Biên phòng - Trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, ngành kiểm sát quân sự BĐBP vui mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống. Báo Biên phòng trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự BĐBP về quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của ngành.
Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của ngành kiểm sát nhân dân trong hệ thống bộ máy nhà nước XHCN ở Việt Nam. Với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố Nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân ra đời đáp ứng yêu cầu tất yếu khách quan, đảm bảo pháp chế XHCN được tuân thủ nghiêm chỉnh và thống nhất trong tiến trình cách mạng XHCN ở nước ta.
Theo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì Viện kiểm sát quân sự các cấp thuộc hệ thống Viện kiểm sát nhân dân, được tổ chức trong Quân đội; trên cơ sở đó, ngày 12-5-1961, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự.
Thực hiện Pháp lệnh Tổ chức Viện kiểm sát quân sự, ngày 12-5-1961, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam ban hành Thông tri số 06-TT-H về việc tổ chức Viện kiểm sát quân sự các cấp, trong đó xác định phạm vi công tác kiểm sát quân sự là: “Ngoài các lực lượng của Quân đội thường trực, công nhân viên quốc phòng, những quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, những người trưng tập phục vụ quốc phòng, còn tiến hành cả trong lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) nữa”.
Tiếp đó, ngày 23-5-1961, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam ban hành Thông tri 304/TM6 tạm thời quy định tổ chức biên chế Viện kiểm sát quân sự các cấp; trong đó đã quy định Ban Chỉ huy Trung ương CANDVT được tổ chức Viện kiểm sát quân sự biên chế 3 người như quân khu. Đây được coi như văn bản quyết định, đánh dấu sự ra đời và hoạt động của Viện kiểm sát quân sự CANDVT (nay là Viện kiểm sát quân sự BĐBP).
Trong thời kỳ đầu mới thành lập Viện kiểm sát quân sự CANDVT, lực lượng CANDVT được Đảng, Nhà nước xác định là một thành phần trong lực lượng vũ trang, làm nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, các mục tiêu quan trọng trong nội địa, bảo vệ chủ quyền, an ninh lãnh thổ trên biên giới, hải đảo và giới tuyến quân sự tạm thời...
Với chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định, Viện kiểm sát quân sự CANDVT đã bám sát nhiệm vụ chính trị của lực lượng, làm tốt chức năng, nhiệm vụ góp phần cùng toàn lực lượng giữ vững chủ quyền, an ninh lãnh thổ ở miền Bắc XHCN, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và các mục tiêu quan trọng, giữ vững giới tuyến quân sự tạm thời, chi viện đắc lực cho công cuộc giải phóng miền Nam và kịp thời triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo của nước Việt Nam thống nhất.
Tháng 12-1979 theo quyết định của Đảng, Nhà nước, Lực lượng CANDVT được chuyển giao từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng quản lý và đổi tên thành BĐBP, cùng với sự chuyển giao này của lực lượng CANDVT, Viện kiểm sát quân sự CANDVT cũng được đổi tên thành Viện kiểm sát quân sự BĐBP.
Năm 1986 theo quyết định chung không thành lập các Viện kiểm sát quân sự ở cấp quân, binh chủng, Viện kiểm sát quân sự BĐBP được giải thể. Năm 1987, lực lượng BĐBP được chuyển giao từ Bộ Quốc phòng sang Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) giai đoạn này thực hiện theo cơ cấu, tổ chức của Bộ Nội vụ, trong BĐBP không tổ chức Viện kiểm sát quân sự.
Thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, ngày 15-11-1995 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 754/TTg về việc chuyển giao lực lượng BĐBP từ Bộ Công an sang Bộ Quốc phòng quản lý, ngày 29-5-1996, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 10/TCCB thành lập Viện kiểm sát quân sự BĐBP và Quyết định số 11/TCCB thành lập Viện kiểm sát quân sự khu vực Phía Bắc (nay là Viện kiểm sát quân sự khu vực 1 BĐBP) và Viện kiểm sát quân sự khu vực phía Nam (nay là Viện kiểm sát quân sự khu vực 2 BĐBP) trực thuộc Viện kiểm sát quân sự BĐBP. Các quyết định này đánh dấu sự tái lập các Viện kiểm sát quân sự trong BĐBP, thể hiện yêu cầu tất yếu khách quan cần phải tổ chức hệ thống Viện kiểm sát quân sự trong BĐBP để thực hiện chức năng, nhiệm vụ pháp luật quy định.
