Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:16 GMT+7

Ngăn chặn chuyển giá trốn thuế

Biên phòng - Hơn 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ, thậm chí, nhiều doanh nghiệp thua lỗ trong nhiều năm liên tiếp - Thông tin từ Kiểm toán Nhà nước mới công bố gần đây khiến nhiều chuyên gia kinh tế thực sự hoài nghi và lo ngại về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh của gần 17 nghìn doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Môi trường kinh doanh tốt, thủ tục hành chính đơn giản sẽ thu hút FDI hiệu quả. Ảnh minh họa

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách khẳng định, doanh nghiệp thua lỗ gia tăng bất thường, với tổng số lỗ lũy kế đến nay gần 400 nghìn tỷ đồng, cho thấy hoạt động chuyển giá trong khu vực doanh nghiệp FDI ngày càng phức tạp và tinh vi. Bởi, các doanh nghiệp tuy báo cáo lỗ nhưng lại mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng cường quảng cáo.

Cần phải thừa nhận chuyển giá là một hoạt động phổ biến trong các tập đoàn cả trong và ngoài nước nhằm trốn thuế. Hành vi này thông qua các hình thức thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn hay nhóm liên kết không theo giá thị trường, nhằm mục đích cuối cùng đó là tối thiểu hóa số thuế phải nộp.

Hậu quả của chuyển giá không chỉ khiến Nhà nước thất thu thuế, mà còn gây ra bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.

Đáng lo ngại là chiêu thức chuyển giá đã lan rộng đến các công ty liên kết trong nước. Có rất nhiều doanh nghiệp đặt trụ sở ở các khu công nghiệp, các tỉnh, thành có ưu đãi thuế, rồi thành lập công ty liên kết ở địa phương khác để xuất hóa đơn lòng vòng nhằm chuyển giá, chuyển lợi nhuận về công ty ở nơi được ưu đãi thuế.

Hoặc, một doanh nghiệp thành lập nhiều công ty ở các tỉnh, thành khác nhau để xuất hóa đơn qua lại nhằm hợp thức hóa hàng hóa không xuất xứ rõ ràng, chuyển lãi, chuyển lỗ, rồi các công ty liên kết phá sản, để “nuôi” một công ty sống...

Trước sự lan rộng và tinh vi trong các hoạt động chuyển giá, trốn thuế, nhưng mỗi năm ngành thuế chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra được khoảng 10% lượng doanh nghiệp. 9 năm qua, toàn ngành thuế mới thanh tra, kiểm tra được gần 650 nghìn doanh nghiệp, thu thuế thu nhập doanh nghiệp được gần 36 nghìn tỷ đồng, nhưng số tiền giảm lỗ lên tới 185 nghìn tỷ đồng.

Các chuyên gia ước tính, mức thuế thất thu do hành vi trốn và tránh thuế mỗi năm có thể lên tới 20 nghìn tỷ đồng, trong đó, khu vực FDI chiếm 8.000 – 9.000 tỷ đồng (gấp 3- 4 lần số tiền cơ quan chức năng phát hiện, xử lý).

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các giao dịch liên kết và xuyên quốc gia sẽ ngày càng nhiều hơn. Yếu tố cốt lõi để phát hiện chuyển giá chính là nắm được giá thị trường để làm căn cứ phát hiện và xử lý những giao dịch dựa trên quan hệ liên kết với giá phi thị trường.

Các nhà quản lý kỳ vọng, Luật Quản lý thuế mới có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 sẽ giải được bài toán khó trên. Chính phủ và Bộ Tài chính đang xây dựng nhiều nghị định về quản lý thuế, trong đó có cả nghị định về chống chuyển giá để hạn chế thất thu thuế.

Thế nhưng, để luật triển khai có hiệu quả, cần sửa đổi các quy định đi kèm, cũng như dùng giải pháp công nghệ trong quản lý như triển khai nhanh phần mềm quản lý dữ liệu hàng hóa, dịch vụ “đầu ra”, “đầu vào” của doanh nghiệp.

Đặc biệt, để công bằng trong đầu tư, Chính phủ cần ban hành quy chế ưu đãi thống nhất trong phạm vi toàn quốc, như vậy, doanh nghiệp mới không “lách luật”, để tìm cách chuyển giá về những địa phương có ưu đãi hơn.

Mặt khác, giải pháp công nghệ trong quản lý hóa đơn, quản lý cơ sở dữ liệu hàng hóa thống nhất, liên thông trên cả nước sẽ góp phần ngăn chặn những lỗ hổng trong quản lý doanh thu, chi phí thực của doanh nghiệp. Khi có cơ sở dữ liệu minh bạch, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ dễ dàng phát hiện việc chuyển giá của các doanh nghiệp hoặc sai phạm trong hoạt động kinh doanh hàng lậu, hàng không có hóa đơn chứng từ, hàng không rõ nguồn gốc.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO