Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:32 GMT+7

Ngày mới của người dân bản Phiêng Cài

Biên phòng - Dù xa xôi, nằm chon von trên đỉnh núi, nhưng bản Phiêng Cài (xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) lại là một bản no ấm, có phần trù phú khiến nhiều người không khỏi bất ngờ khi lần đầu đặt chân đến đây. Người dân chăm chỉ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình và xây dựng vùng biên này trở thành điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội trên biên giới.

Trưởng bản Cháng A Tủa (bên trái) lập danh sách mua sách giáo khoa giúp người dân trong bản. Ảnh: Trúc Hà

Cùng nhau thoát nghèo

Từ trung tâm xã Lóng Sập lên bản Phiêng Cài dù là đường nhựa nhưng cũng không dễ dàng vì xa và cheo leo theo những ngọn núi cao ngất. Thế nhưng, ngay từ khi bước vào ranh giới của bản, chúng tôi đã bị thu hút bởi những vườn chanh leo. Những người phụ nữ Mông đeo gùi, đang hối hả hái những quả chín để đàn ông đóng bao rồi vận chuyển ra mặt đường, chờ xe ô tô của tư thương vào mua. Anh Cháng A Và phấn khởi cho biết: “Nhà tôi có 300 gốc, trồng từ năm trước, nay đã bán được 3 lần rồi. Giá cả thì tùy từng thời điểm, nhưng cũng được gần 20.000 đồng/kg, thế nên, mỗi lần bán cũng được 4-5 triệu đồng. Số tiền này giúp gia đình tôi trang trải khó khăn, nhất là lo chi phí cho con gái đang học tại trường cấp ba ngoài huyện”.

Góp lời, anh Nguyễn Viết Hùng (là thương lái chuyên thu mua chanh leo ở Phiêng Cài, hiện sống tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu) chia sẻ: “Tôi mua chanh leo số lượng không hạn chế, hàng về sẽ phân loại. Loại tôi bán cho nhà máy nước ép hoa quả Naofood, loại tôi mang về Hà Nội bán, còn loại đẹp nhất thì bán để xuất khẩu sang Trung Quốc. Các cửa khẩu Trung Quốc đã mở cửa trở lại, giá cả cũng tăng lên nhiều, bởi vậy mà nhiều nhà thu hoạch bán được cả vài chục triệu 1 năm”.

Theo Trưởng bản Phiêng Cài - ông Cháng A Tủa, thì những gốc chanh leo đầu tiên được trồng ở Phiêng Cài là do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập đưa về từ năm 2016 với hi vọng đây sẽ là loại cây xóa đói giảm nghèo cho bà con. Ban đầu, việc vận động trồng không dễ dàng, vì là giống cây mới, bà con chưa biết hiệu quả kinh tế thế nào, trong khi kinh phí đầu tư làm giàn, phân bón khá cao. Tuy nhiên, qua trồng thử nghiệm, cây chanh leo phát triển tốt do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp. Sau một thời gian, người dân nhận thấy những hộ trồng chanh leo điều kiện kinh tế khá hơn hẳn, mọi người bắt đầu đua nhau trồng. Diện tích chanh leo vì thế ngày càng được mở rộng. Đến nay, cả bản có 42ha chanh leo đang cho thu hoạch. Những tấm gương điển hình trong trồng loại cây này như: gia đình ông Cháng Láo Ư, Cháng Láo Dia, Cháng Vạ Đế, có từ vài trăm đến cả nghìn gốc chanh leo.

