Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:52 GMT+7

Nghệ nhân chạm, khắc gỗ tài hoa

Biên phòng - Về Ninh Bình, hỏi tên nghệ nhân chạm khắc gỗ Trần Đức Lăng, hầu như giới chơi nhà cổ đều biết. Là một nghệ nhân tiêu biểu trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, không chỉ nắm giữ nhiều bí quyết, kỹ năng chạm khắc những hoa văn tinh xảo trên gỗ, ông Trần Đức Lăng còn là thợ có kỹ năng nghề tinh xảo, phục chế và hoàn thiện nhiều tác phẩm nghệ thuật trên các công trình di tích văn hóa lịch sử mang tầm cỡ quốc gia.

Nghệ nhân Ưu tú Trần Đức Lăng (bên phải). Ảnh: Ngọc Ánh

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con ở xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, ngay từ thời thơ ấu, cậu bé Trần Đức Lăng đã làm quen với những tiếng đục đẽo gỗ, những lá vỏ bào từ nghề mộc của cha. Say mê những hoa văn, họa tiết hình rồng bay phượng múa, những bông hoa sen thanh tao được chạm khắc trên gỗ, cậu bé Trần Đức Lăng luôn khao khát một ngày nào đó, có thể thổi hồn nghệ thuật vào những thớ gỗ vô tri như cha mình. Nỗi khao khát ấy đã thôi thúc cậu theo cha rong ruổi từ làng này sang làng khác để học nghề mộc suốt để rồi thành nghề lúc bước vào tuổi mười tám đôi mươi.

Năm 1990, Trần Đức Lăng bước sang tuổi 22, ông được mời tham gia tu bổ phần khung gỗ bên trong Nhà thờ đá Phát Diệm tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Đây là công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc, theo thời gian, nhiều phần khung gỗ bên trong nhà thờ đã bị mối mọt, hư hỏng. Trần Đức Lăng được giao phục chế lại toàn bộ họa tiết trên nền gỗ, đục chạm hoa văn, chạm vá lại những họa tiết bị đứt gãy, hư hỏng trên hệ thống vì chồng rường của ngôi nhà.

Với bàn tay khéo léo, ông đã tạo tác nên những hoa văn tinh xảo, những đường nét hoạ tiết mang vẻ đẹp đặc trưng của nhà gỗ Việt và nét văn hóa kiến trúc phương Đông. Đây là công trình đầu tiên đánh dấu sự trưởng thành về tay nghề của ông.

Chia sẻ về nghề, nghệ nhân Trần Đức Lăng tâm sự, cuộc đời ông dường như có duyên nợ với những công trình của đạo Phật. Ông được mời tham gia chỉ đạo và thi công rất nhiều công trình đền chùa quy mô lớn. Đầu tiên là công trình chùa Phúc Chỉnh tại thành phố Ninh Bình, sau đó là chùa Bái Đính- ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á. Hạng mục ông trực tiếp thi công là dãy hành lang La Hán, nơi du khách thập phương vãn cảnh chùa. Ông còn trực tiếp tham gia thiết kế và xây dựng cổng cố đô Hoa Lư lịch sử, cổng chào Tràng An, Phủ Đột khu du lịch Tràng An... Đây là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà khách thập phương về thăm cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) đều dừng chân vãn cảnh.

Nghệ nhân Trần Đức Lăng cũng chính là người tham gia vào công tác trùng tu, tôn tạo lại hạng mục Tam quan và chùa Tổ của quần thể chùa Hang (thị trấn Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Ngôi chùa này đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1999. Đây cũng là công trình đã vinh dự được nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới dự và cắt băng khánh thành lễ đặt Long cốt chính điện Tam Bảo vào tháng 12/2012.

Trong một chuyến công tác tại Thái Nguyên, Giáo sư Hoàng Đạo Kính, Tổng Thư ký Hội Kiến trúc Việt Nam đã đến thăm và đánh giá cao công lao đóng góp của nghệ nhân Trần Đức Lăng trong việc xây dựng công trình chùa Hang.

Năm 2013, khi tham gia xây dựng chùa Lam Sơn (thuộc xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An)- ngôi chùa gỗ lớn nhất Bắc Bộ, nghệ nhân Trần Đức Năng đã thiết kế Tam quan của chùa Lam Sơn với ý tưởng sen hội tụ. Hệ thống hàng cửa gỗ ở khu nhà hạ của ngôi chùa được ông chạm trổ tinh xảo, hoa văn cầu kỳ, thể hiện trí tuệ và sức tượng tưởng phong phú của người nghệ sĩ.

Ngoài ra, ông còn chỉ đạo thiết kế các công trình Nhà thờ Giáo xứ Hòa Lạc, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn-nơi ông sinh ra và lớn lên. Đặc biệt, nghệ nhân Trần Đức Năng còn tham gia tạo dựng các ngôi chùa tâm linh ở đảo Trường Sa- Đảo Song Tử Tây. Khi công trình ngôi chùa trên đảo Trường Sa hoàn thành, nghệ nhân Trần Đức Lăng vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” năm 2010.

Ngôi nhà chồng rường - một kiến trúc nhà Việt cổ của gia đình Nghệ nhân Trần Đức Lăng. Ảnh: Ngọc Ánh

Trong qua trình thi công tạo dựng, tu bổ các công trình nhà cổ, nghệ nhân Trần Đức Lăng luôn tâm đắc, say mê xây dựng một mô hình nhà gỗ theo kiến trúc nhà truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ. Khao khát đó được ông ấp ủ trong mấy chục năm làm nghề, để rồi tới năm 2014 mới trở thành hiện thực. Với hàng chục khối gỗ tích cóp được trong nhiều năm làm nghề, nghệ nhân Trần Đức Lăng đã tự thiết kế cho gia đình mình một ngôi nhà theo mô hình nhà rường bò (rường là rồng) với tổng giá trị khoảng 3,5 tỷ đồng. Ngôi nhà là sự hòa trộn giữa kiến trúc truyền thống và hiện đại với 2 tầng vừa cổ kính, vừa hiện đại, Trần Đức Lăng gọi kiến trúc này là nhà chồng rường. Ngôi nhà được lát gạch nâu vàng, hiên nhà được thiết kế với những họa tiết cầu kỳ, đẹp mắt. Chủ nhân còn trang trí thêm dãy đèn lồng làm tăng thêm vẻ đẹp huyền ảo, cổ kính cho kiến trúc.

Sau khi khánh thành, ngôi nhà của ông đã được đón nhiều đoàn chuyên gia nghiên cứu văn hóa, các kiến trúc sư đến thăm quan, quay phim, chụp ảnh để làm tư liệu cho công tác nghiên cứu, bảo tồn văn hóa.

Với những đóng góp, cống hiến cho đời những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ đẹp, mang tầm quốc gia, năm 2016, nghệ nhân Trần Đức Lăng đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực gỗ mỹ nghệ; năm 2017, ông được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam vinh danh “Thương hiệu xuất sắc vì sự nghiệp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Việt Nam”...

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO