Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 27/03/2023 04:41 GMT+7

Nghệ nhân Long Vân miệt mài gìn giữ văn hóa Tày

Biên phòng - Nặng lòng với chữ viết của người Tày, ông Lương Long Vân, dân tộc Tày, năm nay đã gần 90 tuổi nhưng vẫn đam mê, say đắm nghiên cứu, sưu tầm những bộ sách chữ cổ của dân tộc Tày. Ông bảo: Sách của dân tộc Tày có ghi chép những làn điệu Then cổ, hát Cọi, hát Quan làng, những bài cúng khấn gia tiên là cả một kho tàng văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, nghi lễ của người Tày, nhưng người trẻ không “thẩm” được vì không biết chữ viết.

5ad9a9e1471e3c0918000fcb
Ông Lương Long Vân say sưa hát điệu Then cổ. Ảnh: Bàn Minh Đoàn

Sinh ra và lớn lên ở xã Trùng Khánh, huyện Nà Hang, tỉnh Tuyên Quang, nơi có truyền thống hiếu học từ xưa, 16 tuổi, ông Vân đã theo học chữ quốc ngữ. Ngày học chữ quốc ngữ, đêm ông lại học chữ Nôm Tày. Học xong lớp 3 trường làng, UBND xã Trùng Khánh gọi ông ra làm việc. Ông đã từng trải qua các cương vị công tác như: Văn thư, Văn phòng, Thư ký Ủy ban, Trạm trưởng Trạm y tế, Phó Chủ tịch UBND xã Trùng Khánh cho đến ngày nghỉ hưu.

Ngày còn công tác, ông Vân vẫn ngày đêm ấp ủ, đam mê với bộ sách chữ Nôm Tày. Với người Tày, ai mà biết được chữ Nôm thì mê lắm, còn ai chưa biết chữ thì nhìn vào con chữ rất khó khăn, nhưng khi đã biết rồi thì ham học và học cũng dễ. Biết chữ Nôm mới hiểu đó là một kho tàng văn học uyên bác, đậm tính nhân văn. Từ khi nghỉ hưu, ông Vân có nhiều thời gian học nâng cao, nghiên cứu bộ sách chữ Nôm của dân tộc Tày. Hiện nay ông về ở với các con, cư trú ở thôn Yên Phú, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang nên có điều kiện để nghiên cứu, sưu tầm, sao chép lại bộ chữ, các bài hát Then, Cọi... để truyền lại cho thế hệ sau.

Tôi tìm đến nhà ông, ngôi nhà sàn kiểu dân tộc Tày ngay cạnh những nương chè của nông trường bạt ngàn một màu xanh. Ông nắm chặt lấy tay tôi, bàn tay nhăn nheo nhưng rắn chắc. Trong gian phòng của ông, sách được xếp gọn gàng ngăn nắp, kế bên là cây đàn tính cùng bộ chuông nhạc lắc. Ông đón khách nhưng trong tay vẫn đang cầm cuốn sách chữ Nôm của người Tày. Cuốn sách phải dày đến mấy trăm trang được ghi chép bằng bút lông, nét chữ nắn nót, thẳng hàng. Tôi hỏi, “ông học chữ Nho ạ?”. Ông bảo, “phải rồi! Chữ Nho, giờ là chữ Nôm của người Tày, vì người Tày biến chữ Nho này thành tiếng Tày, cũng như một số dân tộc khác như Dao, Mông cũng có chữ Nho nhưng họ nói bằng tiếng của họ!”. Ngưng giây lát, ông nở nụ cười sảng khoái và tự tay pha trà theo kiểu của dân tộc mình. Ở ông lão người Tày này là một kho kiến thức về nếp sống, phong tục của người Tày truyền thống.

Ông Vân bảo học chữ Nôm Tày không khó, chỉ cần kiên trì, mê nó là học được. Ông học được chữ này là nhờ người anh trai cả tên là Lương Văn Lầu. Ông Lầu còn biết làm thầy cúng, thầy Tào, hát Quan làng giỏi nhất trong vùng, nên các đám cưới không bao giờ vắng mặt ông. Thế, nên cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ông Vân lại đến nhà anh trai học và học rất say sưa rồi nghiện học luôn từ bao giờ không hay.

Ở làng có đám cưới hỏi nào, ông Vân đều đi theo các ông thầy hát Quan làng xem, học hỏi. Các thầy Quan làng thấy ông đam mê thì có đám cưới hỏi nào cũng gọi đi giúp việc. Thế là ông trở thành đệ tử của các thầy Quan làng. Từ đam mê lại đọc thông viết thạo chữ Nôm Tày, nên việc hát với ông rất nhanh thuộc. Tôi đề nghị ông hát cho nghe một làn điệu Then cổ, ông vội mặc chiếc áo Tày và cầm cây đàn tính, thêm bộ chuông lắc kẹp ở chân, tay gảy đàn, chân lắc chuông rồi hát say sưa theo nhịp. Từ xa xưa rồi, hát Quan làng là tục lệ của người Tày, làm việc này không phải vì tiền, mà vì tâm, vì văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, phong tục, nghi lễ của dân tộc mình!

Tôi rất cảm phục ông Lương Long Vân, đã sống 90 mùa hoa đào, nhưng vẫn tự mày mò học từng con chữ của tổ tiên, thông hiểu phong tục, tập quán của đồng bào Tày. Giờ ông cầm cuốn sách chữ Nôm Tày cứ thế đọc vanh vách còn đọc hơn chữ Việt. Đặc biệt, ông có cái âm điệu hát Then cổ, nghe thật ấm áp, làm đắm say lòng người, nghe một lần rồi cứ muốn nghe mãi. Ông là một con người tâm huyết, góp phần bảo tồn, phát huy đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2017, ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cấp bằng công nhận Nghệ nhân dân gian. Hiện tại, trong gia đình ông Vân, các con cháu đều nói và viết được chữ Nôm Tày, đó là một điều đáng mừng, nhưng những nghệ nhân dân gian như ông cần có những cuộc giao lưu trao đổi, truyền dạy quy mô hơn để vốn văn hóa của người Tày được gìn giữ, bảo lưu cho thế hệ mai sau.

Bàn Minh Đoàn

Bình luận

ZALO