Tôi không nhớ mình đã đọc ở đâu rằng, thời gian lao động của dân tộc Mông đứng đầu trong tất cả các dân tộc. Và khi đến Phiêng Cài thì càng thấy rõ được điều đó. Dường như đất Phiêng Cài trồng được thứ gì thì người dân trồng thứ ấy. Không chỉ chanh leo, mà còn có cả mận hậu, đào, chè shan tuyết, bí xanh, ngô, gừng… Người dân cũng rất khoa học trong sản xuất bằng phương pháp đổi công trong những ngày nhiều việc. Tháng 1, 2, 3, thời tiết rất lạnh, người dân tranh thủ làm giàn. Tháng 4, đi làm lúa, ngô xong sẽ quay lại chăm cây chanh leo đã có hoa và không quên tranh thủ trồng bí, trồng khoai lang. Đến tháng 9, 10, mọi người lại gieo hạt cải dầu. Cũng bởi vậy mà quanh năm, tháng nào, người Phiêng Cài cũng có thứ để thu hoạch, bán và có thu nhập.

Ngày mới Phiêng Cài

Đời sống kinh tế của người dân Phiêng Cài hôm nay ngày càng được cải thiện. Không chỉ làm ăn kinh tế, người Phiêng Cài còn xây dựng bản làng bình yên. Là bản giáp biên, từng có người tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thế nhưng, 4 năm trở lại đây, cả bản không còn người liên quan đến ma túy. Năm 2021, bản Phiêng Cài được công nhận chuyển hóa sang địa bàn trong sạch về ma túy. Những người sử dụng ma túy đều bị bắt buộc đi cai nghiện. Có một điều đặc biệt ở Phiêng Cài là: Nếu như ở nhiều nơi, độ tuổi người nghiện ma túy trẻ hóa thì ở Phiêng Cài, những người nghiện lại là những người già, tức là những người nghiện đã lâu năm. Đa số người dân đều chăm chỉ làm ăn, thế nên mọi người đều có thái độ không đồng tình đối với hành vi nghiện hút hay trộm cắp, kể cả đó là người thân.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập giúp người dân bản Phiêng Cài vận chuyển chanh leo đi tiêu thụ. Ảnh: Trúc Hà

Người nghiện không còn thì tình trạng trộm cắp cũng giảm hẳn. Theo Thiếu tá Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, đường biên giới chạy qua địa phận bản Phiêng Cài dài, từ cột mốc 255 đến 260. Thời gian qua, các thành viên tham gia Tổ tự quản đường biên, mốc giới luôn làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Theo đó, đường biên, cột mốc luôn được duy trì nguyên vẹn, không xảy ra tình trạng vượt biên trái phép. Người dân luôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập cũng làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là các văn bản về biên giới quốc gia, nhờ đó mà ý thức chấp hành pháp luật của bà con được nâng lên và có những chuyển biến rõ rệt. Niềm tự hào của người Phiêng Cài đó là, tuy ở cách xa trung tâm, thế nhưng đến nay, bản đạt 18/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, chỉ còn thiếu tiêu chí đường giao thông nông thôn chưa đầy đủ. Theo đó, cả bản còn gần 400m đường cần đổ bê tông, nhưng mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ còn chờ thời tiết khô ráo.

Tối hôm ấy, qua hệ thống loa của bản, ông Cháng A Tủa thông báo những ai cần mua sách giáo khoa thì đến đăng kí để nhà trường tổng hợp mua giúp. Sắp vào năm học mới, nên mọi người tới khá đông. Trưởng bản Cháng A Tủa được dịp nói về việc học hành của trẻ em Phiêng Cài. Trước đây, người Mông thường đưa con lên nương cùng, nhưng nay cũng đã đổi khác. Vì công việc bận rộn, nên mọi người gửi con để đi làm. Riêng bản Phiêng Cài có 1 lớp nhà trẻ, 2 lớp mẫu giáo, tiểu học thì có từ lớp 1 đến lớp 5, từ lớp 6 mới phải về trung tâm xã Lóng Sập để học tập trung. Điều kiện kinh tế khá nên các gia đình cũng quan tâm tới việc học của con cái hơn. Nhiều gia đình sẵn sàng bỏ tiền thuê nhà cho con cái trọ học. Sự thay đổi về nhận thức, hành động đã mang lại cuộc sống mới cho người Phiêng Cài hôm nay.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO