Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:20 GMT+7

Ngành Nông nghiệp bị tổn thất lớn bởi dịch Corona

Biên phòng - Sản xuất và xuất khẩu nông sản bị tổn thất rất lớn bởi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, do Trung Quốc là thị trường khổng lồ của Việt Nam, trong đó có những nhóm nông sản chiếm tỉ trọng lớn như rau quả (chiếm 80%). Bên cạnh đó, dịch Corona cũng ảnh hưởng tới đầu tư vào nông nghiệp giữa hai nước do các hiệp định đang đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ bị chậm lại…

xlz6_img-9698
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định nông nghiệp là ngành bị tổn thất nặng nhất bởi dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona. Ảnh: Bích Nguyên

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Hội nghị “Thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh Corona” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 3-2.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định bệnh viêm phổi cấp do biến chủng virus Corona vô cùng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người dân và nền kinh tế toàn cầu. Điều đáng lo ngại là dịch bệnh chưa có vắc xin, thuốc đặc trị. Trong khi đó, kiểu thời tiết mưa phùn gió bấc hiện nay rất thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định với diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh do virus Corona và sự hạn chế giao dịch hàng hóa tại các cặp chợ biên giới, sẽ có những tác động tiêu cực đến thương mại nông lâm thủy sản hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Xuất khẩu nông sản dự báo sẽ gặp nhiều thách thức, nhất là các mặt hàng chủ lực là trái cây (thanh long, dưa hấu), sản phẩm từ chăn nuôi và thủy sản. Trong đó, mặt hàng thanh long và dưa hấu gặp nhiều khó khăn nhất do sức ép từ mùa vụ và bảo quản. Tính đến trưa ngày 3-2-2020, có khoảng 195 xe thanh long loại 20 tấn/xe ùn ứ tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn.

Việc xuất khẩu các sản phẩm từ chăn nuôi sang Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm sữa Việt Nam mới được phép xuất khẩu chính ngạch từ tháng 10-2019, cũng sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ do tác động của dịch bệnh Corona.

Đối với xuất khẩu thủy sản nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc đã thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9-2-2020 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ Chính phủ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, giao thông hạn chế sẽ cản trở hoạt động giao dịch, trao đổi, làm việc giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý hai bên trong lĩnh vực thương mại nông sản.

Trên cơ sở nhận định dịch viêm phổi cấp có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng các phương án ứng phó trong ngắn hạn và dài hạn.

e1y2u5anm3-24507_f_k66dlzpv1_IMG9718
Thanh long và dưa hấu là hai mặt hàng bị thiệt hại đầu tiên do không xuất khẩu được sang Trung Quốc thời điểm hiện nay. Ảnh: Bích Nguyên

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, để ứng phó được với dịch Corona, phải xác định sự đồng hành và quyết tâm của 3 khu vực: Nhà nước, chính phủ; các doanh nghiệp và người nông dân. Cần nhận diện rõ tác động của dịch Corona để xác định cả kế hoạch trước mắt và lâu dài để có biện pháp hiệu quả.

“Phải tìm thấy cơ hội từ thử thách đặc biệt. Một thế giới phẳng, 7,5 tỷ dân, muốn bán hàng thì sản xuất phải có trách nhiệm, phải xây dựng được chuỗi giá trị sâu, chuỗi giá trị lớn” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng đề nghị, căn cứ vào tình hình diễn biến dịch, các bộ ngành phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới rà soát các mặt hàng, trước mắt, mặt hàng nào dễ bị tổn thương, khi chưa đi qua biên giới được, nhất là thanh long thì cần chú trọng tiêu thụ thị trường trong nước. Bên cạnh đó, cần tập trung dự trữ và chế biến. Riêng nhóm dưa hấu, các tỉnh cần rà soát, nếu chưa xuống giống thì đề nghị bà con chuyển đổi trồng cây khác. Đồng thời tiếp tục phát triển thị trường mới.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO