Biên phòng - Trong những ngày cả nước nô nức trong niềm vui đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, có niềm vui lớn của những công dân mới vốn là người di cư tự do, kết hôn không giá thú từ các tỉnh nước bạn Lào qua cư trú 36 huyện thuộc 10 tỉnh của Việt Nam tiếp giáp với đường biên giới quốc gia Việt - Lào. Trên miền Tây Quảng Trị, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về bầu cử đã được các địa phương triển khai tích cực. Các xã biên giới nơi đây đặc biệt chú trọng đến việc quản lí hành chính dân cư và tuyên truyền bầu cử cho những công dân mới vừa được cấp quốc tịch trên địa bàn xã mình.
Kỳ 2: Biên cương vui ngày hội lớn
Từ năm 2016 đến nay, tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, tỉnh Quảng Trị đã có 756/855 người Lào được nhập quốc tịch Việt Nam, cư trú tại các xã Ba Tầng, A Túc, Xy, Thanh, Thuận, A Xing, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập... Những người này được các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ để hoàn thiện các giấy tờ cần thiết như: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu... Hầu hết các cư dân tự do biên giới đã được nhập quốc tịch Việt Nam đều trong độ tuổi đảm bảo quyền công dân đi bầu cử theo luật pháp Việt Nam. Bà con vô cùng phấn khởi khi lần đầu tiên được thực hiện quyền và nghĩa vụ cử tri.

Ông Hồ Văn Tiêng ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cho biết: “Tôi sống ở Việt Nam khi còn là thanh niên, giờ đã có cháu gọi bằng ông nội, nhưng chưa tham gia bầu cử lần nào. Năm 2018, 119 người của xã A Dơi được nhập quốc tịch nên năm nay là lần đầu tiên cả thôn chúng tôi được đi bầu cử. Phấn khởi và tò mò nên khi rảnh rỗi, bà con đến Đồn Biên phòng Ba Tầng và UBND xã A Dơi để nghe nhạc, nghe loa tuyên truyền và xem ảnh của các đại biểu. Vui lắm!”.
Tại huyện Hướng Hóa, Phòng Tư pháp huyện đã phối hợp với các đồn Biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tổ chức các buổi truyền thông về tận thôn, bản. Đặc biệt là Hội đồng giáo dục pháp luật huyện phối hợp với các xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, tập trung vào đối tượng dân di cư tự do, kết hôn không giá thú và những đối tượng đã được nhập quốc tịch Việt Nam.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ba Tầng, BĐBP Quảng Trị nhấn mạnh: "Ngay sau khi quán triệt các chỉ đạo, kế hoạch về tuyên truyền bầu cử của trên, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với địa phương tổ chức tập huấn cho các thành viên trong tổ bầu cử với các hình thức tuyên truyền thông qua họp dân, phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa của đơn vị và địa bàn. Chúng tôi cử lực lượng phối hợp với công an, quân sự xã tổ chức tuần tra lưu động trên địa bàn, đảm bảo tốt nhất an ninh trật tự trước, trong và sau khi diễn ra bầu cử”.
Tại huyện Đakrông, là một huyện biên giới còn nhiều khó khăn, lại vừa trải qua trận lũ quét kinh hoàng tháng 10-2020, cũng là địa phương có trên 100 người di cư tự do được nhập quốc tịch Việt Nam, đồng bào các dân tộc bản địa đời sống khó khăn, trình độ dân trí thấp. Vì thế, việc phổ biến công tác bầu cử cho bà con hết sức được chú trọng. Hiện nay, Hội đồng bầu cử của huyện đã hoàn thành thành lập các tổ bầu cử từ huyện đến cơ sở, trong đó, bố trí 77 tổ bầu cử cho 77 khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Chia sẻ về hoạt động chuẩn bị cho bầu cử tại khu vực biên giới của tỉnh Kon Tum, Thượng tá Phạm Ngọc Lâm, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Kon Tum cho biết, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền bầu cử, nhất là nơi có những công dân vừa mới được nhập quốc tịch. Nhiều hoạt động ý nghĩa, sinh động trong điều kiện đại dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp đã được tổ chức hiệu quả, đảm bảo bám sát đúng quy trình và thời gian Ủy ban bầu cử quốc gia ấn định. Thượng tá Lâm cũng bày tỏ tin tưởng rằng, mọi công tác chuẩn bị hướng đến ngày 23-5 đều đã sẵn sàng, kể cả việc xác nhận cấp thẻ cử tri cho cư dân biên giới do cơ quan Tư pháp phụ trách.
