Biên phòng - Với mục tiêu triệt tiêu tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vào cuối năm 2018, đầu năm 2019, các ngành chức năng tỉnh Bình Định, trong đó có BĐBP Bình Định đang triển khai đồng bộ và quyết liệt công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân về chấp hành các quy định khi đánh bắt trên biển, không đánh cá bất hợp pháp.
Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm
Tính từ năm 2013 đến 2016, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 105 tàu/831 ngư dân bị nước ngoài bắt, xử lý. Thống kê giai đoạn này cho thấy, số vụ vi phạm có chiều hướng năm sau cao hơn năm trước. Đến năm 2017, tình trạng tàu cá, ngư dân tỉnh Bình Định bị nước ngoài bắt giữ có giảm so với các năm trước, nhưng vẫn còn xảy ra 21 tàu cá/175 ngư dân bị bắt. Từ đầu năm 2018 đến nay, có 10 tàu/82 ngư dân bị các nước bắt giữ.
Phân tích nguyên nhân tàu cá, ngư dân Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài, Đại tá Nguyễn Ngọc Anh, Chính ủy BĐBP Bình Định cho biết, chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật của chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân còn hạn chế. Đặc biệt, một số chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân vì lợi ích kinh tế cố tình vi phạm vùng biển các nước để khai thác hải sản. Bên cạnh đó, ngư dân ta chưa phân biệt rõ vùng biển Việt Nam với các nước khác.
Những nguyên nhân khác được đề cập đến là nguồn lợi hải sản vùng biển Việt Nam suy giảm; pháp luật liên quan đến quản lý tàu thuyền, ngành nghề đánh bắt thủy sản vẫn chưa được hoàn thiện; chế tài xử lý các trường hợp vi phạm chưa đủ sức răn đe. Chính những hạn chế này gây khó khăn cho BĐBP trong quản lý, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
“Chính quyền địa phương, nhất là ở cơ sở chưa có biện pháp ngăn chặn đồng bộ, hiệu quả. Trong khi đó, hầu hết các phương tiện vi phạm vùng biển nước ngoài đều xuất bến và hoạt động chủ yếu ở vùng biển phía Nam, chính quyền địa phương không quản lý được. Từ năm 2015 đến nay, trong số 90 tàu cá tỉnh Bình Định bị nước ngoài bắt giữ có tới 72 tàu cá xuất bến từ các bến, cảng cá ở các tỉnh phía Nam” – Đại tá Nguyễn Ngọc Anh cho biết thêm.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền
Xác định công tác tuyên truyền pháp luật là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm thiểu tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, BĐBP Bình Định đã triển khai quyết liệt công tác tuyên truyền. Đến nay, đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền tập trung 141 buổi cho 15.827 lượt cán bộ, nhân dân trên địa bàn và tuyên truyền nhỏ lẻ cho 913 người, tập trung ở 2 huyện Hoài Nhơn và Phù Cát (2 huyện có số lượng lớn tàu thuyền bị nước ngoài bắt giữ).
“Chúng tôi chọn những địa điểm thuận tiện, phù hợp, gần với ngư dân như trên phương tiện, tàu thuyền, tại gia đình, bằng loa truyền thanh để tuyên truyền. Ngoài ra, chúng tôi tổ chức tuyên truyền tập trung trong các hội nghị dưới hình thức sân khấu hóa, hoặc gắn với biểu diễn văn nghệ. Một số buổi tuyên truyền còn được ghi hình và phát sóng trên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh” - Đại tá Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ kinh nghiệm.
BĐBP Bình Định cũng tham mưu với chính quyền huyện Hoài Nhơn và Phù Cát tổ chức hội nghị bàn biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu, tiến đến chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân đánh bắt thủy sản bị nước ngoài bắt giữ, xử lý; tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân tuyến biển không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các đơn vị BĐBP Bình Định đã tổ chức vận động chủ phương tiện, thuyền trưởng, ký cam kết đánh bắt hải sản không vi phạm vùng biển nước ngoài. Đến nay, BĐBP Bình Định đã hướng dẫn, vận động hơn 1.300 chủ tàu thuyền đánh bắt xa bờ đăng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép. Nhờ triển khai quyết liệt công tác tuyên truyền, tăng cường kiểm soát nên tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý, năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018 đã giảm đáng kể. Trong đó, số tàu thuyền xuất bến tại Bình Định không có trường hợp nào vi phạm bị bắt, xử lý” - Đại tá Nguyễn Ngọc Anh khẳng định.
Nên tăng chế tài xử phạt
Thiết nghĩ, để ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, cần nhanh chóng ban hành, hoàn thiện các văn bản pháp luật thực hiện Luật Thủy sản năm 2016; bổ sung, sửa đổi một số quy định của pháp luật.
Đồng thời, cần có quy định đối với các tàu cá đánh bắt xa bờ phải chấp hành nghiêm sự quản lý của các cơ quan chức năng, như: Phải mở máy định vị 24/24 giờ từ khi xuất bến đến khi về bờ nhập trạm kiểm soát Biên phòng, có chế tài xử lý các thuyền trưởng, chủ phương tiện không chấp hành. Cần có cơ chế quản lý các phương tiện di chuyển ngư trường lâu không về địa phương, nhất là trong gia hạn đăng kiểm, nộp thuế, quản lý thuyền viên.
Ngoài ra, “cần tăng khung hình phạt và xử lý kiên quyết đối với chủ tàu, thuyền trưởng, máy trưởng có hành vi đưa người, phương tiện khai thác hải sản trái phép, vi phạm vùng biển các nước, vi phạm các quy định về bảo vệ tài nguyên môi trường biển. Đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiên quyết ngừng thực hiện việc hỗ trợ chính sách theo Quyết định 48; đồng thời đưa chủ tàu vi phạm ra khỏi danh sách đăng ký hoạt động trên vùng biển xa và xóa tên chủ tàu vi phạm trong danh sách đăng ký đóng mới, nâng cấp tàu cá” – Đại tá Nguyễn Ngọc Anh đề xuất.
Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Anh, để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn ở khu vực biên giới biển, nước ta cần tiếp tục đàm phán với các nước lân cận có vùng biển chồng lấn để có thỏa thuận hợp tác khai thác hải sản; đồng thời thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân đối với các trường hợp tàu cá bị các nước bắt giữ, xử lý,...
Bên cạnh đó, cần kịp thời có hình thức đấu tranh với hành động của nước ngoài trong việc uy hiếp, ngăn cản, đập phá, lấy tài sản của ngư dân Việt Nam hành nghề khai thác hải sản hợp pháp trên các vùng biển Việt Nam, nhất là ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vùng chồng lấn...
Bích Nguyên