kế hoạch chiến tranh xâm lược trước đó của chúng trên nhiều chiến trường bị ta đánh vỡ. Lo sợ trước sự thất bại kéo dài, Chính phủ Pháp cùng các nhân vật cấp cao trong bộ máy quân sự, chiến tranh của Pháp như: Cao ủy Đơ-giăng, Bộ trưởng Quốc phòng Plê-ven, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Mác Giắc-kê, Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Sê-vi-nhê, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ê-ly, Tham mưu trưởng Lục quân Blăng, Tham mưu trưởng Không quân Phay… cấp tập kéo sang Điện Biên Phủ. Pháp tăng ngân sách, gia tăng số quân ở Điện Biên Phủ lên 16.200 tên, cùng nhiều lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự hiện đại. Chúng bố trí lực lượng thành 49 cứ điểm thuộc 3 phân khu liên thông, yểm hộ lẫn nhau và hệ thống bãi mìn dày đặc, hàng rào điện sát mặt đất. Tướng Pháp Na-va coi Điện Biên Phủ như "pháo đài bất khả xâm phạm", nơi "chôn vùi chủ lực của ta". Trong hoạt động quân sự, đánh điểm luôn phản ánh điều kiện và tư duy của Bộ Tham mưu lãnh đạo chiến tranh. Xét ở các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây, tư duy đánh điểm trong tư tưởng quân sự cũng khác nhiều so với thời đại xuất hiện chủ nghĩa tư bản - chủ nghĩa đế quốc cả về mục tiêu, tính chất, trình độ nghệ thuật tổ chức xây dựng và sử dụng binh lực. Trước khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, cuộc đụng đầu mang tính lịch sử giữa dân tộc Việt Nam mất độc lập với thực dân Pháp xâm lược đã diễn ra thời gian khá dài (từ 1948). Việc thực dân Pháp trở lại xâm lược lần thứ 2, rồi xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm quân sự kiên cố không hề bất ngờ đối với Đảng ta. Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu giải phóng dân tộc, Đảng và Hồ Chí Minh đã khéo kế thừa, phát triển nghệ thuật quân sự đánh điểm của dân tộc vào điều kiện mới, quyết định thực hiện phương thức tác chiến đánh điểm ở nghệ thuật đỉnh cao, thể hiện trên 3 vấn đề cơ bản:
Một là, lựa chọn Điện Biên Phủ là "quyết chiến điểm".
Điện Biên Phủ nằm trong thung lũng Mường Thanh (xưa gọi là Mường Then), với chiều dài khoảng 20km, chiều rộng trung bình 6 đến 8km, là một cánh đồng bằng phẳng, phì nhiêu, rộng nhất, giàu nhất, đông dân nhất trong 4 cánh đồng lớn ở Tây Bắc, ở giữa có con sông Nậm Rốm chảy qua, được dãy núi phía Đông và phía Tây bao quanh, khép kín. Do vị trí địa lý có giá trị quân sự rất lớn, cho nên thực dân Pháp đã tổ chức đánh chiếm và xây dựng thành pháo đài rất kiên cố. Trong tư duy của Đảng và Hồ Chí Minh, việc đưa ra quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm đánh chiến lược xuất phát từ nắm bắt ý đồ của địch; đồng thời, Đảng nhận thức rõ giá trị của cuộc chiến này khi ta giành phần thắng. Trong công điện khẩn gửi cán bộ, chiến sỹ mặt trận Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng và Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng"(1) , kêu gọi động viên cán bộ, chiến sỹ quân đội "phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này"(2). Trong từng đợt tiến công, trên cơ sở Đảng và Hồ Chí Minh giao trách nhiệm, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã sáng suốt trong lựa chọn đúng điểm đánh ngay trong đợt đầu: Đồi Him Lam, đồi Độc Lập, Bản Kéo, Hồng Cúm. Kế tiếp các điểm đánh "vòng ngoài" là các điểm đánh vào sâu ở đợt 2, 3: Sân bay Mường Thanh, đồi C1, đồi A1, đồi E1... Sự chọn lựa đúng đắn điểm đánh có giá trị rất lớn đối với chiến dịch trong xây dựng binh lực, tổ chức trận địa và "đánh diệt" các mục tiêu tập đoàn cứ điểm địch.
Hai là, kịp thời chuyển phương châm tác chiến phù hợp.
