Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 08/06/2023 04:30 GMT+7

Nghệ An từng bước chấm dứt tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú ở khu vực biên giới

Biên phòng - Trong những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Nghệ An đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí, nhận thức của bà con các dân tộc Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Đan Lai, Tày, Poọng còn hạn chế nên kinh tế-xã hội tại 27 xã biên giới của tỉnh chậm phát triển, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo chiếm 60% theo chuẩn nghèo mới).

Cán bộ BĐBP Nghệ An tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình cho đồng bào các dân tộc vùng biên giới. Ảnh: CTV

Do vậy, khi đời sống kinh tế khó khăn, hoặc đến tuổi kết hôn, một bộ phận người dân, chủ yếu là người Mông đã lợi dụng mối quan hệ thân tộc dòng họ hai bên biên giới đã vượt biên di cư sang Lào để kết hôn và sinh sống hoặc làm thủ tục xin xuất cảnh sang Lào rồi ở lại cư trú bất hợp pháp.

Để ngăn chặn người di cư trái phép trong khu vực biên giới và tình trạng kết hôn không giá thú, ngay sau khi Thỏa thuận về giải quyết vấn đề di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước Việt Nam-Lào được Chính phủ hai bên ký kết ngày 8-7-2013, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã lãnh đạo, chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo, Tổ chuyên viên liên hợp (do Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An làm tổ trưởng), xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Thỏa thuận nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh cùng vào cuộc.

Tổ chuyên viên liên hợp đã phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn công tác trực tiếp sang làm việc với lãnh đạo chính quyền và Tổ chuyên viên liên hợp của 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay để thống nhất phương pháp, thời gian, lộ trình thực hiện Thỏa thuận. Sau đó, Tổ chuyên viên liên hợp tỉnh Nghệ An và các tỉnh có chung đường biên giới đã tiến hành thống kê, điều tra, xác minh, phân loại, lập danh sách người di cư tự do được phép, không được phép cư trú, người kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của mỗi bên trình lãnh đạo các cặp tỉnh xem xét và đề nghị Ủy ban Biên giới quốc gia hai nước phê duyệt.

Quá trình triển khai, dù gặp nhiều khó khăn về địa hình, phong tục tập quán, nhưng với sự quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Tổ chuyên viên liên hợp hai bên, sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền các cấp và nhân dân trong vùng biên giới hai nước nên việc thực hiện các nội dung Thỏa thuận của tỉnh Nghệ An với 3 tỉnh có chung đường biên giới đến nay cơ bản đã hoàn thành. Kết quả, hai bên đã khảo sát, thống kê và nhất trí cho phép 202 công dân Lào kết hôn không giá thú được ở lại Việt Nam (tỉnh Nghệ An) cư trú và 4.772 công dân Việt Nam di cư tự do và kết hôn không giá thú được phép cư trú tại 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay; đã công bố nhập quốc tịch Việt Nam cho 137 người Lào và đang làm hồ sơ nhập quốc tịch cho 34 người Lào và những người còn lại theo kế hoạch.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn kịp thời tình trạng di cư trái phép trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án: “Phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động di cư trái pháp luật của đồng bào Mông khu vực biên giới Tây Nghệ An giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo”; “Phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động truyền đạo Tin lành trái pháp luật ở khu vực biên giới Tây Nghệ An giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo”. BĐBP Nghệ An cũng chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng của nước bạn Lào phía đối diện triển khai các hoạt động, biện pháp ngăn chặn di cư trái phép xảy ra trong khu vực biên giới tiếp giáp giữa Nghệ An với các tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bô Ly Khăm Xay; đặc biệt, đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Xiêng Khoảng tiến hành diễn tập ngăn chặn người di cư trái phép trong khu vực biên giới đạt kết quả cao.

Chia sẻ về những kết quả đạt được trong thực hiện Thỏa thuận, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Để giúp người dân khu vực biên giới ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, đầu tư phát triển kinh tế ở khu vực biên giới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tăng cường tham mưu, phối hợp với chính quyền, địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc trong công tác vận động nhân dân trong khu vực biên giới không di cư tự do.

