Biên phòng - Đại tá Nguyễn Thanh Hà, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị, năm nay đã 93 tuổi, nhưng ông còn rất minh mẫn. Gặp ông, chúng tôi được ông kể vanh vách chuyện về từng cán bộ, chiến sĩ của Đại đội Công an giới tuyến thành lập từ năm 1954. Đó là những trinh sát bờ Bắc sông Bến Hải, với vỏ bọc bên ngoài là “cán bộ canh nông” của Ban thống nhất, để hoạt động bên trong khu phi quân sự ở hai bờ.
Đại tá Nguyễn Thanh Hà kể lại: “Theo Hiệp định Genève, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời, chờ Tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam - Bắc. Dọc theo hai bên bờ sông Bến Hải là khu phi quân sự, chỉ có 100 cán bộ, chiến sĩ biên chế ở các đồn Công an giới tuyến dọc theo bờ Bắc. Bờ Nam có 100 cảnh sát ngụy ra làm nhiệm vụ giới tuyến, có các tổ chức quốc tế giám sát việc hai bên thực thi hiệp định. Những năm đầu, nhân dân hai bờ vẫn qua lại với nhau, về sau chiến sự thay đổi, cắt đứt mọi quan hệ ở hai bờ”.
Mua nhà làm chỗ hoạt động bí mật
Vợ chồng Đại tá Hà những năm đầu thực hiện Hiệp định Genève, cũng giống như bao nhiêu gia đình khác bị chia cắt ra đôi bờ sông Bến Hải. Đại tá Hà ở bờ Bắc, vợ buôn bán nhỏ ở chợ Bạn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh (bờ Nam). Mỹ - ngụy âm mưu phá bỏ Hiệp định Genève, bắt đầu thực hiện chính sách ngăn sông cấm chợ, không cho nhân dân hai bờ qua lại với nhau. Tổng thống ngụy Ngô Đình Diệm hô hào lấp sông Bến Hải, Bắc tiến, cắt đứt mọi mối quan hệ.
“Mọi con đường thăm thân, ngoại giao coi như hết sạch, chỉ còn chút tình Bắc - Nam ở bên trong những lá thư, bưu thiếp của nhân dân gửi qua lại cho nhau. Cách gửi, bưu điện miền Bắc đóng thành từng gói đưa đến Đồn Công an giới tuyến Hiền Lương, cán bộ đồn mang gói bưu kiện đó sang bờ Nam giao cho đồn Cảnh sát ngụy, từ đây chuyển đi các nơi. Thư từ ở miền Nam gửi ra miền Bắc cũng được đồn Cảnh sát ngụy chuyển đến Công an giới tuyến Hiền Lương. Ban đêm, người đưa bưu kiện có xách cây đèn màu xanh, báo hiệu có công văn hoặc thư từ khẩn cấp của hai bờ. Từ những câu chuyện này, bài hát “Tình trong lá thiếp” ra đời” - Đại tá Hà kể.
Đại bộ phận trinh sát ngoại biên của Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh phải cải trang, xã hội hóa để xâm nhập vào khu phi quân sự, nắm bắt thông tin, xây dựng mạng lưới tình báo ở bờ Nam. Đại tá Hà kể tiếp: “Lực lượng trinh sát ăn lương “cổng sau”, nghĩa là không mang quân phục, chuyên ở bên ngoài doanh trại, nếu có về họp hành gì đó thì đi cổng sau. Khi sang bờ Nam hoạt động, tuyệt đối không có thứ gì trên người có liên quan đến miền Bắc”.
Vì ăn lương “cổng sau”, cần có chỗ để hoạt động bí mật, vợ chồng Đại tá Hà đã mua một căn nhà. “Khi Cảnh sát ngụy đốt cháy chợ Bạn, đuổi dân chạy tán loạn, tôi bị mất sạch tài sản, bỏ chạy trốn qua bờ Bắc gặp chồng, ở lại buôn bán tại thị trấn Hồ Xá. Cả hai vợ chồng tằn tiện lắm mới mua được căn nhà, trở thành nơi cho mấy ông trinh sát hoạt động. Ông Trương Đình Phương làm trinh sát ở trong nhà, thi thoảng có vài người đến nói chuyện thì thầm, to nhỏ với nhau. Có lúc, cả mấy ông đi đâu biệt tăm một thời gian, rồi lại quay lại. Tôi nói với hàng xóm, ông Phương là cậu em ở quê, mấy người khác cũng ở quê lên chơi. Chẳng ai biết mấy ông đó đang hoạt động tình báo hai bờ Nam - Bắc” - bà Lương Thị Mai (vợ Đại tá Hà) nhớ lại.
