Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 07:58 GMT+7

Ngành chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6 đến 6,5 triệu hộ dân

Biên phòng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đến nay, nhiều lĩnh vực chăn nuôi Việt Nam đã có được vị thế cao trong khu vực và trên thế giới, như: chăn nuôi lợn đứng vị trí thứ 5 về đầu con, thứ 6 về sản lượng; đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới; năng suất bò sữa và sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 trong khu vực Đông Nam Á.

Ngành chăn nuôi đặt mục tiêu đến năm 2030, tỉ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến chiếm 40-50% so với tổng sản lượng thịt. Ảnh: Bích Nguyên

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6 đến 6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi bộ mặt của khu vực nông thôn. Thông qua đổi mới và phát triển các hình thức liên kết, tổ chức sản xuất trong chăn nuôi, đời sống người dân và hạ tầng khu vực nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực. Thu nhập của đại bộ dân cư nông thôn không ngừng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chăn nuôi. Ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhiều thành phần kinh tế đầu tư lớn trong phát triển chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi theo mô hình chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn.

Trên cơ sở kết quả sản xuất chăn nuôi giai đoạn vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2040. Theo đó, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với các giống cao sản theo hướng trang trại công nghiệp, đồng thời mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hữu cơ, truyền thống với các giống bản địa.

Ổn định quy mô công suất thiết kế các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đến năm 2030 từ 40 đến 45 triệu tấn, sản lượng thực tế từ 30 đến 32 triệu tấn, chiếm khoảng 70% thức ăn tinh.

Khuyến khích phát triển mạnh công nghiệp sản xuất nguyên liệu, thức ăn bổ sung, chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh, hóa chất dùng trong chăn nuôi.

Nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, nhất là việc khống chế các dịch bệnh nguy hiểm, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực vận chuyển, giết mổ tập trung theo hướng hiện đại.

Đến năm 2040, ngành chăn nuôi Việt Nam là ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO