Biên phòng - Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 28-2-2020 về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19, các đơn vị BĐBP phía Nam và lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ xuất khẩu trái phép khẩu trang với số lượng lớn sang Campuchia.

Khoảng 14 giờ 30 phút, ngày 5-3-2020, nhận được tin báo tại nhà bà Nguyễn Thị Út Trăm, sinh năm 1989 (thường trú tại ấp 4, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) có cất giấu khẩu trang. Tổ công tác của Đồn Biên phòng cửa khẩu Mỹ Quý Tây, BĐBP Long An đã phối hợp với Công an xã Mỹ Quý Tây tiến hành kiểm tra, phát hiện tại nhà bà Út Trăm có cất giấu 17 thùng khẩu trang các loại (mỗi thùng 50 hộp, mỗi hộp 50 chiếc), với tổng số lượng 42.500 chiếc. Tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Út Trăm cùng chồng là Huỳnh Văn Thanh (sinh năm 1975) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của số khẩu trang nói trên. Tổ công tác tiến hành lập biên bản, thu giữ toàn bộ tang vật và yêu cầu 2 đối tượng về đồn để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Ngày 3-3, tại xã biên giới Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang), Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Sông Tiền và Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương phát hiện một số đối tượng đang trông giữ hàng chục bao hàng được tập kết gần khu vực biên giới. Khi thấy Tổ công tác, các đối tượng canh giữ hàng bỏ chạy qua bên kia biên giới. Tiến hành kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng phát hiện trong các bao hàng này chứa 320 hộp (16.000 chiếc) khẩu trang y tế.
Trước đó, ngày 22-2, Đồn Biên phòng CKQT Sông Tiền và Chi cục Hải quan cửa khẩu Vĩnh Xương cũng đã tạm giữ đối tượng Thái Thành Phong, sinh năm 1987, trú tại huyện Phú Tân, tỉnh An Giang đang vận chuyển trái phép 500 hộp khẩu trang y tế (25.000 chiếc) và 70kg tân dược các loại sang Campuchia tiêu thụ.
Cũng trong ngày 3-3, Đồn Biên phòng CKQT Tịnh Biên, BĐBP An Giang phối hợp với Chi cục Hải quan CKQT Tịnh Biên tạm giữ 25.000 chiếc khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đáng chú ý là vụ đối tượng Sam Nang (sinh năm 1995, thường trú tại huyện Kirivong, tỉnh Tà Keo, Campuchia) dùng xe máy chở 20.000 chiếc khẩu trang y tế từ Việt Nam sang Campuchia. Tại thời điểm kiểm tra, đối tượng Sam Nang không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số hàng nói trên.
CKQT Mộc Bài, Tây Ninh đang là “điểm nóng” xuất lậu khẩu trang y tế. Thượng tá Lê Văn Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh cho biết, sáng 2-3, Trạm kiểm soát Biên phòng CKQT Mộc Bài và Chi cục Hải quan CKQT Mộc Bài phát hiện trên 2 xe buýt, chạy từ thành phố Hồ Chí Minh đang nhập cảnh về thành phố Phnom Penh (Campuchia) có chứa 135.000 chiếc khẩu trang y tế. Khi kiểm tra, tài xế không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của số hàng nói trên. Đơn vị đã tạm giữ toàn bộ số hàng và đang hoàn thiện thủ tục để xử lý theo quy định.
Trước đó, ngày 1-3, tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Đồn Biên phòng CKQT Mộc Bài phát hiện 3 đối tượng chở 7 thùng giấy, bên trong có chứa 17.450 chiếc khẩu trang y tế. Chủ nhân của số khẩu trang nói trên là bà Nguyễn Thị Lệ (sinh năm 1966), trú tại huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Bà Lệ khai nhận, số khẩu trang nói trên được bà mua tại thành phố Hồ Chí Minh với giá 105 triệu đồng, rồi thuê người vận chuyển, với mục đích đưa sang Campuchia bán kiếm lời, nhưng trên đường đi thì bị bắt giữ.
Cũng tại Tây Ninh, ngày 2-3, tại xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát phối hợp với Chi cục Hải quan CKQT Xa Mát phát hiện đối tượng Bong Ly (sinh năm 1977), quốc tịch Campuchia, vận chuyển 5.000 chiếc khẩu trang qua biên giới nhưng không có chứng từ hợp pháp.
Đại tá Phạm Thái Sơn, Phó Tham mưu trưởng BĐBP cho biết, trước diễn biến phức tạp nói trên, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo cho các đơn vị BĐBP, nhất là tuyến cửa khẩu, cần tập trung lực lượng, phối hợp tốt với cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp công tác để tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, địa bàn. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ xuất khẩu trái phép khẩu trang y tế...
Tại tuyến biên giới Kiên Giang, các đơn vị BĐBP cũng liên tục bắt nhiều vụ xuất lậu khẩu trang y tế sang Campuchia. Theo đó, chiều ngày 3-3, Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên và Hải quan CKQT Hà Tiên phát hiện đối tượng Chan Sok (người Campuchia) đang làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia, mang theo 200 hộp khẩu trang y tế, với tổng số 10.000 chiếc. Cùng thời điểm đó, tại khu vực Bến Xuồng, phường Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên, Tổ công tác của Đồn Biên phòng CKQT Hà Tiên phát hiện 1 vụ vận chuyển 400 hộp khẩu trang y tế, với tổng số 20.000 chiếc. Tại thời điểm phát hiện, các đối tượng này không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số khẩu trang nói trên. Đồ Biên phòng CKQT Hà Tiên và lực lượng Hải quan đã lập biên bản, tạm giữ tang vật để xử lý theo quy định của pháp luật.
Không chỉ trên tuyến biên giới, tại thành phố Hồ Chí Minh, việc buôn lậu khẩu trang cũng diễn ra rất sôi động và hết sức phức tạp. Điển hình, chiều ngày 3-3, qua kiểm tra kho hàng tại số 4, đường Lương Thế Vinh, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, Công an thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh phát hiện khoảng 1 triệu chiếc khẩu trang y tế các loại. Tất cả số hàng này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Toàn bộ số hàng trên đang được chuẩn bị đưa lên xe để chở đi. Công an thành phố Hồ Chí Minh nhận định, đích đến của số khẩu trang này nhiều khả năng là Trung Quốc. Theo đó, sau khi gom khẩu trang, các đối tượng trong đường dây đưa hàng sang Campuchia, từ đó tiếp tục đưa sang Trung Quốc tiêu thụ.
Phương Vy