Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 30/05/2023 01:58 GMT+7

Ngày hội tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc

Biên phòng - Đã trở thành hoạt động thường niên, khi mỗi độ Tết đến, Xuân về, từ ngày 12 đến ngày 13-2-2022, Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam đã náo nức đón hơn 200 đồng bào đại diện cho 24 cộng đồng dân tộc đến từ 15 tỉnh, thành phố trên cả nước về “Ngôi nhà chung” để tổ chức Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”. Đây cũng là sự kiện ý nghĩa nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần bảo tồn, phát huy, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và cũng là dịp để tôn vinh, biểu dương những người có nhiều đóng góp và có uy tín trong cộng đồng.

Tái hiện Lễ mừng lúa mới của dân tộc K’ho tại Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”. Ảnh: Phạm Hương

Tại Ngày hội, nhiều chương trình đặc sắc tái hiện các nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Lô Lô, Ba Na, K’ho, Chơ Ho... tại Khu các làng dân tộc đã thu hút đông đảo du khách tham gia. Theo đó, trong ngày 12-2, ngay sau Lễ phát động Tết trồng cây tại Khu làng dân tộc IV, tại làng dân tộc Lô Lô, Khu các làng dân tộc I đã tái hiện Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô tỉnh Hà Giang, di sản văn hóa phi vật thể thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012.

Đồng thời, tại sân Lễ hội làng dân tộc Ba Na, Khu các làng dân tộc II, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chúc Tết và tặng quà người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc cho 18 đại diện: nhân sĩ, trí thức, già làng, trưởng bản, nghệ nhân... đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn hóa và cùng tham dự nội dung trích đoạn Lễ cưới của dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai; tham gia vòng xòe đoàn kết của cộng đồng các dân tộc tại “Ngôi nhà chung”.

Còn trong chiều ngày 12-2 và ngày 13-2, du khách đến với Ngày hội lại được đắm mình trong không gian văn hóa của người Ba Na tại Khu các làng dân tộc II, thông qua nghi lễ tái hiện tục cưới hỏi của dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai; Lễ mừng lúa mới của dân tộc K’ho tỉnh Lâm Đồng. Cùng với đó là các hoạt động diễn ra tại Ngày hội như làm bánh chưng, bánh giầy tại làng dân tộc I và các địa điểm khác; biểu diễn các tiết mục nghệ thuật ca ngợi Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, con người; triển lãm giới thiệu những thành tựu địa phương của đồng bào dân tộc Chơ Ro tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; giới thiệu sắc màu văn hóa vùng miền của các cộng đồng các dân tộc nhân dịp đầu năm mới và các tiết mục giao lưu văn hóa thể hiện niềm tin sắt son của đồng bào dân tộc với Đảng, Bác Hồ.

Chị Phạm Hoàng Hà (Sơn Tây, Hà Nội) hồ hởi cho biết: “Năm nào tôi cũng đưa các cháu về Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam tham dự ngày hội, để các cháu thêm hiểu và có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm nay được tổ chức trong bối cảnh ngành Văn hóa toàn quốc đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo tổ chức thành công Hội nghị văn hóa toàn quốc, nên du khách tham dự Ngày hội đã nhận thức tốt hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển đất nước, tích cực giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc mình”.

Phát biểu tại Ngày hội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Đồng thời, Chủ tịch nước khẳng định: “Nền văn hiến kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam được tạo nên bởi 54 dân tộc anh em đoàn kết, gắn bó với nhau. Đó là một nền văn hóa đa dạng, phong phú, có sự thống nhất cao về ngôn ngữ, là một tài sản vô cùng quý giá của dân tộc ta. Tôn trọng một dân tộc, trước hết là tôn trọng nền văn hóa của dân tộc đó. Chính sách dân tộc của Đảng đã tạo mọi điều kiện cho sự gìn giữ và phát triển tính khác biệt trong bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, đồng thời, làm cho văn hóa của các dân tộc hòa quyện với nhau tạo thành văn hóa Việt Nam bền vững và tỏa sáng. Trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, mỗi dân tộc với nền văn hóa đặc sắc của mình luôn sản sinh ra những người con ưu tú cho đất nước”.

Chủ tịch nước cũng cho biết, khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của QĐND Việt Nam) được thành lập, trong số 34 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên, 29 người là dân tộc thiểu số. Những đóng góp, cống hiến, hi sinh của đồng bào các dân tộc thiểu số là hết sức oanh liệt, thầm lặng và sâu sắc trong thời chiến cũng như thời bình. Niềm tin, quyết tâm đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ của đồng bào các dân tộc thiểu số đã luôn kiên định và bền bỉ.

Chủ tịch nước bày tỏ: “Có một điều tôi vui mừng nhận thấy rằng: Những vẻ đẹp văn hóa riêng biệt của 54 dân tộc không chỉ được hiển lộ tại nơi này, mà là nếp sinh hoạt đời sống hàng ngày của mỗi dân tộc trên quê hương Việt Nam. Điều ấy đã làm cho những vẻ đẹp văn hóa được lan tỏa trong cuộc sống, chứ không phải chỉ nằm trong kho tàng. Những vẻ đẹp muôn màu đó đã và đang hòa quyện vào nhau làm nên vẻ đẹp lớn lao và thẳm sâu của văn hóa Việt Nam”. Nhấn mạnh, văn hóa luôn là bước tiến đầu tiên và là chốt chặn sau cùng cho trường tồn của mỗi dân tộc, Chủ tịch nước cho rằng: “Việc tổ chức Ngày hội văn hóa hàng năm, cần một cách làm sáng tạo để giúp chúng ta tìm hiểu, bảo tồn và tương tác một cách có chiều sâu những nét văn hóa riêng của từng dân tộc, tạo ra sự giao lưu, sự tương tác làm nổi bật và làm phong phú thêm vẻ đẹp văn hóa Việt Nam, gìn giữ bản sắc của từng dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế”.

Chủ tịch nước tin tưởng và mong muốn các vị già làng, trưởng bản, nghệ nhân tích cực phát huy vai trò vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt quan tâm giáo dục các thế hệ trẻ, bởi lẽ, thông qua sự kết nối kỳ diệu của văn hóa, chúng ta mới dễ dàng có được sự gần gũi, hiểu biết và yêu thương lẫn nhau, góp phần vun đắp sức mạnh Việt Nam, giá trị Việt Nam cho hôm nay và mai sau.

Trong hơn 11 năm qua kể từ ngày mở cổng Làng, với quan điểm để “chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình”, bằng các hoạt động đặc sắc, đặc biệt là 3 sự kiện lớn được tổ chức thường niên hàng năm gồm: Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc”, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã thu hút và đón gần 4 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm văn hóa du lịch xứng tầm quốc gia, khu vực, với những nét độc đáo, riêng có; là biểu tượng của tình đoàn kết 54 dân tộc anh em; là địa chỉ đỏ giáo dục lòng tự hào dân tộc, tình yêu thiên nhiên, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Phạm Hương

Bình luận

ZALO