Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 04/10/2023 01:28 GMT+7

Nghệ nhân hết lòng gìn giữ văn hóa Si La

Biên phòng - Người dân tộc Si La ở bản Seo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đều yêu quý và kính trọng bà Hù Thị Xuân, bởi bà không chỉ là một già làng có uy tín, mẫu mực trong xã, mà còn là người rất tâm huyết gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Với những tâm huyết của mình, bà đã góp phần đưa những sắc thái riêng của dân tộc Si La cùng hòa điệu với các dân tộc khác, tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

hi9z_8a
Nghệ nhân Ưu tú Hù Thị Xuân. Ảnh: Thanh Thuận

Chúng tôi lên bản Seo Hai, xã Can Hồ trên thượng nguồn sông Đà sau cơn mưa nặng hạt. Tuy vậy, đường vào bản không mấy khó khăn, bởi đường bê-tông đã được trải dài đến tận cổng các ngôi nhà trong bản. Nghệ nhân Hù Thị Xuân trong trang phục truyền thống của người Si La với chiếc khăn đen trên đầu, mặc chiếc váy dài, cổ và tay áo được trang trí tỉ mỉ bằng cách đắp thêm những đường vải màu sặc sỡ, mặt trước váy nổi bật những đồng xu bạc trắng lấp lánh. Bà Xuân vui vẻ đón chúng tôi trong căn nhà đặc trưng của người Si La.

Năm nay bà đã 75 tuổi, nhưng nếu nhìn bề ngoài, chẳng ai nghĩ bà ở vào tuổi đó, bởi trông bà khá khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Bà từng là giáo viên, khi nghỉ hưu, bà tham gia công tác ở địa phương, rồi giữ chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Can Hồ. Hơn ai hết, bà Xuân hiểu rõ vai trò quan trọng của việc lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Si La. Với sự hiểu biết về văn hóa dân tộc của mình và lòng nhiệt huyết, bà Xuân đã cùng già làng Hù Chà Khao bỏ nhiều thời gian, công sức khôi phục, gìn giữ văn hóa dân tộc Si La. 

Trò chuyện với chúng tôi, bà Xuân cho biết, Seo Hai là bản sinh sống tập trung của người dân tộc Si La. Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của Việt Nam, Si La là một trong 5 dân tộc ít người nhất, có số dân chưa đến 1.000 người. Cách đây mấy chục năm, do đường sá đi lại khó khăn nên người Si La không ra khỏi bản, việc dựng vợ, gả chồng, sinh con của bà con chỉ loanh quanh trong dòng tộc. Do ít giao tiếp với các dân tộc khác nên những bản sắc văn hóa của dân tộc này ít được người nơi khác biết đến. Văn hóa của dân tộc Si La cũng mai một dần. Từ khi có Dự án “Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La, giai đoạn 2005 - 2010” của Chính phủ và Dự án di dân tái định cư thủy điện Lai Châu ở xã Can Hồ (2013), đồng bào Si La ở bản Seo Hai được Nhà nước hỗ trợ chuyển đến nơi định cư mới thì việc bảo tồn bản sắc văn hóa đã được cả chính quyền và người dân quan tâm hơn.

Bà Xuân đứng ra tổ chức sưu tầm các bài dân ca và các điệu múa Si La, giáo dục con cháu về văn hóa Si La, truyền dạy các bài hát, điệu múa cho thanh niên và phụ nữ trong bản, tổ chức đội văn nghệ của bản Seo Hai, tham gia cùng cơ quan chuyên môn nghiên cứu và biên soạn tài liệu lưu giữ về những nét văn hóa của dân tộc Si La...  Những nghi lễ truyền thống như trong việc thờ cúng tổ tiên, cưới hỏi, mừng cơm mới, tạ ơn trời đất, lễ cấm bản... đã bắt đầu được phục dựng lại. 

Nghệ nhân Hù Thị Xuân tâm sự: “Ban đầu, chúng tôi cũng loay hoay lắm, không biết nên bắt đầu từ đâu. Cứ mày mò, gặp hết già này, già kia, ghi chép rồi nhận được sự cố vấn của các chuyên gia. Chúng tôi tổ chức đội văn nghệ hát múa những bài dân ca Si La và những điệu múa truyền thống. Nhiều năm đi biểu diễn khắp nơi, giành được nhiều giải tại các hội thi, hội diễn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc tỉnh Lai Châu tổ chức, đội văn nghệ của bản trở nên nổi tiếng ở khu vực phía Bắc và toàn quốc. Tôi vui vì tiết mục dân ca của đồng bào mình đã vươn ra khỏi núi rừng Tây Bắc, được đông đảo người dân cả nước biết đến". 

Bên cạnh đó, nghệ nhân Hù Thị Xuân còn tích cực vận động nhân dân bản Seo Hai tham gia phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa do Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mường Tè phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương phát động, khuyến khích bà con người Si La gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình, vận động các gia đình dạy cho con em học tiếng dân tộc Si La... Những việc làm của bà Xuân không chỉ khơi dậy niềm đam mê hát dân ca, niềm yêu thích với văn hóa truyền thống dân tộc, mà còn giúp các thế hệ trẻ hiểu rõ được vai trò của mình trong việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

Hiện tại, bà Xuân đang hoàn thành bản thảo về đời sống văn hóa, phong tục tập quán, văn nghệ dân gian, lễ hội, ẩm thực... của đồng bào Si La có dung lượng hàng nghìn trang. Bà Xuân hy vọng, cùng với sự góp sức chỉnh lý của các nhà nghiên cứu, cuốn sách như một cách níu kéo những giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ mất đi của dân tộc Si La.

Với sự tâm huyết và những cống hiến trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Si La, nghệ nhân Hù Thị Xuân đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương. Bà đã được Nhà nước công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. Điều bà Xuân vui hơn cả là người dân trong bản chú tâm nhiều hơn đến việc gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc mình, để văn hóa Si La được nhiều người, nhiều nơi biết đến.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO