Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:57 GMT+7

Ngăn chặn kiểu hành xử “giang hồ” trên biển

Biên phòng - Trong thời gian qua, trên vùng biển Tây Nam nói chung, vùng biển Cà Mau nói riêng, tình trạng tranh chấp ngư trường và đánh bắt hải sản mang tính “hủy diệt” diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là các vụ việc này dẫn tới những hành xử theo kiểu “giang hồ” gây bức xúc và lo lắng cho nhiều ngư dân. Trước thực trạng đó, BĐBP Cà Mau đang triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, ngăn chặn.

fp0a_7a
Phương tiện KG 94512 TS bị đâm va dẫn đến hư hỏng nặng. Ảnh: Lê Khoa

Thực tế cho thấy, các phương tiện hoạt động nghề cào bay thường đi tập trung hàng chục chiếc. Trong quá trình đánh bắt, không ít trường hợp, các tàu này xảy ra tranh chấp với các phương tiện hoạt động nghề ốc mực, nghề lưới. Nếu không nhường nhịn nhau, rất dễ xảy ra tình trạng đâm va phương tiện, thậm chí đánh người gây thương tích. 

Điển hình như vụ việc ngày 31-10-2019, anh Phạm Quang Vinh, ngụ tại xã Sơn Kiên, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, thuyền trưởng phương tiện KG 94512 TS bị thuyền viên trên các tàu khác chém trọng thương. Thời điểm trên, phương tiện của anh đang hoạt động nghề đánh bắt mực bằng vỏ ốc ở vùng biển cách đảo Hòn Chuối, Cà Mau khoảng 10 hải lý thì bị các phương tiện hoạt động nghề giã cào đến uy hiếp, ngăn cản. Anh Vinh chưa kịp kéo dây ốc (một loại dụng cụ do ngư dân chế để bẫy mực) lên thì bị các ngư dân trên 3 phương tiện giã cào thả cào kéo đứt. Nhóm người này còn gọi thêm các phương tiện khác đến để uy hiếp buộc anh Vinh phải cho tàu đi địa điểm khác. 

Do tiếc của nên sau đó, thuyền trưởng Vinh đã cho phương tiện quay lại tìm phần ngư cụ bị kéo đứt trước đó. Lúc này, anh bị hơn 20 phương tiện làm nghề giã cào bao vây, có nhiều chiếc còn đâm thẳng khiến phương tiện KG 94512 TS hư hỏng nặng. Manh động hơn, đối tượng Phan Quốc Cường, thuyền trưởng phương tiện (không mang biển kiểm soát) còn cầm dao và 3 đối tượng khác cầm hung khí nhảy sang chém vào ca bin và kéo anh Vinh ra đánh đập gây thương tích nặng. Khi anh Vinh ngã gục, các đối tượng mới dừng lại. Sau đó, anh Vinh được đưa vào Đồn Biên phòng Hòn Chuối sơ cứu, nhưng do các vết thương quá nặng nên tiếp tục phải chuyển vào đất liền để lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. 

Vụ việc đã được Công an huyện Trần Văn Thời tiếp nhận điều tra xử lý, thế nhưng sau hơn 1 tháng vẫn chưa có kết quả. Điều này khiến cho anh Vinh rất bức xúc, đồng thời cũng gây hoang mang cho những ngư dân hành nghề chân chính. 

Anh Lê Văn Tèo, thuyền viên phương tiện KG 94512 TS cho biết, phương tiện bị hư hỏng nặng phải nằm bờ khiến cho anh và các bạn nghề không có việc làm, gia đình gặp nhiều khó khăn về kinh tế.

Thời gian gần đây, các hoạt động khai thác sai vùng tuyến, gây hủy hoại nguồn lợi thủy sản cũng đang có diễn biến phức tạp. Nguy hại nhất là hoạt động của nghề giã cào, các phương tiện hành nghề thường sử dụng miệng cào lớn có gắn dường chì, thả sát mặt đất và dùng 2 phương tiện kéo đi. Còn cào sò lụa thì họ sử dụng lồng sắt hình chữ nhật, miệng rộng từ 2,5 đến 3,5m, có lưỡi nhọn, mỏng cày sâu xuống đáy bùn từ 30 đến 40cm để móc sò nổi lên lăn vào lồng. Tàu kéo chạy đến đâu thì cả một vùng biển đó sôi sục vì lớp bùn trên mặt đáy bị xới tơi tả trôi lên mặt nước. 

Năm 2019, BĐBP Cà Mau đã tuần tra phát hiện, xử lý hành chính 115 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thủy sản; tịch thu 9 bộ cào hải sâm; 16 bộ kích điện; tước 3 giấy phép hoạt động đánh bắt thủy sản và 11 bằng thuyền trưởng; tiếp nhận và phối hợp xử lý 4 vụ tranh chấp ngư trường với hàng chục phương tiện. 

Theo nghiên cứu của các nhà hải dương học, lớp bùn trên mặt biển như một lớp thảm cho các loài thủy sản trú ngụ và sinh sản, khi bị xới cuộn lên sẽ gây ô nhiễm môi trường nước và các loài thủy sản không còn chỗ dựa, hoặc chết do nguồn nước ô nhiễm. Các hình thức đánh bắt này đã tàn phá nguồn lợi nghiêm trọng. Nghiêm trọng hơn, nhiều chủ phương tiện còn lén lút lắp hệ thống kích điện để đánh bắt hải sản. Thế nhưng khi bị người dân nhắc nhở, ngăn chặn, các đối tượng khai thác “tận diệt” lập tức chống trả, hành hung, gây ra hàng loạt vụ gây rối trật tự, đánh người gây thương tích, hủy hoại tài sản công dân trên biển...

Trước thực trạng đó, BĐBP Cà Mau đã đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển, kịp thời ngăn chặn, trấn áp các vụ việc vi phạm pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm lập lại an ninh trật tự và ổn định sản xuất trên vùng biển Cà Mau. 

Lê Khoa

Bình luận

ZALO