Kể từ năm 2015 đến nay, đã có trên 100 cư dân tự do biên giới của Kon Tum đã được nhập quốc tịch Việt Nam, trong đó, có 81 người trong độ tuổi đảm bảo quyền công dân đi bầu cử theo luật pháp Việt Nam. Tuy chưa hiểu hết ý nghĩa của bầu cử, song ai cũng rất vui bởi lần đầu tiên trong đời, họ cùng với gần 2.000 người khác sinh sống trên dọc nẻo biên cương Việt Nam - Lào chính thức được thừa nhận là công dân của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, được đại diện cho chính mình, cầm lá phiếu bầu người đại biểu cho chính mình tại nghị trường Quốc hội và HĐND các cấp. Do đó, các ngành chức năng của tỉnh Kon Tum cũng phát huy hết trách nhiệm của mình, đảm bảo để người dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình.
Trong đợt bầu cử này, các ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa đã chủ động tăng cường công tác quản lý hành chính dân cư biên giới, phục vụ công tác bầu cử. Lực lượng công an chú trọng công tác rà soát, quản lý hành chính, nhân khẩu, tiếp tục phối hợp với Sở Tư pháp nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ nhập tịch. Bộ Chỉ huy BĐBP Thanh Hóa chủ động xây dựng các kế hoạch, chỉ đạo các đồn Biên phòng triển khai bám sát địa bàn, tổ chức tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, tích cực phối hợp với địa phương tập trung rà soát, lập danh sách cụ thể các trường hợp công dân là cử tri, phục vụ tốt công tác bầu cử tại địa phương. Đối với những công dân mới nhập quốc tịch, các đơn vị cử cán bộ xuống tận nhà để phát tờ rơi, tuyên truyền để họ hiểu hơn về công tác bầu cử của Việt Nam.
Tham gia phục vụ trang trí tại điểm bầu cử của xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, anh Lương Văn Ke, sinh năm 1972 (tên tiếng Lào là Say Phon, đến từ bản Piềng Khạy, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào) cho biết, anh lấy vợ Việt Nam từ năm 2003. Do bố vợ già yếu, nên hai vợ chồng anh ở lại Quang Chiểu để tiện chăm sóc bố. Anh cũng mang theo hai đứa con của vợ trước về Việt Nam, sau này, anh cùng vợ mới là chị Lộc Thị Yến, sinh năm 1975, người Khơ Mú bản địa sinh thêm được hai người con nữa. Năm 2019, gia đình anh thực sự đã có một cuộc sống mới khi chính quyền Việt Nam đã tạo điều kiện để anh cùng hai con của người vợ trước được nhập quốc tịch Việt Nam. Vậy là đợt bầu cử năm nay, ba bố con anh lần đầu tiên tham gia bầu cử.
Có thể khẳng định rằng, quyền có quốc tịch là một quyền con người quan trọng. Việc Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam cho phép những người Lào di cư tự do được nhập quốc tịch Việt Nam theo Thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Nhà nước có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với người Lào di cư, mà còn ghi dấu ấn quan trọng đối với quan hệ truyền thống đặc biệt, hữu nghị lâu đời giữa hai nước Việt Nam và Lào. Mặt khác, việc cho phép người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú được nhập quốc tịch Việt Nam còn thể hiện tinh thần nhân văn, thái độ thực hiện nghiêm cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Đó là lời khẳng định: Đất nước và người dân Việt Nam không bỏ rơi họ, vẫn luôn chào đón và thương quý họ bằng tình nghĩa đồng bào.
Phạm Vân Anh