Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 01:03 GMT+7

Ngày trở về của những người lính tình nguyện E20

Biên phòng - 40 năm đi qua, những người lính Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Trung đoàn 20 mới mười chín, đôi mươi thủa nào, giờ tóc đã hoa râm. Ngày hôm nay, mọi người hội tụ về Đà Nẵng cùng nhau ôn lại những năm tháng vừa chiến đấu với quân Pol Pot - Ieng Sary vừa giúp đỡ chính quyền, nhân dân Campuchia xây dựng, hồi sinh đất nước sau nạn diệt chủng. Những câu chuyện đã 40 năm mà như mới diễn ra ngày hôm qua…

cb97_10a
Trung đoàn trưởng Cao Thế Khiển thăm hỏi thân nhân gia đình liệt sĩ của Trung đoàn 20. Ảnh: Trúc Hà

Với chất giọng hào sảng, dứt khoát, đầy khí chất của người đứng đầu của một trung đoàn trên chiến trường ác liệt, Đại tá Nguyễn Văn Điệu, nguyên Trung đoàn trưởng đầu tiên Trung đoàn 20 ôn lại những tháng ngày làm nhiệm vụ trên đất bạn: Khi mới sang Campuchia, Trung đoàn chỉ được trang bị vũ khí  là AK, CKC; súng cối thì không có đế, lương thực, thực phẩm không đủ, quân phục rách. Quân Pol Potnắm được điểm yếu đó nên thường xuyên tấn công, tập kích, cài mìn phục kích khắp nơi. Tuy vậy, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 20 vẫn kiên trì vừa chiến đấu, vừa xây dựng địa bàn, giúp chính quyền địa phương từng bước xây dựng cơ sở. Có thể nói, ngày ấy, chúng tôi bảo vệ gần 200km đường biên giới nước bạn bằng niềm tin và ý chí. 

Trung đoàn 20 làm nhiệm vụ phòng thủ biên giới trên địa bàn huyện Choomksan (tỉnh Prếch Vi-hia), huyện Cheep (tỉnh Stung Treng) và cơ động từ Kra-chê tham gia chiến dịch 457 vào mùa khô năm 1984-1985. Sau 7 năm làm nhiệm vụ trên đất bạn Campuchia, từ đây, trung đoàn tiếp tục làm nhiệm vụ ở vùng hạ Lào, đến năm 1988 lại rút về huyện Sim Bâng (tỉnh Stung Treng). Năm 1989, trung đoàn giải thể; nhận lệnh của cấp trên, cán bộ, chiến sĩ hội quân cùng các đơn vị của Mặt trận 579 trở về Việt Nam. Thời điểm này, Trung đoàn trưởng Cao Thế Khiển là một trong những người lính tình nguyện cuối cùng rời Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu 23 (sau này là cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh).

Có lẽ được tôi luyện, trưởng thành giữa cái sống và cái chết luôn cận kề, nên sau khi về nước, Thượng tá Cao Thế Khiển được tín nhiệm bổ nhiệm ngay làm Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện BĐBP (Tam Dương, Vĩnh Phúc). Sau đó, ông được Bộ Tư lệnh BĐBP bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng BĐBP Lai Châu (bao gồm tỉnh Điện Biên và Lai Châu ngày nay). Ngay sau khi nhận công tác, Chỉ huy trưởng Cao Thế Khiển đã dành gần 2 tháng để đi bộ thăm các đồn Đồn Biên phòng Si Pa Phìn, Leng Su Sìn, Ka Lăng, Pa Ủ...

Ngày hôm nay, gặp lại đồng chí, đồng đội, những người đã cùng ông kề vai sát cánh thực hiện nhiệm vụ, Đại tá Cao Thế Khiển vô cùng xúc động khi nhiều người vẫn còn nhận ra, tay nắm chặt, ôm chặt, gọi ông là “Thủ trưởng”. Lòng ông chợt chùng xuống khi gặp lại em trai của liệt sĩ Hải - người đã hy sinh ngay trước mặt ông vì vướng mìn quân Pol Pot. Ông chỉ như trút được gánh nặng khi biết gia đình đã mang được hài cốt của liệt sĩ Hải về quê nhà. 

