Biên phòng - Thừa Thiên Huế có bờ biển dài hơn 120km, với nhiều tiềm năng nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản. Những năm qua, hoạt động khai thác, đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân trong tỉnh luôn gặp nhiều thuận lợi. Thế nhưng, thời gian gần đây, tình trạng giã cào khai thác tận diệt nguồn lợi thủy sản diễn biến phức tạp, đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của ngư dân các xã ven biển.

Đối với những ngư dân làm nghề đánh bắt gần bờ ở tỉnh Thừa Thiên Huế thì hình ảnh những chiếc tàu giã cào luôn là nỗi ám ảnh. Những chiếc tàu giã cào tranh chấp, càn quét ngư trường, làm mất, hư hỏng ngư lưới cụ của ngư dân, tạo bức xúc, gây xung đột trên biển. Nếu như trước kia, các đối tượng sử dụng tàu giã cào còn khai thác ở xa thì nay đánh bắt cách bờ chưa đến 1 hải lý.
Lưới của tàu giã cào bắt không có tính chọn lọc, đánh bắt tất cả các loài thủy sản trên đường đi, kể cả cá thể non, đang mang trứng, gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản, làm suy giảm, hủy hoại hệ sinh thái biển ven bờ. Các tàu giã cào thường lén lút vi phạm, khai thác cả ngày lẫn đêm, khi bị phát hiện thì bỏ chạy hoặc chống đối để tránh bị các cơ quan chức năng bắt xử lí.
Ông Hồ Văn Quyền, ngư dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cho biết: “Mỗi lần đi ra biển thả lưới mà thấy giã cào thì ngư dân chúng tôi đứng không yên, ngồi không được, vì sợ tàu cào mất lưới. Chúng tôi van xin họ đi ra thì họ không chịu, còn dọa tông tàu thuyền của chúng tôi nữa”.
Cùng tâm trạng như ông Quyền, ông Lê Thanh Thành, ngư dân xã Phú Thuận, cũng làm nghề đánh bắt gần bờ, bức xúc: “Tôm, ghẹ mực chuẩn bị sinh sản, giã cào cào hết. Chúng tôi đi lưới thì không còn gì để bắt. Mong Chính phủ, Nhà nước, Biên phòng ngăn cản giã cào để ngư dân ở đây có chén cơm nuôi vợ con”.
Có thể nói, tình trạng khai thác thủy sản bằng phương pháp giã cào không phải là câu chuyện mới, nhưng vẫn là vấn đề đầy tính thời sự đối với sinh kế của người dân vùng biển Thừa Thiên Huế. Việc xử lý các đối tượng giã cào này gặp nhiều khó khăn khi nguồn lực còn hạn chế, cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ, hoạt động của các đối tượng sử dụng giã cào ngày càng tinh vi... Đặc biệt, hình thức xử phạt đối với các đối tượng vi phạm chưa đủ sức răn đe, nên tình trạng khai thác thủy sản bằng giã cào vẫn xảy ra; nhiều tàu vi phạm đã bị xử lý vẫn tái phạm. Trong đó có những đối tượng manh động, chống trả lực lượng chức năng bằng cách đâm va vào phương tiện của lực lượng này hoặc chây ỳ trên biển...
Trước tình hình này, ngay trong tháng 2-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có cuộc họp với các ngành nhằm tăng cường xử lý dứt điểm nạn giã cào trên vùng biển. Ông Phan Ngọc Thọ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: “Tỉnh nhận thấy có nhiều vấn đề phức tạp trong xử lý giã cào. Phần lớn tàu giã cào là ở tỉnh khác, hoạt động trên vùng biển của Thừa Thiên Huế. Tỉnh đã giao cho BĐBP chủ trì phối hợp với các lực lượng ngăn chặn tình trạng này. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm”.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong giai đoạn 2017-2018, lực lượng Kiểm ngư, BĐBP đã tăng cường tổ chức tuần tra trên biển, xử lý 72 trường hợp với số tiền xử phạt gần 210 triệu đồng. Các đơn vị Biên phòng tuyến biển đã tăng cường tuần tra, xua đuổi các tàu giã cào. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật cho người dân cũng thường xuyên được chú trọng, qua đó tạo môi trường đánh bắt thủy hải sản bền vững, đảm bảo trật tự trị an vùng biển.
Trung tá A Liêng Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An cho biết: “Trong thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con ngư dân về những hệ lụỵ mà cách khai thác bằng giã cào mang đến; đồng thời, vận động bà con ngư dân khi phát hiện thấy tàu giã cào thì báo ngay cho lực lượng BĐBP và các lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng như Chi cục Thủy sản, Kiểm ngư, Dân quân biển tuần tra, kiểm soát, kịp thời ngăn chặn, xử lý đối với hoạt động của tàu giã cào để bảo vệ môi trường, hệ sinh thái ven biển và đặc biệt là giữ gìn an toàn ngư trường để bà con ngư dân yên tâm khai thác”.
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản là một nhiệm vụ và công việc không hề đơn giản, nên cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ngư dân thực hiện đúng theo các quy định pháp luật về khai thác thủy sản, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương với các ngành chức năng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, cần có chế tài xử lý thật nghiêm đối với những tàu đánh cá vi phạm. Có như thế mới kịp thời bảo vệ được nguồn lợi sản bền vững.
Võ Tiến