Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 01/04/2023 03:50 GMT+7

Ngăn chặn hành vi mua bán người ở địa bàn biên giới

Biên phòng - Thời gian gần đây, ở địa bàn miền Tây tỉnh Nghệ An xuất hiện tình trạng phụ nữ mang thai vượt biên trái phép sang Trung Quốc sinh rồi bán con. Trước tình hình trên, BĐBP Nghệ An đang phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân ở địa bàn biên giới biết hành động trên là vi phạm pháp luật; đồng thời tổ chức ngăn chặn, bắt giữ, không để các đối tượng móc nối, lôi kéo nhân dân tham gia.

cktb_15
Cán bộ BĐBP Nghệ An tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân biên giới. Ảnh: Hải Thượng

Do nhiều nguyên nhân khác nhau như trình độ dân trí thấp, kinh tế, xã hội chậm phát triển nên trong nhiều năm trở lại đây, tình hình tội phạm mua bán người ở một số địa phương ở phía Tây tỉnh Nghệ An có diễn biến phức tạp. Theo thống kê của lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An, trong năm 2018, các đơn vị đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 16 vụ, với 26 đối tượng có hành vi mua bán phụ nữ và trẻ em, tiếp nhận hỗ trợ, giải cứu 40 nạn nhân liên quan.

Hiện, toàn tỉnh còn 263 phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương, nghi là nạn nhân của tội phạm mua bán người. Quá trình điều tra cho thấy hoạt động mua bán người đang ngày càng trở nên tinh vi, đặc biệt, gần đây, trên địa bàn đã phát hiện thủ đoạn phạm tội mới. Các đối tượng tìm đến các gia đình có phụ nữ đang mang thai, sắp sinh (mang thai 6-8 tháng) ở các vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ, lừa gạt đưa vượt biên trái phép sang Trung Quốc sinh rồi bán con lại cho cư dân bản địa.

Qua rà soát ở địa bàn huyện Kỳ Sơn đến tháng 11-2018, có 25 trường hợp phụ nữ người dân tộc thiểu số mang thai vượt biên trái phép sang Trung Quốc sinh, bán con. Theo thống kê của Công an xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, chỉ tính riêng tại xã này đã phát hiện 21 phụ nữ từng sang Trung Quốc bán con sau khi sinh. Nguyên nhân là do trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh khó khăn nên họ quyết định cho đi đứa con của mình để “đổi” lấy một số tiền. Có trường hợp trong quá trình vượt biên qua Trung Quốc bán con đã phải bỏ mạng nơi xứ người khiến gia đình càng lâm vào cảnh khánh kiệt.

Chị Moong Thị Oanh, sinh năm 1985, ở bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Do cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhà đông con, lại đúng vào thời gian gia đình chị cần một khoản tiền để chữa trị bệnh cho chồng, nên vào tháng 3-2017, nghe lời giới thiệu của người em gái ruột, chị Oanh và nhiều phụ nữ khác trong bản đã vượt biên trái phép sang Trung Quốc, bán đứa con vừa lọt lòng cho những kẻ buôn người”.

Do sự việc diễn ra ở địa bàn Trung Quốc nên quá trình điều tra, xử lý gặp nhiều trở ngại. Trước thực trạng trên, để tăng cường các giải pháp phòng, chống mua bán người, ngày 9-1-2019, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn yêu cầu các cấp, ngành huy động sức mạnh hệ thống chính trị trong việc tham gia phòng, chống mua bán người, đồng thời, đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Công an tỉnh Nghệ An cũng tăng cường công tác quản lý về an ninh trật tự, quản lý người nước ngoài, tập trung điều tra, khám phá các vụ án, đường dây mua bán người, truy bắt đối tượng phạm tội, giải cứu và bảo vệ nạn nhân; tổ chức đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người.

Các địa phương, đặc biệt là các huyện trọng điểm về mua bán người như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp... chỉ đạo chính quyền xã đến các gia đình có người thân bị mua bán hoặc có dấu hiệu móc nối mua bán người, để tuyên truyền giáo dục, kết hợp với răn đe, cảnh tỉnh, tổ chức các gia đình ký cam kết không tham gia, không tiếp tay cho hoạt động mua bán người.

Đại tá Trần Hải Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An cho biết: “Hiện tại, chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ biên phòng kiên quyết không để hoạt động mua bán người xâm nhập vào địa bàn biên giới. Trong đó, yêu cầu các đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu hoạt động trên là vi phạm pháp luật. Đồng thời, tổ chức điều tra, đấu tranh, bắt giữ các đường dây, đối tượng có hành vi móc nối lôi kéo người dân vi phạm pháp luật.”

Viết Lam

Bình luận

ZALO