Tháng 8-1978, chàng trai Phan Lê Văn (sau này là Đại tá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cam Ranh, BĐBP Khánh Hòa) và Nguyễn Tiến Hải (sau này là Chính ủy BĐBP Quảng Ngãi) đang là sinh viên trường Trung cấp Lâm nghiệp ở Bình Định thì có đợt khám tuyển nhập ngũ. Khi ấy, đơn vị pháo binh về lấy 100 chiến sĩ, những sinh viên nam nô nức đi ghi danh trong sự ngưỡng mộ của các sinh viên nữ. Ngày niêm yết danh sách, Phan Lê Văn và Nguyễn Tiến Hải vô cùng buồn vì mình không trúng tuyển. Phan Lê Văn bảo: “Trai tráng như bọn mình mà không trúng tuyển thì xấu hổ với bạn bè quá”. 

Một tuần sau, nhà trường thông báo 2 người cùng 8 sinh viên khác trúng tuyển vào CANDVT tỉnh Nghĩa Bình. Đôi bạn chia tay khi Phan Lê Văn được biên chế vào Tiểu đoàn 210 để đi Campuchia. Hơn 300 người lính tình nguyện vừa hành quân, vừa chiến đấu, hơn 1 tuần mới tới biên giới Thái Lan, đóng quân ở đền Prếch Vi-hia. Có năng khiếu, lại chăm chỉ, nên dù ngày chiến đấu, đêm học, nhưng Binh nhất Phan Lê Văn vẫn đứng đầu lớp tiếng Campuchia và được rút về trung đoàn làm phiên dịch. Đó là những tháng ngày vui nhất của Phan Lê Văn vì được tiếp xúc với nhân dân nước bạn và càng yêu mến sự hồn hậu của những người dân Campuchia. 

Năm 1981, Trung sĩ Phan Lê Văn nhận quyết định về Việt Nam học Trường Sĩ quan Biên phòng. Khi quyết định đến tay, chỉ còn nửa tháng nữa là đến ngày nhập học, vậy nên không thể chờ tài chính của đơn vị về để lấy phụ cấp, anh theo xe tải về Việt Nam luôn. Tiểu đoàn trưởng bảo quản lý lấy cho anh 2 bao gạo để làm lộ phí dọc đường.

2e3n_10b
Niềm vui ngày gặp lại của những người lính Trung đoàn 20. Ảnh: Trúc Hà

Đại tá Nguyễn Văn Đức, nguyên Chính ủy BĐBP Đà Nẵng không thuộc quân số cán bộ đi giúp bạn Campuchia, nhưng kỷ niệm về những người lính tình nguyện này vẫn đầy ắp. Khi ấy, làm Trợ lý cán bộ ở Bộ Chỉ huy CANDVT Quảng Nam-Đà Nẵng, chàng Trung úy Nguyễn Văn Đức là người phụ trách việc đọc tên cán bộ, chiến sĩ lên xe để sang Campuchia làm nhiệm vụ. Trong chuyến đi ấy, ông nhớ như in 2 người lính trẻ tên Lê Ngọc Lân và Lê Văn Lâm đồng hương với mình. Chiến sĩ Lê Ngọc Lân khi ấy vừa đủ 18 tuổi. Biết có đợt tuyển cán bộ đi Campuchia, Lê Ngọc Lân “thuyết phục” cấp trên bằng lá đơn được viết bằng máu. 

Với 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế, Trung đoàn 20 đã có 36 tập thể và trên 1.000 cá nhân được tặng thưởng huân chương các loại trong chiến đấu và nghĩa vụ quốc tế. Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn.

Đại tá Nguyễn Văn Đức không thể quên được Lê Văn Lâm vì có hoàn cảnh giống mình - đều là con trai duy nhất của liệt sĩ. Nếu xét về hoàn cảnh thì Lê Văn Lâm được ưu tiên, nhưng anh đã quyết định đi để chứng tỏ mình đúng con nhà lính. Thật may mắn, cả Lê Ngọc Lân và Lê Văn Lâm đều trở về lành lặn. Ngày hôm nay, 2 anh đến lễ gặp mặt, kỷ niệm, vẫn khoác lên mình bộ quân phục đã sờn màu nhưng vẫn là niềm tự hào của những cựu binh tình nguyện.

Sau phút ôn lại truyền thống, Đại tá Nguyễn Văn Điệu đứng giữa những đồng chí, đồng đội cùng nhau hát bài “Anh lính tình nguyện và điệu múa Ap-sa-ra”. Khi lời hát cất lên, mọi khoảng cách không gian, thời gian như bị xóa nhòa. Những năm tháng làm nhiệm vụ quốc tế lại ùa về hiện hữu, rõ ràng. Tất cả đều nói lời cảm ơn những tháng năm lửa đạn đã tôi luyện để họ có được ngày hôm nay.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO