Biên phòng - Năm nào cũng vậy, hè về là cả một dải biên cương của tỉnh Gia Lai đón những cơn mưa dầm dề. Mưa ở đây dường như không ngớt, sụt sùi bong bóng khiến cho lũ ve sầu phải thu mình dưới cánh lá mà chẳng buồn cất tiếng kêu. Với lính Biên phòng xa quê, cứ ngỡ hè về chỉ có những chuyến tuần tra dưới cơn mưa rừng biên giới, không mảy may chuyện học hành của con trẻ (mà có muốn cũng không được vì sống xa gia đình) nên chắc cũng không có nhiều điều để nói. Thế nhưng, ở nơi xa xôi ấy họ vẫn được làm những công việc của người cha, người anh để cho ngày hè thêm nhiều ý nghĩa...

“Nín thở” chờ... kết quả học tập
Mặc dù ngày bế giảng năm học đã qua từ lâu nhưng trong câu chuyện của Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên phó đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) quốc tế Lệ Thanh vẫn còn nguyên vẹn cảm giác hồi hộp, âu lo khi ngồi trước cổng trường chờ kết quả học tập của các cháu trong bếp ăn Tình thương. Không lo sao được, bởi đây là cảm giác của bậc phụ huynh đón đợi kết quả học tập sau một năm “sách đèn” của con trẻ. 13 cô cậu học trò trong bếp ăn Tình thương là 13 niềm hy vọng mà người lính Đồn BPCK quốc tế Lệ Thanh đã ấp ủ nuôi nấng từ 4 năm qua, có đứa giờ đã chạm đến bước cuối cùng của tuổi học trò.
4 năm đã qua với không biết bao nhiêu chuyến xuôi ngược đưa đón các cháu đến trường, bao nhiêu buổi kèm cặp bổ sung kiến thức khi các cháu tỏ ra đuối sức và ngồi đợi bữa cơm trưa khi có đứa về muộn... Được cái, tất cả các cháu trong bếp ăn Tình thương của đồn có hoàn cảnh khó khăn nhưng đều ngoan hiền, chăm chỉ học tập nên việc duy trì bếp ăn cũng có nhiều thuận lợi. Và đặc biệt là sau những lần ngồi đợi kết quả học tập cuối năm của các cháu, lúc nào người lính Biên phòng cũng vỡ òa niềm vui.
Lần này cũng vậy, cả 13 đứa đều đạt kết quả học tập từ trung bình trở lên, trong đó có hai cháu là Rơ Mah H’Uối, học sinh lớp 4C Trường Tiểu học Trần Phú và Rơ Mah H,Niệm (lớp 7C Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi) xã Ia Dom, huyện Đức Cơ có thành tích vượt trội trong học tập. Nụ cười của cô học trò nhỏ H,Uối, hay lời tâm sự đầy tự tin của người chị H,Niệm trong “buổi lễ mừng công” cuối năm học do Đồn BPCK quốc tế Lệ Thanh tổ chức đã nói lên tất cả.
Các cháu đang ngày càng chững chạc tiến bộ hơn cả trong học tập lẫn cuộc sống, không còn rụt rè, nhút nhát, tự ti như những ngày đầu đến bếp ăn Tình thương. Còn người lính Biên phòng cũng đã thấy ấm lòng sau chuỗi ngày dài chăm lo vun xới để những mầm xanh biên giới tự tin hướng đến ngưỡng cửa tương lai.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thành tâm sự: “Việc tổ chức bếp ăn Tình thương, chúng tôi chỉ mong muốn các cháu vượt khó học giỏi, không phải chịu thua thiệt nhiều so với bạn bè cùng trang lứa. Mặc dù vậy, nhiều em cũng đã ấp ủ trong mình những ước mơ sau này trở thành người giáo viên, hoặc là cán bộ sĩ quan Biên phòng để phục vụ quê hương. Điều này khiến chúng tôi rất vui và xem đó là động lực để tiếp tục duy trì mô hình bếp ăn Tình thương, phục vụ trẻ em nghèo hiếu học trên địa bàn...”.
