Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:07 GMT+7

Nghệ sĩ Ưu tú Lò Hải Lam: Đam mê giới thiệu bản sắc văn hóa người vùng cao

Biên phòng - Là nghệ sĩ múa được đào tạo bài bản, nhưng Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Lò Hải Lam, công tác tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Sơn La lại thăng hoa trên con đường nghiên cứu văn hóa, viết lách. Anh luôn mong muốn và dốc sức cống hiến để người dân cả nước biết đến đồng bào dân tộc Thái cũng như quê hương Sơn La nhiều hơn.

NSƯT Lò Hải Lam (hàng trên, thứ 9 từ trái sang) chụp ảnh cùng các diễn viên dân tộc Thái tham gia “Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2023 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: baosonla.vn

Nói đến gia đình nghệ sĩ Lò Hải Lam, nhiều người trong giới hoạt động nghệ thuật dân tộc thiểu số ở Sơn La và các tỉnh miền núi đều dành sự nể trọng khi trong gia đình anh, cả 2 vợ chồng đều được phong danh hiệu NSƯT. Nếu chồng ở chuyên ngành múa thì vợ ở chuyên ngành hát, hiện, bà xã anh công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La. Đặc biệt, hiện nay, người con trai lớn của anh đang là diễn viên múa trẻ của Đoàn Văn công BĐBP. Thực ra, gen nghệ thuật trong gia đình nhỏ của anh đã được nhen nhóm từ cha mẹ của mình. Cha anh là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian dân tộc Thái, còn mẹ anh là diễn viên múa, hát Đoàn Văn công Khu tự trị Tây Bắc (nay là Nhà hát Ca múa nhạc tỉnh Sơn La).

NSƯT Lò Hải Lam là cái tên không còn xa lạ đối với những người lính quân hàm xanh ở Sơn La khi anh thường xuyên cộng tác với BĐBP Sơn La trong các chương trình nghệ thuật. Anh làm biên đạo và trực tiếp tham gia múa cho Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La tại Liên hoan tuyên truyền tuyến biên giới - bờ biển và giành Huy chương Vàng vào các năm 2012, 2014, 2016. Những tiết mục của anh đều mang màu sắc của dân tộc Thái và núi rừng Sơn La khó có thể lẫn với dân tộc, địa phương khác.

Là người trực tiếp làm chuyên môn, những chương trình văn nghệ tại chỗ phục vụ nhiệm vụ chính trị tại cơ quan, đơn vị, anh luôn đau đáu để cho ra đời những tác phẩm múa hay, mới, đặc sắc. Tính đến nay, ở Sơn La, anh là người duy nhất giành được “cú đúp” với Giải A cụm tác phẩm múa - Giải thưởng Văn học nghệ thuật lần thứ nhất (giai đoạn 2015 - 2018) tỉnh Sơn La, năm 2019 và Giải A cụm tác phẩm múa - Giải thưởng Văn học nghệ thuật lần thứ hai (giai đoạn 2018 - 2021) tỉnh Sơn La, năm 2021. Đó là sự ghi nhận của UBND tỉnh với những cống hiến trong suốt nhiều năm của người nghệ sĩ dân tộc Thái Lò Hải Lam.

Nói đến tác phẩm múa của anh, người xem dễ cảm nhận, dễ hiểu, bởi anh lấy văn hóa bản địa làm nền tảng cho các tác phẩm của mình, đổi mới theo kịp thời đại nhưng cốt lõi vẫn phải giữ bản sắc, vẫn giữ được động tác cơ bản của dân tộc đó mà không quá lai căng. Lò Hải Lam hiểu rằng, đổi mới là cần thiết, đó là một công cuộc dài lâu, cần phải làm hết sức thận trọng, chắc chắn, không thể qua quýt. Hơn nữa, nhu cầu và trình độ của công chúng ngày càng cao khiến cho anh phải không ngừng đào sâu suy nghĩ để có thể sáng tạo ra những “món ăn tinh thần” phù hợp, thiết thực. Nhiều tác phẩm múa của anh khi nhắc đến được khán giả nhớ tới, như: “Sắc hoa văn Sơn La”, “Chợ núi”, “Em dệt sợi thương”, “Mùa về”, “Sắc xuân vùng cao”, “Mùa trái ngọt”…

NSƯT Lò Hải Lam chụp ảnh cùng nghệ nhân dân tộc Thái tham gia “Ngày hội sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2023 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: NVCC

Gần đây, anh tham gia Ban Giám khảo chấm thi trình diễn 6 điệu xòe cổ và “Người đẹp trình diễn trang phục dân tộc Thái” trong khuôn khổ Lễ hội hoa ban thành phố Sơn La năm 2023 (từ ngày 10 đến 12/3/2023).

