Biên phòng - Những năm qua, mặc dù BĐBP Lai Châu đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng vượt biên sang lao động tại Trung Quốc, nhưng hoạt động này vẫn có nguy cơ tăng trở lại, nhất là vào dịp nông nhàn. Tình trạng này luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.

Trở về sau chuyến đi hơn 1 tháng sang Trung Quốc làm thuê, anh Lý Láo Lở, dân tộc Dao ở xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ buồn rầu kể lại: “Ở nhà, việc nương rẫy đã xong, lại nhớ những lần trước đi chợ Trung Quốc gặp một chủ thầu xây dựng, ông ta nói, sẽ trả cho 2 triệu đồng 1 ngày, nếu sang đây làm, nên tôi đã đi. Công việc phụ hồ rất vất vả, có hôm mệt nhưng tôi vẫn phải làm. Được hơn tháng, tôi nói muốn lấy lương để gửi về cho gia đình, nhưng chủ thầu không thanh toán. Khi tôi định làm căng để đòi công thì chủ thầu dọa sẽ gọi chính quyền, công an đến bắt. Nghe vậy, tôi sợ quá đành bỏ chạy về Việt Nam mà không có đồng tiền công nào”.
Thực ra, trường hợp như anh Lý Láo Lở không phải là hiếm. Nhiều năm trở lại đây, tình trạng nhân dân khu vực biên giới Lai Châu vượt biên sang Trung Quốc lao động không phép khá nhiều. Lợi dụng điều đó, một số đối tượng xấu hứa hẹn với nhiều phụ nữ đưa đi bán hàng, phụ quán, nhưng đã bán vào các ổ mại dâm, hoặc đưa sâu vào nội địa bán làm vợ. Một số người may mắn trốn thoát được về, được BĐBP giải cứu, nhưng không ít người đến nay vẫn rơi vào tình trạng mất tích. Tuy nhiên, vì mặc cảm, xấu hổ cũng như sợ bị chính quyền xử phạt nên nhiều người khác đã không nói ra. Vì thế, nhiều người không biết, vẫn ôm mộng “việc nhẹ, lương cao” ở Trung Quốc.
Tỉnh Lai Châu có gần 300km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có 2 cửa khẩu, 5 lối mở truyền thống và nhiều đường mòn qua lại hai bên biên giới. Dân cư sinh sống trong khu vực biên giới chủ yếu là dân tộc Dao, Mông, Hà Nhì, La Hủ, Thái, Giáy, Mảng, Hoa, Khơ Mú, đa số có trình độ dân trí thấp, sự hiểu biết về pháp luật và ý thức về quốc gia, quốc giới còn hạn chế. Điều đáng nói là 100% xã biên giới đều thuộc diện đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng chậm phát triển.
Tại địa bàn sinh sống, người dân khó tìm kiếm được công việc để có thêm thu nhập, trong khi đó, tại Trung Quốc, nhu cầu thuê lao động với những công việc không đòi hỏi trình độ như: Bốc vác, phụ vữa, trồng chuối, thu hoạch nông sản lại nhiều. Biết là trái pháp luật, nhưng nhu cầu kiếm thêm thu nhập cũng như không lường hết được hậu quả nên nhiều người lợi dụng việc đi làm nương, rẫy ở gần biên giới rồi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.
Đại tá Quàng Văn Xiến, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Lai Châu cho biết: Năm 2017, BĐBP Lai Châu đã phát hiện 644 trường hợp xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, trong đó, tiếp nhận phía Trung Quốc trao trả 6 vụ/16 đối tượng. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị xác minh, xử lý và bàn giao số người này cho chính quyền địa phương quản lý, giáo dục. Nhiều năm trở lại đây, Bộ Chỉ huy và trực tiếp là các đồn Biên phòng đã vào cuộc cùng chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn giải quyết tình trạng trên.
Cụ thể: BĐBP tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, nhất là các đường mòn, đường tắt, những địa điểm người dân thường lợi dụng để xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Những trường hợp vi phạm bị bắt giữ, thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho nhân dân chấp hành nghiêm các quy định qua lại biên giới.
Trong nội dung tuyên truyền, vận động, đơn vị thường lồng ghép cảnh báo cho nhân dân những nguy cơ rủi ro có thể gặp phải khi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê, như bị cơ quan chức năng phía Trung Quốc bắt giữ, xử phạt; bị lừa bán vào các động mại dâm; bị chủ lao động ăn quỵt tiền công; bị đánh đập, xâm hại sức khỏe; ốm đau, tai nạn không được hưởng chế độ bảo hiểm...
Thông qua tuyên truyền, vận động, các đồn Biên phòng cũng tổ chức cho nhân dân ký cam kết không xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê; vận động các gia đình có người thân đang lao động làm thuê bên Trung Quốc kêu gọi con em quay trở về địa phương; lồng ghép nội dung vận động thông qua các hoạt động của thôn bản. Chẳng hạn như: Trong nội dung ký kết nghĩa bản - bản giữa bản Pô Tô, xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, Việt Nam) với bản Cửa Cải, trấn Kim Thủy Hà (huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) cũng có nội dung không xuất cảnh trái phép sang lao động.
Bởi vậy, trong những năm qua, tình trạng vượt biên đi làm thuê ở địa bàn xã Huổi Luông xảy ra không nhiều. Với phương châm “Lấy phát triển kinh tế để giải quyết vấn đề kinh tế”, Bộ Chỉ huy BĐBP đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND, phối hợp với các ban, ngành thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, như dự án bò giống giúp xóa đói giảm nghèo cho đồng bào La Hủ ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè. Đồn Biên phòng Ka Lăng có mô hình lúa nước, ngô lai 2 vụ; Đồn Biên phòng Thu Lũm có dự án trồng cây mắc ca...
Việc phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực biên giới không chỉ tạo công ăn việc làm cho đồng bào, mà còn góp phần nâng cao trình độ nhận thức mọi mặt, cải thiện đời sống kinh tế, văn hoá, tinh thần cho nhân dân. Được như vậy, nhân dân không phải đi làm thuê nơi xứ người, mà còn làm chỗ dựa vững chắc cho BĐBP trong đấu tranh phòng chống tội phạm cũng như bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cùng nỗ lực huy động các nguồn lực, triển khai nhiều phương án hỗ trợ thay đổi nhận thức cũng như đời sống kinh tế của nhân dân.
Trúc Hà - Đức Duẩn