Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 03:37 GMT+7

Ngày hiền hòa trên đảo Hải Tặc

Biên phòng - Nghe tới tên đảo Hải Tặc, ai cũng nghĩ đây là nơi trú ngụ của những thành phần bất hảo trên hải trình bất an ở vùng biển Tây Nam qua vịnh Thái Lan. Vậy nhưng, khi đáp chuyến tàu cao tốc từ cảng Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ra đảo, đón chúng tôi là òa sáng một vùng biển hiền hòa, xanh ngắt như ngọc, cảnh sắc dịu dàng như nắng xuân phương Nam.

Mô hình Cá biển xin rác của thanh niên Đồn Biên phòng Tiên Hải đặt ở bến cảng Đảo Hải Tặc. Ảnh: TTH

Hiện nay, có nhiều đơn vị quân đội đóng quân trên đảo, trong đó có Đồn Biên phòng Tiên Hải, BĐBP Kiên Giang và Tiểu đoàn 519, Trung đoàn 893, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang. Nhờ có lực lượng vũ trang ở đảo, an ninh trật tự trên quần đảo này và vùng biển xung quanh đều được đảm bảo êm thuận. Các doanh trại quân đội xây dựng hồ chứa nước ngọt lớn để quân và dân dùng chung. Năm 2003, đảo Hải Tặc diện tích 7 cây số vuông đã có đường bao toàn bộ xung quanh bằng bê tông dài 11km, có tư nhân đầu tư kinh doanh xe điện để cho khách du lịch thăm thú. Hải Tặc trở thành hòn đảo hiền hòa đặc biệt thích hợp với du lịch biển bốn mùa.

Đảo Hải Tặc bây giờ là đơn vị hành chính nằm trong quần đảo Hải Tặc, thuộc xã Tiên Hải của thị xã Hà Tiên. Ông Nguyễn Công Tước, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hải cho chúng tôi biết, việc làm du lịch trên đảo mới dừng ở mức tự phát. Dân số trên đảo hiện nay là 442 hộ với 1.700 người, chủ yếu gắn với nghề biển và chuyển dần sang nuôi cá lồng bè, tận dụng tiềm năng vùng nước gần bờ trong và sạch. Quần đảo gồm 14 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, 6 hòn đảo có người ở gồm Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ, Hòn Giang, Hòn Ụ, Hòn Đước, Hòn Đồi Mồi.

Hòn Tre Lớn còn gọi là Hòn Đốc chính là hòn đảo lớn nhất, đông dân cư nhất của quần đảo và thường được gọi là đảo Hải Tặc. Đảo cách đất liền 18km và cách Phú Quốc 40km. Du khách tìm tới đảo nhất định phải chụp ảnh với cột mốc sa thạch cũ xây dựng từ năm 1958 được coi như tấm bia chủ quyền ghi tọa độ hòn đảo trên hải đồ và tên của 11 hòn đảo trong quần đảo Hải Tặc.

Tôi tìm ông Hoàng Tư Kim, năm nay 70 tuổi, cư dân đã gắn bó nửa thập kỉ với đảo Hải Tặc. Ông Kim là một trong những người tiên phong làm du lịch homstay ở hòn đảo này. Ông xây mới vài căn phòng để khách nghỉ lại, làm thêm nghề phơi khô cá muối để cho khách mua mang về đất liền. Mỗi khi có khách ra đảo, ông bao trọn việc đưa khách đi thăm thú, đi câu cá, mực và rồi cũng kiêm luôn cả hướng dẫn viên du lịch. Có lẽ, điều thú vị nhất đối với du khách khi đến đảo Hải Tặc là được nghe câu chuyện lịch sử hòn đảo. Vì vậy, họ thường tìm kiếm những người dân đã sống lâu năm ở đây để tìm hiểu phải chăng hòn đảo này là hang ổ của cướp biển và người dân đảo có phải ghê gớm như tưởng tượng hay không.

Ông Kim ra đảo từ khi 25 tuổi, vốn là một người dân gốc Ninh Bình. Ông biết hòn đảo qua một người bà con và ra đây rồi ở lại đảo luôn, không về miền Bắc nữa. Ông có thể kể say sưa và rất chi tiết về lai lịch hòn đảo, nhưng lai lịch của bản thân thì ông thường lờ đi. Ông nói quê hương của ông chỉ có hòn đảo này, giờ mong ước lớn nhất chỉ có xây dựng hòn đảo thành đảo du lịch, mỗi chuyến tàu hàng ngày ghé vào cảng là mang tới hy vọng mới. Ông chiều du khách trẻ tuổi, dựng lên cả một mô hình con tàu cướp biển giả định để chụp ảnh và tạo phong cách riêng cho homstay của ông.