Qua cuộc thi này, anh mới thấy, bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trên bộ trang phục dân tộc Thái, một số nhà thiết kế và các thí sinh lựa chọn bộ trang phục không phù hợp, cải biên, cách điệu quá nhiều, thiết kế hở hang, gây phản cảm đối với người xem, làm mất đi nét đẹp vốn có trên bộ trang phục dân tộc Thái. Là một giám khảo, lại là người dân tộc Thái bản địa, anh đánh giá không cao về trình độ, tính thẩm mỹ của các nhà thiết kế và các thí sinh khi lựa chọn những bộ trang phục đó.

Là người dân tộc thiểu số, lại có kiến thức sâu rộng về văn hóa dân tộc, nên trong các bài báo của Lò Hải Lam đã khắc họa được chân dung nhân vật một cách đặc sắc, rõ nét. Anh không dùng ngôn từ bóng bẩy, hoa mỹ, mà dùng những từ ngữ mộc mạc, giản dị, đúng như phong cách và con người miền núi. Câu từ của anh đã dẫn người đọc đến với những cảm nhận thú vị về con người và văn hóa vùng cao.

Hơn hết, qua những bài viết đó, anh muốn cổ vũ, động viên những nghệ sĩ đã và đang có nhiều cố gắng, đóng góp cho sự phát triển của văn hóa dân tộc thiểu số mà ít được báo chí nhắc đến. Họ không có nhiều show diễn như ở thành phố, chịu nhiều thiệt thòi về chế độ, điều kiện biểu diễn, nhưng vẫn một lòng, một dạ cống hiến cho nghệ thuật, cho quê hương bản làng. Anh trân trọng, biết ơn và muốn tri ân họ qua những bài báo.

Ở tuổi 50, nghệ sĩ Lò Hải Lam đang tràn đầy sung sức với các tác phẩm nghệ thuật. Làm việc một cách say sưa nhưng khi cấp trên đề bạt đưa anh lên vị trí cao hơn, anh đều khéo léo từ chối, bởi anh biết, mình luôn đau đáu với công việc chuyên môn, nếu làm quản lý sẽ không có thời gian nghiên cứu, sáng tạo. Anh là người có năng lượng làm việc dồi dào, nhưng lại khái tính, không thích bon chen, xô bồ.

Song song giữa hai công việc biên đạo và viết báo, Lò Hải Lam luôn giữ được thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, chỉn chu, một trái tim ấm nóng, nhiệt huyết với công việc. Dẫu là hai nghề có tính chất nghề nghiệp khác nhau, nhưng anh luôn giữ được “nhịp điệu” trong tâm hồn mình để có thể hoàn thành hai vai một cách xuất sắc. Tuy vậy, hai nghề này đều cần một tình yêu lớn và vốn hiểu biết rộng về văn hóa vùng cao. Đó là điều mà NSƯT Lò Hải Lam có lợi thế hơn ai hết.

Trò chuyện với anh, tôi luôn cảm nhận được sự chân thành, mộc mạc. Anh luôn động viên tôi tiếp tục viết báo về các văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số để nhiều người có thể biết đến họ hơn. Không phô trương, kiêu ngạo mà từ tốn, khiêm nhường, lặng lẽ cống hiến với nghề, NSƯT Lò Hải Lam cứ như con ong góp mật ngọt cho đời, làm đẹp cho quê hương Sơn La và đồng bào dân tộc Thái mến yêu. Thiết nghĩ, ở những tỉnh miền núi biên giới, có những người nghệ sĩ như Lò Hải Lam thật đáng quý, đáng trân trọng biết nhường nào!

Ngô Khiêm

Bình luận

ZALO