Biên phòng - Thời gian qua, mặc dù các cấp, các ngành chức năng và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, tuy nhiên, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên vẫn thường xuyên xảy ra các vụ tử tự bằng lá ngón làm nhiều người tử vong. Trước thực trạng này, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Điện Biên Đông đã thực hiện nhiều giải pháp, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân trên địa bàn nhằm ngăn ngừa, hạn chế các vụ tự tử bằng lá ngón.
Nhức nhối các vụ tự tử bằng lá ngón
Điện Biên Đông là huyện miền núi của tỉnh Điện Biên có hơn 95% dân số là người dân tộc thiểu số (Mông, Thái, Khơ Mú, Lào...), nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Đáng chú ý, trên địa bàn hiện còn tồn tại một số tập tục lạc hậu, mỗi khi gặp khó khăn, trở ngại, bế tắc trong cuộc sống, một số người tìm đến lá ngón để mong được “giải thoát”.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông, năm 2019, trên địa bàn xảy ra 111 vụ tử tự bằng lá ngón khiến 24 người tử vong; năm 2020 xảy ra 97 vụ tự tử bằng lá ngón, làm 20 người tử vong; năm 2021 xảy ra 95 vụ tự tử bằng lá ngón, 19 người tử vong.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã xảy ra hơn 30 vụ tự tử bằng lá ngón, làm 3 người tử vong. Các vụ tử tự bằng lá ngón chủ yếu xảy ra trong đồng bào dân tộc Mông, chỉ có một số ít trường hợp là người dân tộc Thái, Khơ Mú. Hầu hết các xã đều xảy ra các vụ tự tử bằng lá ngón, song, tập trung chủ yếu ở địa bàn các xã: Phì Nhừ, Xa Dung, Keo Lôm, Phình Giàng, Háng Lìa. Đối tượng tìm ăn lá ngón tự tử phổ biến trong độ tuổi từ 13 đến 25 tuổi.
Điều đáng nói, nguyên nhân tìm ăn lá ngón tự tử của người dân hết sức đơn giản, như bị bố mẹ đánh mắng, bắt đi học, cấm cản yêu đương, không cho tiền mua xe, vợ chồng hoặc các cặp trai gái yêu đương cãi nhau, hay do nợ nần... cũng khiến các nạn nhân tìm đến lá ngón như một bài toán để giải thoát số phận.
Điển hình, như trường hợp của anh Hạ A Lụ, 21 tuổi, bản Na Sản B, xã Xa Dung, chỉ vì có chút xích mích, mâu thuẫn với gia đình, anh Lụ đã tìm đến lá ngón tự tử. Mới đây nhất, vào đầu tháng 6, chị Thào Thị T, 34 tuổi, ở bản Phì Nhừ B, xã Phì Nhừ, sau khi xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau với chồng, đã quyết định tìm đến cái chết bằng cách ăn lá ngón. Song, nhờ sự phát hiện kịp thời của người thân, các trường hợp trên đều được đưa đến Trung tâm Y tế huyện cấp cứu, giữ được mạng sống.
Cần truyền thông nâng cao nhận thức người dân
Trước vấn nạn tự tử bằng lá ngón vẫn diễn ra thường xuyên, gây ra nhiều cái chết thương tâm cho người dân trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên Đông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của người dân. Ban Thường vụ Huyện ủy Điện Biên Đông đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/HU về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao dân trí, kỹ năng sống, xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Theo đó, giải pháp quan trọng hàng đầu được huyện quan tâm thực hiện là việc tuyên truyền về hệ lụy từ vấn nạn tự tử bằng lá ngón cho người dân; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết khó khăn, bế tắc trong cuộc sống; vận động bà con nâng cao trách nhiệm của bản thân với gia đình, cộng đồng và xã hội, tích cực tham gia phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Mặt khác, UBND huyện cũng chỉ đạo Phòng Dân tộc chủ động kế hoạch, bố trí kinh phí tuyên truyền phòng chống nạn tự tử bằng lá ngón, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang; chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh vào các tiết học ngoại khóa, tổ chức hội thi rèn luyện kỹ năng.
Để chung tay đẩy lùi nạn tự tử bằng lá ngón trên địa bàn, MTTQ và các tổ chức đoàn thể huyện cũng chủ động xây dựng kế hoạch, lồng ghép các hoạt động tuyên truyền không tự tử bằng lá ngón cho đoàn viên, hội viên và nhân dân. Đồng thời, phát động các phong trào thi đua thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, cộng đồng dân cư văn hóa; xóa bỏ các hủ tục, xây dựng mô hình “Dân vận khéo”; nêu gương người tốt, việc tốt để từng bước làm thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, tại các xã, thị trấn còn tích cực phát huy vai trò người có uy tín, trưởng dòng họ trong việc vận động nhân dân nói không với lá ngón; thành lập các Tổ dân vận khéo, Tổ hòa giải giỏi để giải quyết, xử lý các mâu thuẫn, tránh nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, tự tử bằng lá ngón...
Bà Lò Thị Chanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Điện Biên Đông chia sẻ: “Để nâng cao nhận thức cho hội viên, thay đổi suy nghĩ tìm đến cái chết mỗi khi gặp chuyện không vui, xảy ra xô xát, mâu thuẫn trong gia đình..., các cấp Hội phụ nữ huyện Điện Biên Đông thường xuyên tuyên truyền cho cán bộ, hội viên về kỹ năng sống, làm vợ, làm mẹ, cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, từ đó, điều chỉnh các mối quan hệ, biết thông cảm, nhường nhịn, chia sẻ lẫn nhau...”.
Được biết, bên cạnh việc chủ động nắm bắt tâm tư, tình cảm của hội viên để tìm hiểu nguyên nhân mâu thuẫn trong gia đình, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Điện Biên Đông còn chủ động tư vấn, giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, hàn gắn rạn nứt, sớm ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, nảy sinh suy nghĩ tự tử bằng lá ngón.
Hội cũng đã triển khai xây dựng mô hình “Phòng chống tự tử bằng lá ngón” tại xã Xa Dung với 30 thành viên; phối hợp với Phòng Tư pháp, Công an huyện tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép tuyên truyền về bạo lực gia đình, phòng chống tự tử bằng lá ngón qua các buổi sinh hoạt chi hội, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ; qua các câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc”... Từ đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên và nhân dân, chung tay ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tự tử bằng lá ngón trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Châu Tú Anh - Lâm Huyền