Lặng lẽ “nâng bước em tới trường”
Hè về, “sân chơi” của trẻ em vùng biên giới chủ yếu là những buổi chăn thả trâu bò, hay lẽo đẽo theo cha theo mẹ vào rừng làm nương rẫy. Đời sống kinh tế gia đình của các em phần lớn còn rất khó khăn, nhất là những trường hợp được BĐBP hỗ trợ trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” thì chuyện sớm phải bươn chải là điều bắt buộc.
Theo thông tin chúng tôi ghi nhận được, trên địa bàn 7 xã biên giới của tỉnh Gia Lai hằng năm có hàng trăm trường hợp trẻ em trong độ tuổi đi học có nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Trong số này có 46 em được BĐBP tỉnh nhận đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/người/tháng. Ngoài ra, trẻ em nghèo vùng biên giới còn nhận được sự trợ giúp học đường từ các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh nên tình trạng bỏ học giữa chừng do hoàn cảnh gia đình khó khăn đã không xảy ra. Nói điều này để thấy tính nhân văn của Chương trình “Nâng bước em tới trường” do BĐBP triển khai trong những năm gần đây, đó thực sự là “chiếc phao cứu sinh” cho những gia đình nghèo trên biên giới.
Nâng bước em tới trường bằng cách hỗ trợ tiền để các em đi học, người lính Biên phòng còn làm được nhiều việc hơn thế khi trở thành chỗ dựa, là người bạn thân thiết của học sinh nghèo kể cả những ngày không đến lớp. Đại úy Trương Mạnh Cường, Chính trị viên phó đồn Biên phòng Ia Púch cho biết: “Ngoài việc hỗ trợ tiền cho 3 cháu, Chỉ huy đơn vị còn chỉ đạo Đội công tác Vận động quần chúng thường xuyên gặp gỡ, động viên gia đình và kèm cặp các cháu học tập. Ngày nghỉ hè cũng thế, thậm chí là theo chân các cháu vào rừng, lên rẫy để nhắc nhở chuyện học hành...”.
Đồng hành với trẻ em nghèo biên giới cũng là cách để người lính Biên phòng gần gũi hơn với bà con, sẵn sàng giúp dân khi cần nhất. Câu chuyện cứu hộ, cứu nạn trong trận lũ lụt xảy ra vào ngày 10 và 11-6 vừa qua là một minh chứng. Trong khi tại địa bàn xã Ia Púch, huyện Chư Prông, hàng trăm người dân bị nước lũ cô lập được Đồn Biên phòng Ia Púch giải cứu kịp thời thì ở xã Ia Pnôn (Đức Cơ), 9 hộ dân cũng đã được lính Biên phòng cứu hộ đưa về đồn an toàn.
Đại úy Huỳnh Văn Hải, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Pnôn chia sẻ: “Hôm đó, qua công tác bám nắm địa bàn, chúng tôi phát hiện có sự vắng mặt bất thường của các gia đình, đặc biệt trong số này có 6 trẻ em thường ngày vẫn theo cha mẹ đi làm rẫy. Với tình hình mưa lũ như thế chắc chắn bà con đã bị kẹt lại trên biên giới và ngay lập tức chúng tôi điều động 10 cán bộ, chiến sĩ tham gia ứng cứu, đưa số hộ dân này về tránh trú an toàn tại đồn Biên phòng. Rõ ràng, nếu không nắm chắc địa bàn, không gần gũi đồng hành với trẻ em vùng biên giới thì làm sao xác định kịp thời đối tượng, vị trí để cứu hộ cứu nạn...”.
Lặng lẽ đồng hành, giúp trẻ em nghèo vượt khó học tập, ngày hè của lính Biên phòng đâu chỉ có những chuyến tuần tra dưới mưa rừng biên giới, mà đâu đó vẫn còn vô số những việc làm bình dị mang nhiều ý nghĩa.
Thái Kim Nga