Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 09:12 GMT+7

Ngăn chặn vi phạm bản quyền báo chí

Biên phòng - Hàng ngàn trang tin tổng hợp, mạng xã hội ngang nhiên dẫn lại các tin, bài, ảnh không ghi nguồn, dẫn link, thậm chí “xào xáo”, tổng hợp trái phép các tin, bài của các báo chính thống. Thực trạng này cho thấy tình trạng vi phạm bản quyền báo chí đã và đang diễn ra trắng trợn, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín người làm báo và các cơ quan báo chí.

Thời gian qua, Truyền hình K+, VTVCab đã yêu cầu hạ, xóa 15.400 đường link, 30.000 video trên Facebook, 8.000 video trên Youtube vì vi phạm bản quyền; Báo Tuổi trẻ phát hiện, khiếu nại hơn 16.000 tác phẩm của mình bị các trang tin tổng hợp lấy nguyên văn...

Theo thời gian, tình trạng vi phạm bản quyền báo chí không những không giảm, mà còn tăng mạnh cả về số lượng lẫn mức độ tinh vi.

Không chỉ trang tin điện tử, mạng xã hội mà ngay cả các ấn phẩm tạp chí, báo điện tử cũng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Hình thức phổ biến là tự ý lấy thông tin, hình ảnh của báo khác mà chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của các tòa soạn, không trả thù lao cho tác giả và chủ sở hữu tác phẩm, thậm chí làm sai lệch nội dung theo hướng câu khách, giật gân nhằm trục lợi.

Có thể nói, báo chí là một trong những ngành nghề có mức độ gian khổ cao trong xã hội. Để hoàn thành được một tác phẩm báo chí không chỉ là sự nỗ lực sáng tạo, chịu đựng khó khăn, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng của nhà báo, mà còn là sự đầu tư công sức, thời gian lẫn tiền bạc của cả tập thể tòa soạn, cơ quan báo chí.

Dư luận nhiều lần phẫn nộ các website, trang tin tổng hợp sống “ký sinh” trên lưng những người làm báo chân chính và gây nhiễu loạn thông tin. Nhưng những trường hợp bị xử phạt chỉ như “muối bỏ biển”. Các tài khoản trên Facebook, YouTube hay các website “3 không” (Không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản, không có giấy phép) vẫn cố tình vi phạm bản quyền, “xài chùa” hàng nghìn tác phẩm, chương trình truyền hình trên Internet để thu lợi bất chính.

Theo các chuyên gia pháp luật, xâm phạm quyền tác giả không chỉ là vi phạm pháp luật, mà còn là hành động bóc lột sức lao động và tinh thần của nhà báo, xâm phạm lợi ích, uy tín và thương hiệu các cơ quan báo chí, đồng thời còn tạo ra ảnh hưởng xấu tới đạo đức, giá trị nghề nghiệp cũng như vấn đề an ninh mạng trên nền tảng xuyên biên giới.

Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên do những quy định liên quan tới bản quyền báo chí còn nhiều lỗ hổng.

Mặc dù, quyền tác giả, quyền liên quan được quy định khá đầy đủ tại Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin và có những điều khoản, quy định chi tiết nhằm cảnh báo, ngăn ngừa, phát hiện và xử phạt những hành vi vi phạm.

Thế nhưng một điều dễ nhận thấy là các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ xảy ra chủ yếu ở môi trường báo chí, viễn thông, internet, là lĩnh vực thuộc quyền quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhưng việc phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ hiện phân tán ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vì vậy, rất khó xử lý sai phạm nếu không có sự phối hợp giữa hai bộ. Trên thực tế có sự trông chờ, đùn đẩy giữa hai ngành ở một số địa phương.

Rõ ràng, vi phạm bản quyền không chỉ là câu chuyện của riêng một cơ quan báo chí mà đang là “vấn nạn” nhức nhối đối với Báo chí Việt Nam. Một cơ quan báo chí không thể đơn độc chống lại tình trạng vi phạm bản quyền, mà cần thiết thành lập một đơn vị hoặc tổ chức có tư cách pháp nhân để bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí với sự tham gia của các bên báo chí, công nghệ và cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, cũng cần phải rà soát lại các cơ chế, chính sách về vấn đề bảo vệ tác quyền, từ đó mở rộng phạm vi xử phạt cũng như mức phạt để triệt tiêu hành vi xâm phạm bản quyền báo chí, gây ảnh hưởng tới hoạt động báo chí và bức xúc cho xã hội.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO