Biên phòng - Thời gian gần đây, trên vùng biển Hà Tĩnh liên tục xảy ra tình trạng tàu cá của ngư dân sử dụng phương tiện giã cào tận diệt nguồn hải sản ven bờ, gây bức xúc cho ngư dân địa phương. Trước thực trạng đó, BĐBP Hà Tĩnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp đấu tranh ngăn chặn hoạt động trái phép của các tàu giã cào.
Chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Văn Nhin, ở thôn Thượng Hải, xã Thạch Hải (Thạch Hà, Hà Tĩnh), người thoát chết thần kỳ trở về sau vụ tàu giã cào kéo văng lưới làm lật chiếc thuyền thúng của anh xuống biển vào tháng 5-2017. Anh sợ hãi kể lại: "Khoảng gần 9 giờ đêm hôm đó, khi tôi dùng chiếc thuyền thúng ra biển cuốn lưới thì bất ngờ gặp 2 chiếc tàu giã cào lao tới. Tàu lướt qua, kéo tấm lưới rồi cuốn cả chiếc thuyền thúng của tôi đi theo. Được một đoạn, thuyền thúng bị lật úp xuống biển, tôi cố hết sức bơi vào bờ. Sau gần 1 giờ vật lộn trên biển, khi đã kiệt sức thì may mắn có thuyền bạn đến cứu. Từ lần chết hụt đó đến nay, một phần chưa có tiền để sắm lại ngư cụ, một phần tôi sợ hãi nên chưa dám tiếp tục đi biển”.
Đại úy Nguyễn Đức Trí, Hải đội trưởng Hải đội 2, BĐBP Hà Tĩnh cho biết: Trên vùng biển Hà Tĩnh, từ tháng 4 đến tháng 10 dương lịch hằng năm, các loại cá vào bờ sinh sản nhiều nên các tàu giã cào có công suất lớn từ 300 - 500CV ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi... lại kéo nhau vào vùng ven bờ để đánh bắt theo kiểu tận diệt và đã gây thiệt hại về ngư lưới cụ cho nhiều ngư dân vùng biển ngang. Có lúc, các cặp tàu giã cào vào cách bờ chỉ khoảng 2 hải lý, hoạt động đánh bắt cả ban ngày. Khi các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát thì các cặp tàu giã cào này tìm mọi cách lẩn trốn, chờ đến đêm mới hoạt động, gây cho lực lượng chức năng nhiều khó khăn.
Theo Thượng tá Phan Văn Minh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót, phương thức hoạt động của tàu giã cào là 2 tàu có công suất lớn trên 1.000CV chạy song song và kéo theo một tấm lưới, phía đáy của lưới được gắn nhiều chì nặng để có thể cào sâu đến tận đáy biển. Mắt lưới giã cào nhỏ nên bất cứ thứ gì trên đường đi như tôm, cá, ốc, ghẹ... đều bị đánh bắt đến cạn kiệt.
Trước thực trạng này, Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh đã chỉ đạo Hải đội 2, các đồn, trạm Biên phòng tuyến biển tăng cường công tác tuyên tuyền cho ngư dân hiểu biết các quy định đánh bắt hải sản trên biển. Đồng thời, tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát, truy quét kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng sử dụng giã cào đánh bắt gần bờ theo kiểu tận diệt. Từ cuối tháng 4 đến nay, Hải đội 2, BĐBP tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 5 vụ với 10 tàu giã cào ngoài tỉnh đánh cá theo hình thức tận diệt và xử lý theo Nghị định 103 của Thủ tướng Chính phủ.
Điển hình là vào lúc 7 giờ 30 phút, ngày 18-5, tại vùng biển Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng tuần tra của Hải đội 2 và Đồn Biên phòng Cửa Sót đã phối hợp với Văn phòng Thanh tra, kiểm soát nghề cá Hà Tĩnh tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, qua đó phát hiện 2 tàu cá QNg 92049TS và QNg 92903TS đánh bắt sai vùng quy định. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, 2 tàu cá trên đã chặt giã cào và tăng tốc chạy trốn. Sau gần 1 giờ truy đuổi, lực lượng phối hợp đã bắt giữ được 2 tàu cá và dụng cụ sử dụng lưới giã cào.
Trước đó, ngày 30-4, Hải đội 2 BĐBP tỉnh phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa Sót phát hiện 2 tàu cá NA 90751 TS và NA 90750 TS do Vũ Văn Dần, sinh năm 1986 làm thuyền trưởng và 6 thuyền viên đều trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đang khai thác hải sản bằng giã cào dọc theo bờ biển các xã ven biển của tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài ra, trên các tàu giã cào này còn sử dụng thêm một số thiết bị để đánh bắt hải sản như kích điện, thuốc nổ...
Mặc dù nhiều tàu giã cào bị tạm giữ xử lý, nhưng vì lợi nhuận cao, không ít ngư dân vẫn liều lĩnh làm. Đại úy Nguyễn Đức Trí cho biết: Để đấu tranh ngăn chặn nạn khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt, chúng tôi đã có kế hoạch tăng cường lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan như lực lượng Kiểm ngư và các đơn vị đồn, trạm Biên phòng tuyến biển tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời truy đuổi, bắt giữ các tàu vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, qua các đợt tuần tra, chúng tôi sẽ kết hợp tuyên truyền, nâng cao hiểu biết pháp luật cho ngư dân trên biển, cung cấp các đường dây nóng và vận động bà con tham gia tố giác tội phạm, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Thế Mạnh - Thanh Giang