Trong quá trình 60 năm xây dựng và trưởng thành, có những giai đoạn đội ngũ cán bộ của ngành kiểm sát quân sự BĐBP bị hẫng hụt, thiếu cả lãnh đạo viện và chức danh tư pháp, trong khi khối lượng công tác chuyên môn và công tác hành chính quân sự nhiều, có một số vụ án, vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhưng với quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm với công việc nên đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành kiểm sát quân sự BĐBP luôn đoàn kết, thống nhất, vượt qua khó khăn thách thức, bám sát các quy định của pháp luật, nhiệm vụ chính trị của Quân đội, của BĐBP, tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đảm bảo cho quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án... được khách quan, nghiêm minh, dân chủ và đúng pháp luật. Không để xảy ra việc khởi tố, bắt giam, truy tố, xét xử có oan, sai hoặc tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân, của cán bộ, chiến sĩ BĐBP bị xâm phạm trái pháp luật.
Bên cạnh việc hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật, Viện kiểm sát quân sự BĐBP đã ký kết và triển khai nhiều chương trình phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh trong công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực biên giới với hàng nghìn lượt người nghe; viết hàng trăm tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng của BĐBP, Tạp chí Kiểm sát, trang thông tin điện tử của Viện kiểm sát quân sự Trung ương; ký quy chế phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với Trung tâm Huấn luyện BĐBP; phối hợp với Điện ảnh - Truyền hình BĐBP xây dựng video clip tuyên truyền nội dung Công ước Liên hiệp quốc năm 1984 về chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm; chủ trì xây dựng Sổ tay “Một số kinh nghiệm, giải pháp bảo đảm an toàn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn trong BĐBP” phát hành đến các cơ quan, đơn vị trong BĐBP; triển khai xây dựng Biên niên sử ngành Kiểm sát quân sự BĐBP phục vụ việc lưu trữ lịch sử, truyền thống của đơn vị.
Mặt khác, duy trì, thực hiện tốt công tác xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng Đảng bộ, các chi bộ trong sạch, vững mạnh; thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện lời dạy của Bác Hồ với BĐBP và với cán bộ kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đảng bộ Viện kiểm sát quân sự BĐBP và 3 chi bộ trực thuộc hằng năm đều được công nhận là tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Cán bộ, Kiểm sát viên luôn giữ vững bản lĩnh, phẩm chất của người cán bộ kiểm sát, không bị cám dỗ, mua chuộc hoặc lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi.
Những kết quả của hoạt động kiểm sát đã góp phần tích cực vào công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm có liên quan đến BĐBP, bảo vệ quyền và lợi ích hợpa pháp của công dân, của cán bộ, chiến sĩ BĐBP, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, xây dựng BĐBP vững mạnh, chính quy, từng bước hiện đại; xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP và cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng BĐBP.
Có được những kết quả, thành tích nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của tập thể lãnh đạo các Viện, của đội ngũ cán bộ, nhân viên thì ngành kiểm sát quân sự BĐBP luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, cụ thể của Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh BĐBP, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Viện kiểm sát quân sự Trung ương, sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, chăm lo của Đảng ủy, chỉ huy Cục Chính trị BĐBP; có sự phối hợp, giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng BĐBP trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành.
Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước đặt ra ngày càng cao, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Cục Chính trị BĐBP, toàn ngành kiểm sát quân sự BĐBP đang tích cực đổi mới hoạt động trên các lĩnh vực, phấn đấu vừa hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; vừa chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả các hoạt động phòng ngừa vi phạm, tội phạm có liên quan đến BĐBP, trên cơ sở xây dựng ngành kiểm sát quân sự BĐBP trong sạch, vững mạnh toàn diện; góp phần xây dựng lực lượng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại.n
Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự BĐBP