Biên phòng - Đến hẹn lại lên, Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 diễn ra tại Singapore từ ngày 31-5 đến 2-6 để bàn về các vấn đề an ninh khu vực. Dư luận đánh giá các cuộc đối thoại Shangri-La ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, bàn từ tầm nhìn chiến lược, vấn đề an ninh cho đến biện pháp ngăn ngừa xung đột. Song hành với những tiến bộ đó là sự nỗ lực của các nước tham dự, trong đó có Việt Nam, với phương châm ngăn ngừa xung đột là sứ mệnh chung cao cả của các thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Đối thoại Shangri-La lần này có 6 phiên toàn thể với các chủ đề: Tầm nhìn của Mỹ về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; An ninh Triều Tiên: Những bước tiếp theo; Trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á và những thách thức; Trung Quốc và hợp tác an ninh quốc tế; Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh; Đảm bảo một khu vực tự cường và ổn định. Ngoài ra, có 6 phiên họp đồng thời với các chủ đề liên quan đến an ninh hàng hải, phát triển công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc phòng. Nhận lời mời của Ban tổ chức Đối thoại Shangri-La, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam, tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 18.
An ninh công nghệ, hàng hải
Có rất nhiều vấn đề được đưa ra bàn thảo tại Đối thoại Shangri-La lần này, trong đó, mối đe dọa cuộc chiến thương mại leo thang giữa hai siêu cường Mỹ-Trung sẽ thổi bùng vấn đề an ninh hàng hải cũng là mối lo được các đại biểu chia sẻ. Thực tế cho thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang lan sang cuộc chiến công nghệ và cả vấn đề Biển Đông. Cuộc tranh cãi dai dẳng giữa Trung Quốc và Mỹ hiện đang bước vào thời điểm mang tính quyết định, từ những động thái của Mỹ với Huawei cho đến căng thẳng ở Biển Đông. Và sự hiện diện của các quan chức từ hai nước tại hội nghị này là một cơ hội đúng đắn để phá vỡ thế bế tắc.
Trước hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ sẽ trình bày chiến lược hàng hải mới tại đối thoại lần này. Động thái đó diễn ra sau khi Mỹ lôi kéo được các nước như Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines tham gia các cuộc diễn tập tự do hàng hải (FONOP) khi đang trên đường tới Singapore tham dự giai đoạn 2 của cuộc Diễn tập huấn luyện an ninh thực địa trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. 4 quốc gia này vốn đã có chung cam kết thúc đẩy hợp tác hàng hải trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Cần phải khẳng định rằng, biện pháp cơ bản để đảm bảo an ninh công nghệ hay hàng hải đều cần xuất phát từ thiện chí, tinh thần trách nhiệm và yêu chuộng hòa bình của mỗi bên. Biện pháp hiệu quả nhất vẫn là thông qua đàm phán để giải quyết và ngăn ngừa những phức tạp nảy sinh. Shangri-La là một diễn đàn dành cho những hướng đi như vậy.
Thay đổi, thách thức và ngăn ngừa
Với tầm quan trọng địa chính trị, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương luôn giữ vị trí quan trọng trong chính sách của các nước. Trong bối cảnh biến động an ninh và chính trị thế giới mạnh mẽ như hiện nay, chính sách của các nước, đặc biệt là các nước lớn cũng luôn có sự thay đổi, cập nhật cần lưu ý.
Thực tế cho thấy sự hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia Nam Thái Bình Dương đã tăng lên mạnh mẽ trong những năm gần đây. Kể từ năm 2011, Trung Quốc đã cung cấp 1,26 tỷ USD cho các quốc đảo Thái Bình Dương, là nhà tài trợ lớn thứ hai sau Australia. Kinh phí viện trợ dự kiến sẽ tăng lên khi giới lãnh đạo Trung Quốc nhiệt tình thúc đẩy hợp tác Trung Quốc - Quần đảo Thái Bình Dương trong khuôn khổ của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).
Thương mại song phương giữa Trung Quốc và các quốc đảo Thái Bình Dương cũng bùng nổ. Khối lượng thương mại đạt 8,2 tỷ USD năm 2017, tăng gần 10 lần so với năm 2005 (834 triệu USD). Nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 414 triệu USD năm 2005 lên 3,48 tỷ USD năm 2017. Số lượng khách du lịch Trung Quốc đến khu vực này cũng tăng vọt từ con số 3.969 lượt năm 2008 lên 143.398 lượt năm 2017.
Trung Quốc là chất xúc tác cho “chính sách ngoại giao Thái Bình Dương mới”, một thuật ngữ đề cập đến chính sách ngoại giao tích cực và đa dạng hơn được các quốc đảo Thái Bình Dương thực hiện trong thập kỷ qua. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm đầu tiên tới khu vực này, khi ông đặt chân tới Phi-gi vào tháng 11-2014. Các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương như Thủ tướng Papua New Guinean (PNG) Peter O’Neill, Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama và Thủ tướng Samoan Tuilaepa Malielegaoi cũng đến thăm Trung Quốc trong những năm gần đây.
Trong khi đó, Mỹ cũng tăng cường thúc đẩy mối quan hệ với các đồng minh và đối tác quan trọng như Nhật Bản, Ấn Độ... Chuyến thăm Nhật Bản kéo dài 4 ngày vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khẳng định mối quan hệ liên minh Mỹ-Nhật. Bản thân ông Trump đã bày tỏ hy vọng quân đội Nhật Bản sẽ hỗ trợ Mỹ tại châu Á cũng như ở những nơi khác.
Về phần mình, Ấn Độ đã thành lập một bộ phận mới, thuộc Bộ Ngoại giao, phụ trách toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hồi giữa tháng 4-2019. Bộ phận mới sẽ thống nhất việc quản lý khu vực các nước ven bờ Ấn Độ Dương (Ocean Rim Association – IORA), vùng Đông Nam Á (ASEAN), cũng như vấn đề Bộ Tứ Mỹ - Nhật - Ấn Độ - Australia (QUAD) với toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một số chuyên gia Ấn Độ cho rằng, đây là “một bước ngoặt chiến lược”.
Những sự thay đổi đó sẽ tạo ra những thách thức cho bản thân các nước và cả khu vực. Đó có thể là sự khó khăn, phụ thuộc về kinh tế, là mức độ và thực chất mục tiêu can dự của các nước lớn, là yêu cầu hợp tác vì mục tiêu chung liệu có được đảm bảo, là tinh thần trách nhiệm ngăn ngừa nguy cơ nảy sinh...
Tham dự đối thoại lần này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể thứ 5 của Đối thoại Shangri-La 2019 với nhan đề “Giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng”. Sự tham dự của Đại tướng Ngô Xuân Lịch và đoàn đại biểu quân sự cấp cao tại đối thoại lần này khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm cao của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế và khu vực; thể hiện thiện chí của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong việc giải quyết các thách thức an ninh chung. Đó chính là hướng đi mà các bên liên quan cần theo đuổi, nhất là khi các diễn đàn như Shangri-La là nơi phù hợp để cụ thể hóa mục tiêu cao cả đó.
Hồng Ngọc