Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:09 GMT+7

Ngăn chặn tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông trong dịp Tết Nguyên đán

Biên phòng - Sau gần 1 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tại nhiều địa phương, việc chấp hành của người dân thực hiện khá nghiêm túc, từ đó kéo giảm số vụ tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trong những ngày cuối năm, cận Tết Nguyên đán, tình trạng sử dụng rượu, bia đang có những dấu hiệu tăng nhiệt trở lại.

Cảnh sát giao thông huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình kiểm tra nồng độ cồn của lái xe. Ảnh: TTXVN

Các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100-NÐ/CP của Chính phủ triển khai đã đáp ứng tình hình và nguyện vọng của người dân về ngăn chặn, đẩy lùi tác hại của rượu, bia đối với đời sống xã hội, qua đó bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Trong đó, quy định rõ, các cá nhân lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu, bia, tùy mức độ có thể bị phạt tù đến 15 năm, phạt hành chính ở mức cao và bị tước giấy phép lái xe.

Đồng thời, việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cũng là tình tiết tăng nặng đối với lái xe gây tai nạn. Quy định của pháp luật rất rõ và mức độ phạt khá nặng nhưng trên thực tế nhiều người dân vẫn bất chấp. Chính vì lí do đó, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra với hậu quả thật khốc liệt. Tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia không chỉ gây thiệt hại về tính mạng và tải sản đối với người tham gia giao thông mà còn để lại những hệ lụy nghiêm trọng đối với xã hội và kinh tế của đất nước.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, tỷ lệ công dân tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% người say rượu, bia vẫn tiếp tục lái xe.

Tình trạng này tiếp tục gia tăng khi dịp cuối năm, và Tết Nguyên đán đang tới gần. Mỗi cá nhân đều có lý do để sử dụng rượu, bia như hội, họp, chúc mừng,… Tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, vào dịp cuối năm, người dân có xu hướng sử dụng rượu, bia và vẫn tham gia giao thông.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại nhiều tuyến đường của Thành phố Hà Nội như Giải Phóng, Lê Duẩn, Duy Tân, Láng, Nguyễn Văn Tuyết… giờ tan tầm (từ 18 giờ đến 21 giờ), nhiều quán “nhậu” được mở cửa, thu hút đông đảo thực khách. Nhiều khách hàng ở lại tới khuya trong tình trạng say xỉn, mất kiểm soát hành vi, xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Vì thế, để giảm bớt tình trạng này, nhất là kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ về tai nạn giao thông, các cơ quan chức năng đã quyết liệt triển khai các biện pháp về kiểm tra, xử lý và xử phạt nặng để bảo đảm tính răn đe. Từ ngày 15-12-2020 đến 28-2-2021, lực lượng Cảnh sát giao thông trên cả nước tăng cường tuần tra kiểm soát, tập trung tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc, nhằm bảo đảm an toàn giao thông phòng ngừa và làm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông trên các tuyến...; bảo vệ tuyệt đối an toàn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các hoạt động vui chơi, lễ hội của nhân dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông vừa ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông - trật tự xã hội năm 2021. Cụ thể, trên lĩnh vực giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông tập trung lực lượng tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Trong đó, tập trung kiểm soát đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, ma túy và các hành vi vi phạm như chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường; tránh, vượt, dừng, đỗ không đúng quy định; chở hàng quá tải, quá khổ, quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; không nhường đường cho xe ưu tiên; không có giấy phép lái xe hoặc giấy phép lái xe không hợp lệ; xe hết niên hạn sử dụng, quá niên hạn kiểm định. Xe ô tô chở khách, ô tô vận tải container và xe mô tô là những đối tượng tập trung kiểm soát, xử lý.

Trên lĩnh vực giao thông đường sắt, Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng phối hợp với chính quyền, Công an các đơn vị, địa phương và ngành Đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường sắt; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt tại các đường ngang phức tạp về an toàn giao thông, đường ngang không có cảnh giới, đường ngang mở trái phép, chú trọng phương tiện đường bộ đi qua đường sắt; việc chấp hành các quy định về phòng, chống cháy nổ; chấp hành pháp luật về vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Trên lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, vào khoảng thời gian trước Tết Nguyên đán, Cảnh sát đường thủy tập trung vào các đối tượng kinh doanh hàng hóa, các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, hoạt động vận tải hành khách ngang sông, theo tuyến cố định ở các tuyến vận tải trọng điểm như tuyến sông Hồng, sông Đuống, sông Lam, sông Sài Gòn, sông Tiền, Sông Hậu…

Tuấn Khang

Bình luận

ZALO