Biên phòng - Những ngày sau Tết Nguyên đán, đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh đã xuống đồng để cấy lúa cho kịp mùa vụ. Sau thời gian dài được BĐBP Hà Tĩnh giúp đỡ, cuộc sống của đồng bào dân tộc Chứt đã có nhiều đổi thay, khởi sắc.
Sáng sớm của ngày xuân, khi sương mù vẫn còn bao phủ trên những đỉnh núi cao thì ở trung tâm dân cư bản Rào Tre đã rất sôi động. Trên trục đường giao thông liên xã, các em học sinh trung học cơ sở, tiểu học rôm rả gọi nhau đến trường trên những chiếc xe đạp. Trong khi đó, phần lớn học sinh mầm non được bố mẹ dùng xe máy chở đến điểm trường ngay đầu bản. Cánh đồng trải rộng trước mặt bản Rào Tre mới là địa điểm đông vui nhất. Từ sáng sớm, phần lớn người dân đồng bào dân tộc Chứt đã có mặt trên những thửa ruộng chuẩn bị cho việc cấy lúa. Mỗi người một việc, họ nói cười với nhau rất vui vẻ. Ở đó, những người đàn ông khỏe mạnh đang gánh mạ rải đều trên những thửa ruộng đã làm nục bùn, bằng phẳng. Số khác lại đang nhanh tay rải phân, rải đạm trên những thửa ruộng đang được làm dở.
Cũng như ở nhiều vùng quê khác ở miền xuôi, giờ đây việc làm ruộng ở bản Rào Tre đang được cơ giới hóa. Được biết, để hỗ trợ đồng bào dân tộc Chứt hoàn thành việc gieo cấy lúa kịp mùa vụ, chính quyền địa phương xã Hương Liên đã thuê một chiếc máy cày loại nhỏ. Người đang điều khiển chiếc máy cày làm ruộng cho các gia đình đồng bào Chứt là Lê Xuân Công, một trong những chàng rể đặc biệt của bản làng Rào Tre.
Nói đến câu chuyện của Công, anh sinh ra, lớn lên ở một vùng quê khác, mấy năm trước, trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại BĐBP Hà Tĩnh, anh đã kết thân với chiến sĩ Hồ Tình - là người dân tộc Chứt. Khi xuất ngũ trở về, họ vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Trong một lần lên bản Rào Tre thăm bạn đồng ngũ, Công đã gặp và phải lòng Hồ Thanh Mai, thiếu nữ người bản địa. Tình yêu đặc biệt của họ đã kết thúc có hậu khi được BĐBP Hà Tĩnh đứng ra tổ chức đám cưới. Đôi vợ chồng trẻ đã chọn vùng đất này để định cư, sau hơn 2 năm sống với nhau, họ đã có một cậu con trai kháu khỉnh.
Trong khi những người đàn ông làm ruộng, gánh mạ, bón phân thì trên những thửa ruộng rất đông chị em tay thoăn thoắt cấy lúa. Thượng úy Phạm Đình Minh, cán bộ tổ công tác Biên phòng bản Rào Tre cũng tham gia công việc này cùng với mọi người. Anh Minh cho biết: “Sau thời gian dài được BĐBP cầm tay chỉ việc, đến nay người dân trong bản đã quen với công việc đồng áng. Giờ đây, chúng tôi vẫn cùng ra đồng cùng bà con để để động viên tinh thần làm việc của người dân là chủ yếu”.
Nhiều năm trước, với quyết tâm giúp đồng bào Chứt ổn định cuộc sống ở Rào Tre, cùng với xây dựng nhà cửa, BĐBP Hà Tĩnh đã huy động các nguồn vật lực, nhân lực khai hoang hơn 2ha ruộng lúa nước và kiên trì hướng dẫn nhân dân gieo trồng. Trước đây, toàn bộ diện tích ruộng đều được dân bản làm chung và chia đều vào mỗi vụ thu hoạch trên cơ sở cán bộ Biên phòng theo dõi, chấm công. “Sở dĩ chúng tôi phải làm như vậy để huy động mọi người cùng ra đồng lao động để phá bỏ tư tưởng “đói không lo, no không mừng”. Giờ đây, khi dân bản đã quen với công việc, toàn bộ diện tích ruộng đã được chia đều cho từng hộ gia đình chăm sóc. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn giúp nhau lao động trong mùa vụ.”- Thượng úy Minh cho biết.
Sau gần 20 năm với sự giúp đỡ của BĐBP Hà Tĩnh, cuộc sống của đồng bào Chứt đang thay đổi từng ngày. Thế hệ trẻ đồng bào Chứt được đến trường học tập, nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn rời bản làng để tìm kiếm cơ hội việc làm. Trong số đó, có không ít người đã lập gia đình với người dân tộc khác, phá bỏ được hôn nhân cận huyết thống. Từ chỗ chỉ mấy chục người và đứng trước nguy cơ diệt vong, dân số của đồng bào Chứt đã tăng lên 41 hộ với 161 nhân khẩu.
Hiện tại, UBND tỉnh Hà Tĩnh đang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa để thực hiện việc giãn dân ở Rào Tre, giúp đồng bào Chứt có điều kiện tốt hơn để xây dựng cuộc sống. UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng vừa có văn bản số 912, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận bản Rào Tre của người Mã Liềng, thuộc dân tộc Chứt là bản truyền thống tiêu biểu cần được bảo tồn trong những năm tiếp theo. Thêm một cơ sở để tin tưởng rằng, cuộc sống của đồng bào Chứt ở Rào Tre sẽ không ngừng được tạo cơ hội để khởi sắc.
Viết Lam