Đánh thẳng vào sào huyệt tình báo Mỹ
Mạng lưới tình báo của Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh được xây dựng, cài cắm rất nhiều nơi, từ dọc theo bờ sông Bến Hải vào sâu thị xã Đông Hà. Để có trình độ, nghiệp vụ đánh sâu vào hang ổ của địch, năm 1962, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đưa 30 đồng chí trinh sát từ Vĩnh Linh ra Hà Nội huấn luyện nghiệp vụ đặc công. Đại tá Hà nhớ chi tiết: “Thao trường huấn luyện, học tập ở sân bay Bạch Mai, chúng tôi đột nhập vào trại giam Hỏa Lò, đài phát thanh Mễ Trì, kho xăng Đức Giang, sân bay Cát Bi (Hải Phòng)... Một điều trùng hợp, trước khi đi dã ngoại thực tập nghiệp vụ, chúng tôi được Bộ Tư lệnh điều đi truy lùng toán biệt kích Mỹ - ngụy nhảy dù xuống Khuôn Thần, tỉnh Bắc Giang. Kết quả, chúng tôi đã bắt sống 4 tên, tiêu diệt 2 tên”.

Nhóm cán bộ, chiến sĩ học tập xong nghiệp vụ đặc công, quay trở về Quảng Trị, mang danh nghĩa là “Cán bộ lực lượng vũ trang mặt trận dân tộc giải phóng Quảng Trị”. Chỉ huy đơn vị đã liên lạc với Tỉnh ủy Quảng Trị, huyện Cam Lộ, Gio Linh, Hướng Hóa… để đưa vào đơn vị hoạt động, cái tên “ngày Bắc, đêm Nam” ra đời từ đây.
Xuất kích trận đánh mở màn đầu tiên của tổ trinh sát đặc công đào tạo ở miền Bắc vào đêm 19/7/1963, họ đã tiêu diệt một phát thanh viên khét tiếng ở đồn Cảnh sát ngụy Xuân Mỵ (bờ Nam). Tên này chuyên tổ chức hệ thống loa truyền thanh công suất lớn, để nói xấu Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chính sách ở miền Bắc. Trận khác, đêm 12/12/1964, tổ trinh sát đặc công đột nhập vào Dốc Miếu bắt sống toán trưởng biệt kích thuộc mạng lưới tình báo Bắc Ải Vân (của Mỹ) đưa ra bờ Bắc. Rồi đánh sập ổ tình báo CIA do một Thiếu tá người Mỹ chỉ huy ở Cam Lộ.
Bước sang giai đoạn năm 1965, chiến sự xảy ra ác liệt, Huyện ủy Gio Linh và Cam Lộ đề nghị Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh phá những chiếc cầu bê tông cốt thép, cắt đứt giao thông không cho xe cơ giới của Mỹ - ngụy tiến đánh ở các nơi. Đại tá Hà nhớ như in những lần chính quyền địa phương nhờ đi đánh trận: “Hồi đó, nhờ nhau đi đánh giặc dễ lắm. Anh Giao, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ hỏi tôi: Tối nay, quân của anh Hà có rảnh không? Tôi trả lời: Anh em mới đi nắm tình hình cả đêm, đang nghỉ. Anh Giao nói thẳng: Vậy, nhờ mấy anh đi phá cho cái cầu. Chỉ có thế thôi, là anh em chúng tôi lên đường đi nghiên cứu địa hình, ôm hàng chục cân thuốc nổ để phá cầu”.
- Sao đơn giản vậy, không có mệnh lệnh, kế hoạch gì cả? - tôi hỏi lại.
- Trinh sát ngoại biên một mẩu giấy mang theo cũng không được, không có bất cứ thứ gì để lộ ra. Chiến tranh loạn lạc, thấy đánh được là đánh, giúp đỡ nhau bằng xương, bằng máu, chẳng tính toán thiệt hơn gì...
Trong những năm đất nước bị chia cắt, các tổ sinh sát ngoại biên của Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh còn tham gia nhiều trận đánh diệt ác ôn, biệt kích, thám báo, đánh thẳng vào các ấp chiến lược của Mỹ - ngụy mở rộng vùng giải phóng.
Hải Luận