Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 03:59 GMT+7

Ngày nay, vì sao yêu nước phải gắn với yêu Đảng, yêu Chủ nghĩa xã hội (bài 2)

Biên phòng - Có người cho rằng, yêu nước không nhất thiết phải gắn với yêu CNXH, miễn là xây dựng một xã hội giàu mạnh là được. Ý kiến trên đúng nhưng chưa đủ. Bởi thực tế có đất nước rất giàu, nhưng chưa hẳn đã mạnh, vì đất nước đó đã tạo sự bất công, bất bình đẳng trong xã hội, của cải của 1% người giàu bằng của cải của 99% số người còn lại của quốc gia. Vì thế, xã hội ấy không tạo được sự đồng thuận cao của xã hội, do bất bình đẳng đã tạo nên sự phân tâm trong xã hội.

Bài 2: Tại sao yêu nước phải gắn với yêu Chủ nghĩa xã hội?

Chúng ta cần một xã hội không chỉ giàu mạnh mà còn có sự công bằng, bình đẳng trong xã hội, tạo được sự đồng thuận cao của người dân vì mục tiêu chung là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là xã hội mới XHCN. Để xây dựng xã hội mới đó cần có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH, Đảng ta đã và đang hiệu triệu nhân dân ta xây dựng xã hội XHCNtiến bộ, ưu việt hơn tất cả các xã hội trước đó về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm giải phóng con người khỏi mọi tình trạng áp bức, bóc lột, bất công. Ngay từ đầu năm 1946, trả lời phỏng vấn của nhà báo nước ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[1]. Một lần khác, Người lại khẳng định: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[2].

Vì vậy, khi đã giành được độc lập, tự do, thống nhất đất nước, Đảng lãnh đạo nhân dân ta xây dựng xã hội mới, XHCN với các đặc trưng được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011). Đó là: “Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[3].

Từ quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản xác định xây dựng xã hội với những đặc trưng như trên có cần thiết không? Câu trả lời đã rõ ràng. Và thực hiện xây dựng xã hội như thế đã làm cho: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên CNXH của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”[4]. Như vậy, so với chính mình, đất nước ta đã đạt được thành tựu trên tất cả các mặt mà trước đây chưa đạt được.

Thật vậy, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã đánh giá (theo cập nhật mới nhất - ngày 11/11/2022): Việt Nam là một câu chuyện phát triển thành công. Những cải cách kinh tế từ năm 1986 kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã nhanh chóng giúp Việt Nam phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp chỉ trong vòng một thế hệ. Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Tỉ lệ nghèo (theo chuẩn 3,65 USD/ngày, theo PPP năm 2017) giảm từ hơn 14% năm 2010 xuống còn 3,8% năm 2020.

Đẩy mạnh tham gia và kí kết các FTA thế hệ mới tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và sản phẩm của Việt Nam “bước chân” vào thị trường châu Âu, Mỹ. Ảnh: Tư liệu

Y tế đạt nhiều tiến bộ lớn khi mức sống ngày càng cải thiện. Tỉ suất tử vong ở trẻ sơ sinh giảm từ 32,6 năm 1993 xuống còn 16,7 năm 2020 (trên 1.000 trẻ sinh). Tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 năm 1990 lên 75,45 năm 2020. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là 73, cao hơn trung bình khu vực và trung bình thế giới, trong đó 87% dân số có bảo hiểm y tế.

Số năm đi học bình quân của Việt Nam là 10,2 năm, đứng thứ hai chỉ sau Singapore theo xếp hạng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Chỉ số vốn con người của Việt Nam là 0,69 trên thang cao nhất là 01, xếp hạng cao nhất trong các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp.

Khả năng người dân tiếp cận hạ tầng cơ sở được cải thiện đáng kể. Tính đến năm 2019, 99,4% dân số sử dụng điện chiếu sáng, so với tỉ lệ 14% năm 1993. Tỉ lệ tiếp cận nước sạch nông thôn cũng được cải thiện từ 17% năm 1993 lên 51% năm 2020[5].

Về quan hệ đối ngoại, từ chỗ bị bao vây cấm vận, đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 192 quốc gia trên thế giới (bao gồm 190/193 nước thành viên Liên hợp quốc); trong đó, có 17 đối tác chiến lược (04 đối tác chiến lược toàn diện là Trung Quốc - 2008, Nga - 2012, Ấn Độ - 2016 và Hàn Quốc - 2022). Đặc biệt, chúng ta đã xây dựng được khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các nước lớn, trong đó có 05 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đồng thời, có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Việt Nam đã đàm phán, ký kết và thực thi 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các Hiệp định tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKFTA. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong việc hình thành các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương, v.v.

Như vậy, nhờ Đảng lãnh đạo của Đảng nhân dân ta xây dựng đất nước theo định hướng XHCN, nên Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, được bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, coi Việt Nam là hình mẫu để các nước học tập noi theo. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân phải gắn liền với yêu CNXH, vì có tiến lên CNXH thì nhân dân mình mỗi ngày một no ấm thêm, Tổ quốc mỗi ngày một giàu mạnh thêm”[6]. Xây dựng được xã hội như thế cần tiến hành nhiều nội dung, giải pháp để lòng yêu nước của mỗi người gắn với yêu Đảng, yêu CNXH.

Bài 3: Làm gì để yêu nước gắn với yêu Đảng, yêu Chủ nghĩa xã hội?

Trần Đức - Đinh Hà Thu - Vũ Thị Trang

-------------------------------------------------------

[1]. [2]. Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H.2011, tr. 187, tr. 64.

[3]. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 70.

[4]. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.CTQGST, H, 2021, Tập 1, tr.25 - 26.

[5]. https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview.

[6]. Hồ Chí Minh -Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H.2011, tr. 401.

Bình luận

ZALO