Có thể vì thái độ niềm nở thế, nhà ông Kim luôn đông khách, và mặc dù chỉ là một người dân đảo lâu năm, nhưng ông được chính quyền địa phương và dân cư đảo vị nể. Ông vừa có khí chất phóng khoáng của đất biển phương Nam, vừa lưu được nết chịu khó, chăm chỉ cố hữu của người thôn quê miền Bắc. Cơ nghiệp của ông đã ổn định khiến nhiều người ở đảo Hải Tặc giờ cũng muốn nối gót ông, biến hòn đảo này thành ngôi sao du lịch biển sáng lạng.

“Muốn thế, phải biến hòn đảo thành một huyền thoại thực” - ông Kim tươi cười. Điều đặc biệt là hòn đảo được mang tên là đảo Hải Tặc từ thế kỷ 17 liên quan đến con đường biển qua vịnh Thái Lan nổi tiếng thế giới. Thời đó, những băng cướp biển trú ngụ trên đảo và thường tổ chức cướp tàu trên vịnh Thái Lan.

Nổi tiếng nhất là băng Cánh Buồm Đen mà sau này con cháu của những tên cướp biển vẫn còn sinh sống ở đây và rồi tứ tán khắp nơi. Khi tuyến đường thông thương trên biển ngày càng sầm uất, đám hải tặc hoạt động dữ rồi bị các quốc gia bên bờ vịnh Thái Lan triệt phá. Người ta đồn đoán số của cải mà chúng cướp được có thể được giấu trên đảo.

Ông Tư Kim kể, bây giờ, người ta vẫn hay nói chuyện về kho báu của bọn cướp biển. Năm 1983, có 2 người ngoại quốc tìm tới đảo sau nhiều ngày theo dấu một bản đồ cổ được cất giữ đã mấy trăm năm. Họ đặt chân lên hòn đảo, bị Công an địa phương và BĐBP giữ lại mới ngơ ngác thấy cư dân hiền hòa, chất phác, hỏi ra mới biết đây là hòn đảo có người ở trên đất Việt Nam chứ không phải hòn đảo hoang chơ vơ trên vịnh Thái Lan. Họ nói, trong giới hàng hải quốc tế, đảo Hải Tặc rất nổi tiếng, được thêu dệt nhiều câu chuyện ly kỳ không ai kiểm chứng cả. Tuy nhiên, những câu chuyện đó đã làm nên màu sắc ly kì cho hòn đảo, khiến nó hấp dẫn đến nỗi ai cũng muốn tới một lần.

Bến tàu cao tốc đảo Hải Tặc. Ảnh: TTH

Ông Kim tự tin cho rằng, tên hòn đảo là Hòn Tre Lớn là do dân tình đọc chệch ra mà thôi. Trên đảo chẳng có cây tre nào, cũng chẳng liên quan gì đến tre. Vốn tên dân gian đặt cho hòn đảo là Hòn Che, tức là hòn đảo che chắn cho cửa biển. Mỗi lần dân biển ra khơi đều nhắm mé hải lưu được hòn đảo chắn sóng mà nương theo ra khơi.

Kiên Giang vốn có 2 đảo Hòn Tre án ngữ 2 cửa biển Rạch Giá và Hà Tiên đều bị chệch thành Hòn Tre trong quá trình sắp xếp lại địa danh hành chính. Hiểu tập quán vùng dân cư thế này chắc chỉ có những người gắn bó máu thịt với vùng đất này như ông Tư Kim mới biết. Dù vậy, người dân ai cũng muốn giữ lại cái tên đảo Hải Tặc, họ gắn mình với cái tên ấy, gọi riêng những sản phẩm từ đây là khô cá đảo Tặc, kem Tặc, bãi biển đảo Tặc... Họ đùa: “Nhìn nè, hiền lành như tui mà công dân đảo Hải Tặc đó nghe”.

Khi chúng tôi chuẩn bị rời đảo, khách du lịch lẻ tẻ tập trung tại bến cảng để khai báo y tế và đo nhiệt độ trước lên tàu. Mỗi ngày đều có các chuyến tàu cập cảng và xuất cảng, BĐBP phối hợp với y tế, chính quyền địa phương kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn để phòng, chống dịch Covid-19. Chiếc lồng sắt hình con cá của Đoàn thanh niên Đồn Biên phòng Tiên Hải để ngay bến cảng để du khách và người dân cùng trữ vỏ lon, túi nilon ở đó, giữ cho hòn đảo xanh đúng nghĩa. Mô hình sáng tạo này của những người lính quân hàm xanh thu gom rác tái chế để lấy kinh phí hỗ trợ trẻ em nghèo hiếu học. Việc đó không chỉ giữ sạch hiện tại, còn là một hy vọng xanh ngời cho tương lai đại dương.

Hòn đảo nhỏ này hiền lành đến từng tán cây, bóng nắng đến những gương mặt người.

Trương Thúy Hằng

Bình luận

ZALO