Trước tháng 2-1954, phương châm chiến lược trong đánh địch được Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định là "đánh nhanh, giải quyết nhanh". Nhưng khi triển khai thực hiện phương châm, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch nhận thấy nhiều bất ổn: Bộ đội của ta cho đến thời điểm đó mới chỉ đánh tiêu diệt cao nhất được một tiểu đoàn tăng cường có công sự vững chắc ở Nghĩa Lộ, nhưng có trận không thành công và bị thương vong nhiều; trận này tuy ta không có hợp đồng với máy bay, xe tăng, nhưng là lần đầu hợp đồng binh chủng bộ binh, pháo binh trên quy mô lớn, lại chưa qua diễn tập, tất yếu không tránh khỏi lúng túng; chúng ta lâu nay mới chỉ quen tác chiến ban đêm, ở những nơi địa hình dễ ẩn náu, chưa có kinh nghiệm đánh công kiên ban ngày trên trận địa bằng phẳng rất rộng; mặt khác thông tin của ta bị địch phát hiện giờ nổ súng... Dựa vào các kết quả Hội nghị Đảng ủy, Quân chính, cùng với tư duy độc lập, sáng tạo, Bộ Chính trị quyết định chuyển phương châm chiến lược từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Trong Hội nghị Quân chính (22-2-1954), đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh chiến dịch kết luận: "Đánh chắc, tiến chắc không có nghĩa là khi thời cơ đến, ta không chuyển sang phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh", nhưng theo phương châm nào cũng phải chắc thắng"(3). Bộ Chỉ huy chiến dịch phân tích rằng đây là một chiến dịch có không gian rộng, thời gian dài, gồm nhiều trận đột kích liên tục, kế tiếp nhau vào công sự vững chắc của địch cho đến những trận đánh quyết định cuối cùng để giành thắng lợi. Việc ra quyết định lui các đơn vị bộ binh và kéo pháo ra khỏi tuyến xuất phát tiến công tuy gặp nhiều khó khăn, song đó là quyết định sáng suốt nhằm bảo toàn, củng cố lực lượng, chuẩn bị đầy đủ các yếu tố đảm bảo cho các trận đánh "chắc thắng". Khi các yếu tố đã chuẩn bị đủ, thời cơ cho phép, Bộ Chỉ huy chiến dịch ra lệnh nổ súng tấn công quân địch (từ 13-3). Trong suốt tiến trình giao chiến, quân ta luôn quán triệt đúng đắn chủ trương "đánh chắc, tiến chắc", quyết tâm tiêu diệt binh lực địch, nắm và chớp thời cơ phát triển chiến đấu.
Ba là, biên chế, sử dụng lực lượng, phương pháp tác chiến hợp lý, hiệu quả.
Quy luật chiến thắng trong đấu tranh quân sự giữa 2 bên tham chiến đã từng được các nhà kinh điển Mác - Lênin khẳng định "mạnh được, yếu thua". Đối mặt với 16.200 tên địch tại Điện Biên Phủ, cùng hệ thống công sự kiên cố, liên hoàn giữa các cứ điểm là vấn đề khó khăn đối với ta. Đảng và Hồ Chí Minh chọn đúng điểm đánh là yếu tố quan trọng, nhưng ai đánh và đánh như thể nào để giành thắng lợi càng quan trọng hơn. Nhằm đưa chiến dịch Điện Biên Phủ đi tới thắng lợi "chắc chắn", Đảng và Bộ Chỉ huy chiến dịch mở nhiều hội nghị: Phân tích kỹ lưỡng mạnh yếu của 2 bên; phát lệnh động viên quân sự; xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang 3 thứ quân kết hợp với các lực lượng khác cùng tham gia đánh địch. Trong sử dụng binh lực cho chiến dịch, Đảng quyết định đưa 4 Đại đoàn bộ binh tham chiến (312, 316, 308, 304) và một Đại đoàn công pháo (351). Các Đại đoàn bộ binh và công pháo của ta tham gia chiến dịch đều được "chỉnh huấn, chỉnh quân" trước đó, được tổ chức chặt chẽ, hợp lý và bí mật. Trong 3 đợt tiến công địch, các Đại đoàn được biên chế, bố trí lực lượng hợp lý trong từng hướng tiến công, từng trận, từng mũi, từng điểm đánh. Đáng chú ý là ngay trong trận mở màn ngày 13-3, đội trọng pháo của ta đã nã súng thẳng vào đồi Him Lam và sân bay Mường Thanh, gây cho địch bất ngờ, choáng váng và thương vong lớn, tạo điều kiện cho bộ binh tiến công tiêu diệt địch trên các hướng, các điểm. Trong nghệ thuật dùng binh, Bộ Chỉ huy chiến dịch luôn theo dõi, nắm chắc diễn biến chiến trường, chỉ đạo các lực lượng phối hợp chặt chẽ, thống nhất trong các hình thức tiến công, phòng ngự, nghi binh lừa địch. Sự khéo léo trong sử dụng kết hợp lực lượng và phương thức hợp đồng chiến đấu: Giữa các đơn vị bộ binh với pháo binh; giữa lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu; giữa lực lượng tuyến đầu và các tuyến phía sau tạo nên thế trận liên hoàn "cài răng lược". Với cách "hành binh, dấu binh" bí mật, cùng với năng lực tổ chức điều binh chiến đấu rất độc đáo sáng tạo của Bộ Chỉ huy tại các hướng, điểm tiến công đã làm cho kế hoạch "bày binh, bố trận" của thực dân Pháp ở 3 phân khu bị xáo trộn, rối loạn, chia cắt. Với tư tưởng của Đảng "quyết chiến, quyết thắng", phương châm đúng đắn "đánh chắc, tiến chắc" cùng nghệ thuật chỉ đạo đánh điểm độc đáo của Bộ Chỉ huy chiến dịch, ý chí dám đánh, quyết đánh, biết đánh của bộ đội ta làm cho hệ thống cứ điểm của địch nhanh chóng sụp đổ, các phân khu bị ta đánh chia cắt, tiêu diệt.
(1) Điện của Trung ương Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 7, tr. 266.
(2) Điện của Trung ương Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, tập 7, tr. 266.
(3) Vũ Như Khôi, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, Nxb QĐND, H.2014, tr. 182.
Đại tá Chế Đình Quang (Học viện Chính trị - Quân sự)