Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 08/12/2023 05:12 GMT+7

Nghề đan của tộc người Ma Coong sẽ đi về đâu?

Biên phòng - Tộc người Ma Coong (thuộc dân tộc Bru-Vân Kiều) sống rải rác quanh khu vực biên giới thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, với dân số khoảng gần 3.000 người. Từ bao đời nay, tộc người Ma Coong đã biết tận dụng tre, nứa, mây, song để đan thành nhiều vật dụng phục vụ cho cuộc sống thường nhật của mình.

Ông Đinh Liễn chỉ dạy cho các cháu nhỏ về cách đan một cái Cù Tôộc (mâm), với hy vọng thế hệ trẻ sau này sẽ tiếp tục bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Thổi hồn vào nứa, tre, mây, song

Thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình là người biết khá rõ về tộc người Ma Coong trên địa bàn do đơn vị phụ trách. Anh nói khi cùng tôi đi về bản 61, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch: “Đan lát là nghề đã có từ lâu đời của tộc người Ma Coong, nhiều vật dụng trong gia đình đều do họ tự đan để sử dụng. Nghề này rất vất vả và đòi hỏi người đan phải tỉ mỉ, cần mẫn thì mới làm ra được những sản phẩm đẹp. Để hoàn thành một vật dụng có độ bền cao và đẹp, người đan phải có kinh nghiệm chọn khai thác những cây tre, cây nứa, sợi dây mây hay cây song đúng tuổi. Mùa này, các loại cây dùng để làm nguyên liệu đan đang vào thời điểm lên măng non nên họ sẽ không bao giờ khai thác”.

Với những thông tin do Thiếu tá Thanh cung cấp, tôi đến gặp gỡ và trò chuyện cùng ông Đinh Liễn, 51 tuổi, người có uy tín và là Bí thư Chi bộ Bản 61. Ông Đinh Liễn say sưa kể: “Không ai biết rõ nghề đan lát của người Ma Coong có từ khi nào, chỉ biết là các vật dụng được đan bằng tre, nứa, mây, song đều gọi bằng tiếng của người Ma Coong như: Cù tôộc là cái mâm; a nuộc là chiếc vợt bắt cá; chi poạc là chiếc chiếu để nằm...

Vào thời điểm cây mọc măng hoặc thay lá thì tuyệt đối người đan không được khai thác vì sản phẩm làm ra rất dễ bị hư. Cây chặt về được chẻ và chuốt thành từng chiếc nan nhỏ, mỏng, sau đó đem phơi nắng, ngâm bùn với thời gian phù hợp để khi uốn cong không bị gãy. Còn việc tạo màu sắc, đường nét, hoa văn cho sản phẩm thì phải biết để lại hay cạo bớt mặt vỏ, khi đan cần tính toán nên đặt sấp hay ngửa nan hoặc ngâm tẩm nan với các loại lá, củ rừng hoặc đem hong khói...

Người mới vào nghề thì đan cù pổ, a rê (giống chiếc nơm) để bắt cá, đan lôộc, nưng để làm chỗ nuôi gà, vịt. Người vững tay hơn một chút thì đan a dằng, tập, khoong, xao xang (chiếc gùi), nhưng với kích cỡ khác nhau hay các loại thủng là các loại rổ, rá, nong... Khi đạt đến độ vững vàng tay nghề thì đan những vật dụng khó hơn như cù tôộc (mâm đựng cơm), chi poạc (chiếu), ư poang (bàn, ghế)...

Từ lời kể của ông Đinh Liễn, tôi hiểu rằng, qua mỗi sản phẩm đan lát, người Ma Coong đã thể hiện, gửi gắm tình cảm, dấu ấn văn hóa trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của dân tộc mình để gìn giữ bản sắc văn hóa không bị mai một theo thời gian.

Nguy cơ mai một nghề truyền thống

Với tộc người Ma Coong, hầu hết những người đã trưởng thành đều biết đan lát một vài vật dụng thiết yếu để sử dụng trong gia đình, đàn ông thì đan vật dụng lớn, khó và đòi hỏi kỹ thuật cao, phụ nữ thì đan những đồ dùng đơn giản như a nuộc để bắt cá dưới suối hay những tấm phên để rào vườn cây, vườn rau khỏi bị gà, ngan vào phá. Trước đây, cứ vào những ngày mưa rét, không lên rẫy được là trong bản, nhà nào cũng đem nan đã chẻ treo trên giàn bếp xuống chau chuốt lại và đan những thứ mà gia đình mình còn thiếu hoặc đã bị hư hỏng. Lũ trẻ con thấy người lớn đan cũng tụ tập lại xem và sẵn sàng giúp đỡ người lớn làm những việc lặt vặt.

Thế nhưng mấy năm trở lại đây, khi con đường 20 được sửa chữa, nâng cấp, việc đi lại, thông thương với miền xuôi thuận lợi hơn nên nhiều người Ma Coong đã dần quen sử dụng các vật dụng bằng nhôm, bằng nhựa hoặc các nguyên liệu khác tiện dụng hơn, thế rồi cũng có ít người đan các vật dụng bằng tre, nứa, mây, song.

Khi nói về tương lai nghề truyền thống của tộc người mình, ông Đinh Liễn buồn bã chia sẻ: “Đan lát là nghề đã có từ bao đời nay của tộc người Ma Coong mình. Cái khổ, cái sướng đều được giữ lại trong những chiếc a dằng, tập, khoong, xao xang, bữa cơm có sắn, có khoai, có củ mài, củ chụp trên rừng, chỉ có cái cù tôộc (mâm) là gắn liền với đời sống của người Ma Coong. Thế mà bây giờ, mấy cái đó nhiều người chẳng còn dùng đến, họ chỉ thích mua đồ bằng nhựa, bằng nhôm để dùng thôi. Cũng vì nghề đan này rất công phu, mất nhiều thời gian nên nhiều người đã chọn cách mua đồ làm sẵn ở ngoài chợ về để dùng”.

Cũng theo lời ông Đinh Liễn thì hiện nay, trong cộng đồng tộc người Ma Coong sinh sống trên địa bàn xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, còn rất ít người biết và theo đuổi nghề đan lát, lớp thanh niên lớn lên sau này lại càng hiếm người theo học nghề truyền thống của cha ông. Một lý do nữa đã tác động không nhỏ đến nghề đan lát của người Ma Coong chính là sự phong phú về vật dụng bằng nhôm, bằng nhựa, với giá thành rẻ, được bán la liệt trên thị trường đã khiến người Ma Coong ít mặn mà với nghề truyền thống.

Ánh nắng chiều khuất dần sau những cánh rừng của dãy Trường Sơn đại ngàn. Tạm biệt ông Đinh Liễn, tạm biệt những cư dân tộc người Ma Coong, tôi trở về xuôi và mang theo cả những nỗi âu lo của nhiều già làng, trưởng bản như ông Đinh Liễn về nguy cơ mai một nghề truyền thống lâu đời của tộc người này, nếu như các ngành chức năng chưa có giải pháp quyết liệt để giúp người Ma Coong bảo tồn nghề truyền thống.

Nguyễn Thành Phú

Bình luận

ZALO