Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 11/06/2023 12:44 GMT+7

Ngày hội của tình đoàn kết dân tộc

Biên phòng - Cuối năm, trong cái rét se sắt của mùa Đông biên giới, hơn 3.000 khách mời, nghệ nhân, diễn viên người Mông đến từ 11 tỉnh miền núi phía Bắc đã tề tựu về Lai Châu, tham gia “Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021”. Sau 3 ngày tranh tài sôi nổi, chương trình đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn trong lòng khán giả về một ngày hội đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết các dân tộc...

Các lễ hội đồng bào Mông được tái hiện sinh động tại ngày hội. Ảnh: Đức Duẩn

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm nay có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”. Được đặt chân tới Lai Châu và tham dự một ngày hội lớn, nghệ nhân khèn Mông Vương Văn Lợi đến từ tỉnh Cao Bằng không giấu được niềm vui khi được gặp gỡ nhiều bạn bè và học hỏi kinh nghiệm bảo tồn văn hóa dân tộc. Ông chia sẻ: “Tôi từ đoàn Cao Bằng về ngày hội trình diễn tiết mục múa khèn. Vui lắm, vui là Đảng và Nhà nước tổ chức ngày hội này để các dân tộc được tề tựu đông đủ, gặp gỡ nhau và giao lưu văn hóa, gắn kết giữa các dân tộc như anh em một nhà”.

Đến từ huyện Pắc Nặm, tỉnh Bắc Kạn, nghệ nhân Hoàng Văn Sinh, thuộc ngành Mông trắng, hồ hởi cho biết: “Tôi giới thiệu Lễ hội Gầu tào năm mới trong ngày hội, để quảng bá với tất cả mọi người về phong tục, tập quán của người Mông. Năm mới sắp đến, tôi mong muốn tất cả người Mông đều được ăn Tết vui vẻ, mạnh khỏe và hạnh phúc”.

Chị Nông Thị Hồng Son, đến từ tỉnh Cao Bằng phấn khởi nói: “Đối với người Mông ở Cao Bằng chúng tôi, món bánh giầy vừa mang ý nghĩa tâm linh, vừa là món ăn truyền thống của đồng bào từ bao đời nay. Chúng tôi mong muốn bảo lưu, giữ gìn văn hóa truyền thống, cũng như tạo ra sân chơi để người dân tộc Mông được gắn kết với nhau nhiều hơn”.

Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhưng với nỗ lực của Ban Tổ chức, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III đã diễn ra thành công và hoàn thành các mục tiêu đề ra. Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Phó ban Tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III cho biết: “Ngày hội đã thể hiện sự tôn vinh văn hóa của một dân tộc giàu truyền thống, nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Mông trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng. Lai Châu muốn gửi gắm thông điệp là Lai Châu luôn chào đón du khách muôn phương. Các dân tộc của Lai Châu luôn kề vai, sát cánh cùng các dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam, cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đất nước Việt Nam của chúng ta ngày càng giàu đẹp hơn”.

“Có thể nói, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III đã giúp mỗi người ở mỗi dân tộc hiểu nhau hơn, thêm trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, đồng bào Mông nói riêng, đồng bào các dân tộc nói chung củng cố niềm tin vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cùng nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ” - ông Tống Thanh Hải khẳng định.

Trong ngày hội có nhiều hoạt động đặc sắc như: Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch, trưng bày, quảng bá sản phẩm văn hóa, liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông, trải nghiệm các sản phẩm du lịch... Các chương trình tham gia ngày hội có tính nghệ thuật cao, nhiều nội dung mới, chọn lọc, mang nét đặc trưng tiêu biểu cho văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Các hoạt động tổ chức mang tính cộng đồng, đề cao vai trò chủ thể văn hóa, giao lưu văn hóa, bảo đảm yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn với các yếu tố tiến bộ của thời đại; góp phần tạo dựng một sân chơi văn hóa, thể thao và du lịch thật sự bổ ích của cộng đồng dân tộc Mông.

Đồng chí Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III là một sự kiện lớn, thể hiện sự tôn vinh văn hóa của một dân tộc giàu truyền thống văn hóa trong cộng đồng 54 dân tộc anh em. Đồng thời, để các tỉnh tham gia có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc ý thức trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của đất nước”.

Đức Duẩn

Bình luận

ZALO