Trong đó, đã tập trung thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp cơ bản như lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng chức năng, đặc biệt là các đơn vị thuộc BĐBP tỉnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, ý thức về quốc gia, quốc giới cho nhân dân trên các địa bàn biên giới; phát huy có hiệu quả vai trò của các già làng, trưởng bản, người đứng đầu dòng họ, người có uy tín trên địa bàn để tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm các hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam-Lào, Luật Biên giới quốc gia, Nghị định 34/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế biên giới đất liền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, cam kết không di cư tự do và kết hôn không giá thú qua hai bên biên giới, cảnh giác, không để các phần tử xấu lôi kéo di cư sang Lào tham gia sinh hoạt đạo Tin lành, hoạt động phỉ và các tổ chức phản động; xây dựng các mô hình điểm về an ninh trật tự, các tổ tự quản đường biên, cột mốc, làng bản không di dịch cư.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Đề án của UBND tỉnh về "Nâng cao chất lượng công tác vận động quần chúng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tuyến biên giới phía Tây Nghệ An, giai đoạn 2012-2015 và những năm tiếp theo"; Đề án "Nâng cao hiệu quả giúp đỡ các hộ gia đình ở khu vực biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo" và chương trình “Nâng bước em tới trường”; phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”; mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động.

Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là hệ thống giao thông, điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nước sinh hoạt, xóa nhà tranh tre, dột nát; nâng cấp các thiết chế văn hóa, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, tăng cường chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; khuyến khích xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, các mô hình điểm về phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, kịp thời bố trí, sắp xếp nơi cư trú, sản xuất, sớm ổn định đời sống cho số người dân hồi cư hoặc do bạn (Lào) trao trả... góp phần quan trọng tạo niềm tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, thường xuyên kiện toàn, củng cố đảm bảo về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và triển khai thực hiện hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016-2020" ở các địa bàn khu vực biên giới.

Qua đó, phát huy hiệu quả vai trò của đội ngũ cán bộ đồn Biên phòng tăng cường về giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã và chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời về các chi bộ thôn, bản yếu kém đối với việc củng cố cơ sở chính trị. Đồng thời, phát triển sâu rộng trong nhân dân phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới theo Chỉ thị số 01/2015/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động di cư trái pháp luật của đồng bào Mông khu vực biên giới Tây Nghệ An giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo”; Đề án “Phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động truyền đạo Tin lành trái pháp luật ở khu vực biên giới Tây Nghệ An giai đoạn 2010-2015 và những năm tiếp theo”. UBND tỉnh đã chỉ đạo BĐBP tỉnh tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới, duy trì thực hiện tốt công tác kiểm soát bảo vệ biên giới, kiểm tra xuất nhập cảnh, ngăn chặn vượt biên, di cư trái phép sang Lào; quản lý chặt chẽ người nước ngoài ra vào khu vực biên giới, kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài lợi dụng việc thăm thân, nghiên cứu, đầu tư, viện trợ hoạt động từ thiện và tham quan, du lịch... để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, tuyên truyền phát triển đạo Tin lành trái pháp luật, lôi kéo di cư tự do.

Cùng với đó, là chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác quản lý hành chính dân cư, kịp thời nắm bắt, quản lý chặt chẽ các hộ gia đình có ý định di cư, các đối tượng có biểu hiện tuyên truyền phát triển đạo Tin lành, kích động, lôi kéo di cư trái pháp luật; phân loại quản lý đối với người di cư sang Lào nay hồi cư trở về hoặc số do bạn trao trả để có biện pháp tuyên truyền vận động, quản lý không để các đối tượng tuyên truyền, lôi kéo người dân tiếp tục di cư trái pháp luật.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An cũng tập trung đẩy mạnh công tác đối ngoại, phối hợp chặt chẽ với chính quyền 3 tỉnh của nước bạn Lào trong giải quyết vấn đề di cư và kết hôn không giá thú; chỉ đạo các địa phương khu vực biên giới duy trì thực hiện tốt việc giao ban, trao đổi tình hình có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như các vấn đề có liên quan đến giải quyết vấn đề di cư và kết hôn không giá thú. Tổ chức ký kết nghĩa cho 21 cặp bản - bản hai bên biên giới theo Chỉ thị số 12/2013/CT-UBND ngày 16-4-2013 của UBND tỉnh về việc tổ chức phong trào ký kết nghĩa giữa các cụm dân cư hai bên tuyến biên giới Việt Nam-Lào và ký kết nghĩa giữa 8 đồn Biên phòng với 8 đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới thuộc 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bô Ly Khăm Xay của nước bạn Lào.

Với việc triển khai đồng bộ biện pháp, đến thời điểm này, công tác phòng, chống di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy chưa chấm dứt song đã giảm rõ rệt. Nhưng cái được lớn nhất mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An làm được chính là tạo được sức lao tỏa mạnh mẽ, sự đồng thuận của người dân, đặc biệt là người dân khu vực biên giới trong việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trên địa bàn.

Linh Chi

Bình luận

ZALO