Biên phòng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến năm 2020, cả nước có trên 817.000 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn, tổng doanh thu đạt 236.200 tỉ đồng.
Phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề đã tạo việc làm, thu nhập cho trên 2,3 triệu lao động nông thôn. Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn nhân định, số lượng lao động nông thôn được giải quyết việc làm có thể lên tới 4-5 triệu lao động vào năm 2025. Tỉ lệ lao động trong ngành nông nghiệp giảm từ 40% năm 2017 xuống còn 32,8% năm 2020 nhưng sản lượng và thu nhập vẫn tăng về giá trị tuyệt đối. Thu nhập bình quân của lao động ngành nghề nông thôn đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng, cao gấp hơn 2 lần lao động thuần nông.
Theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn (Nghị định 52) thì ngành nghề nông thôn được chia thành 7 nhóm bao gồm: Sản phẩm thủ công mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ, điêu khắc; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn; chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng mỹ nghệ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; xử lý chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất muối.
Thực hiện Nghị định 52, tổ chức sản xuất ở các làng nghề đang có xu hướng chuyển mạnh sang mô hình tổ chức sản xuất hợp tác theo chuỗi giá trị với hệ thống doanh nghiệp thương mại sản xuất làm nòng cốt, có tác dụng mở rộng thị trường cho các sản phẩm làng nghề. Công tác bảo tồn và phát triển làng nghề cũng được phát huy. Đến nay, cả nước có 165 nghề truyền thống, 627 nghệ nhân.
Về giá trị xuất khẩu, ngành nghề nông thôn có mức độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%/năm, đóng góp không nhỏ vào tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước. Năm 2019, kinh ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ đạt 2,35 tỉ USD, tăng 0,6% so với năm 2017. Thị trường xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ ngành càng được mở rộng, trong đó, thị trường xuất khẩu chính vẫn là Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Hiện hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, việc phát triển ngành nghề, làng nghề đã góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế -xã hội, bảo tồn và giữ gìn nét văn hóa truyền thống dân tộc, văn hóa đặc sắc của mỗi vùng miền; khôi phục và phát triển nhiều nghề, làng nghề truyền thống; giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, đặc biệt là lao động lớn tuổi, người tàn tật, lao động nữ…
Bích Nguyên