Biên phòng - Trong bối cảnh xuất khẩu nông sản đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các hiệp hội, ngành hàng xuất khẩu nông sản vẫn lạc quan cho rằng, trong khó khăn, ngành nông nghiệp Việt Nam có cơ hội để phát triển. Điều quan trọng là các ngành hàng phải nắm rõ tình hình, thay đổi cách tiếp cận thị trường cũng như tái cơ cấu thị phần xuất khẩu.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, hiện nay, thủy sản Việt Nam chủ yếu xuất khẩu bằng đường biển. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc ngừng trệ, kéo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 1-2020 xuống 644 triệu USD, giảm 12,5% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: Khó khăn trước mắt là, một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận hàng chở đi Trung Quốc. Các khách hàng lớn ở khu vực thị trường chính như Nhật Bản yêu cầu không đưa hàng qua Trung Quốc. Các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ cũng đang ngưng không sang kiểm tra, đánh giá nhà máy tại Việt Nam mà chuyển sang giám sát từ xa. Tiên lượng hợp đồng mới của ngành thủy sản sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là khách hàng châu Âu.
Dù vậy, ông Nam cho rằng, có hai cơ hội để thúc đẩy sản xuất. Thứ nhất, những nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo phía Việt Nam chuẩn bị hàng chế biến, bởi thời gian tới, khách hàng Trung Quốc không ăn hàng tươi sống nhiều, họ sẽ tiêu thụ hàng đông lạnh, đồ hộp. Cơ hội thứ 2 là các thị trường lớn cũng bị tác động, một số ngành đang cạnh tranh với ta là cá ngừ Trung Quốc đang giảm giá sâu, chúng ta có thể tranh thủ cơ hội này để gia tăng thị phần và giá cả cá ngừ để vào thị trường thế giới.
Đối với ngành gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc cho biết, đây là ngành lạc quan nhất trong các nhóm ngành hàng nông nghiệp. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu trên 6,2 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 2,7 tỉ USD. Năm 2019, Việt Nam xuất sang Trung Quốc đạt hơn 400.000 tấn, chiếm tỉ lệ không quá lớn trong tổng số gạo xuất khẩu của Việt Nam, do đó, ngành gạo không bị ảnh hưởng nhiều mà sẽ có thêm cơ hội xuất khẩu gạo trên thị trường thế giới với giá cả có thể cạnh tranh với Trung Quốc – nước có lượng dự trữ gạo lớn và giá rất rẻ.
Cùng với các ngành hàng trên, ngành lâm nghiệp cũng nhìn thấy những cơ hội trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Ông Nguyễn Tôn Quyền, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết: Năm 2019, xuất khẩu lâm sản sang Trung Quốc đạt 1,23 tỉ USD, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lâm sản lớn thứ 4 của Việt Nam. Sản phẩm chủ yếu là dăm mảnh, gỗ bóc và được xuất chủ yếu qua cảng biển, do đó, trước mắt, đơn hàng dăm gỗ xuất sang Trung Quốc sẽ giảm đi, nhưng đó lại là cơ hội cho ngành gỗ tái cơ cấu. “Chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp chuyển hướng không làm dăm mảnh sang làm sản phẩm khác như sản xuất ván nhân tạo, MDF, tạo ra giá trị gia tăng cao. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp của ngành gỗ đã chuyển hướng, đã có 3 - 4 doanh nghiệp chuyên làm dăm xuất khẩu mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu” - Ông Quyền cho biết thêm.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vina T&T cho rằng, việc xuất hoa quả sang Trung Quốc bị đình trệ sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu khác và đa dạng hóa các kênh bán hàng trong nước. “Xưa nay, người nông dân vẫn làm ăn theo tiểu ngạch, giờ bà con phải làm việc với các doanh nghiệp có pháp nhân để giảm thiểu rủi ro. Khó khăn lần này cũng là thời điểm chúng ta phải quy hoạch lại vùng trồng trái cây” – Ông Tùng nói.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong khi nông sản tươi gặp khó khăn do chưa xuất bán được thì hoa qua đã qua chế biến vẫn ổn định. Các mặt hàng chế biến từ dứa, chanh leo không đủ nguyên liệu để chế biến phục vụ cho xuất khẩu. Vì vậy, bối cảnh hiện nay buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư vào chế biến sâu để tăng thời gian bảo quản và gia tăng giá trị nông sản.
Đánh giá những khó khăn hiện tại, ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, dịch Covid-19 là một thử thách đối với ngành nông nghiệp. “Trong một thế giới phẳng, 7,5 tỉ dân, muốn được hàng bán hàng thì sản xuất phải có trách nhiệm, chuỗi giá trị sâu, chuỗi giá trị lớn” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sản xuất chuỗi liên kết là giải pháp chiến lược, lâu dài, căn bản và bền vững. Ngoài ra, các doanh nghiệp nông nghiệp phải tiếp tục phát triển thị trường mới, mở rộng nhiều mặt trận xuất khẩu.
Thanh Lan