Biên phòng - Thời gian gần đây, tình hình khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vẫn diễn ra khá phức tạp. Các đơn vị BĐBP đứng chân trên địa bàn cùng các ngành chức năng đã tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện, bắt giữ, xử lý hàng chục vụ vi phạm. Tuy nhiên, do nguồn lợi thu được từ việc khai thác cát trái phép mang lại khá lớn nên các đối tượng vẫn ráo riết hoạt động.

Thực hiện kế hoạch đấu tranh với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Cần Giờ, lúc 3 giờ 3-6, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Cần Thạnh, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh tuần tra, mật phục tại khu vực sông Lòng Tàu thuộc địa bàn xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, đã phát hiện và tiến hành kiểm tra phương tiện TG-14022 do ông Phạm Minh Tài, sinh năm 1985, trú tại ấp 5, xã Bình Xuân, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang làm Thuyền trưởng đang sang mạn cát từ một tàu gỗ không có biển kiểm soát do ông Võ Thành Út, sinh năm 1984, trú tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, trên phương tiện của ông Phạm Minh Tài đang chứa khoảng 50m3 cát, ông Tài không xuất trình được giấy tờ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số cát trên phương tiện. Ông Tài khai, số cát trên do phương tiện của ông Út khai thác trực tiếp từ sông Lòng Tàu và bơm sang bán cho ông Tài với giá 200.000 đồng/m3.Tổ công tác tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Tài và Út, đồng thời dẫn giải người, tang vật, phương tiện vi phạm về đơn vị để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định.
Được biết, các đối tượng khai thác cát trái phép thường tìm mua những ghe (thuyền) loại nhỏ, có tải trọng khoảng từ 20-30m3, trang bị máy hút công suất nhỏ rồi đứng từ xa chỉ đạo bằng điện thoại để những người làm công thực hiện việc hút trộm cát. Đặc biệt, trên mỗi ghe, “cát tặc” thiết kế một lỗ có nắp đậy ở phần đáy (dân trong nghề gọi là lỗ lù) khi phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra sẽ cho rút lù (mở nắp đậy) xả toàn bộ cát xuống lòng sông rồi đánh chìm ghe để phi tang, khiến cho công tác xử lý gặp nhiều khó khăn.
Một trong những phương thức hoạt động quen thuộc của “cát tặc” là lợi dụng thời điểm ban đêm và các khu vực hẻo lánh, nơi giáp ranh để hoạt động, đồng thời cài cắm “vệ tinh” cảnh giới cách điểm bơm hút cát ít nhất 1km. Trên bờ, chúng bố trí các đối tượng giả làm người chạy xe ôm hoặc người bán hàng rong ở các ngả đường dẫn đến khu vực lòng sông, gần các đơn vị BĐBP; dưới nước là các đối tượng giả làm người đi giăng câu để thông báo hoạt động tuần tra, kiểm soát, mật phục của cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện khai thác cát trái phép ở vùng biển giáp ranh với các tỉnh, khi bị phát hiện đều bỏ chạy theo nhiều hướng khác nhau để trốn thoát sang các địa phương khác.
Nắm được phương thức, thủ đoạn hoạt động của “cát tặc”, lực lượng Biên phòng tiến hành đột kích bất ngờ thì lại bị các đối tượng chống đối bằng cách dùng 3-4 ghe khác chạy vòng quanh tạo sóng lớn khiến ca nô không thể cặp mạn, cán bộ, chiến sĩ không thể tiếp cận với ghe hút trộm cát để kiểm tra và trong thời gian này, chúng nhanh chóng rút lù để xả cát, nhận chìm ghe xuống lòng sông phi tang.
Điển hình như vụ việc xảy ra vào lúc 22 giờ, ngày 4-5-2018. Khi đó, Đội tuần tra của Trạm Biên phòng cửa khẩu Nhà Rồng, Biên phòng cửa khẩu cảng thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Trạm Kiểm soát giao thông Cát Lái, Cảnh sát giao thông đường thủy thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình làm nhiệm vụ đã phát hiện tại khu vực vàm Rạch Đò, ấp Tương Trường, xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có 1 chiếc ghe không mang biển kiểm soát đang bơm hút cát trái phép.
Ngay lập tức, Đội tuần tra đã áp sát ghe để kiểm tra. Tuy nhiên, khi phát hiện lực lượng chức năng, các đối tượng trên ghe đã cố tình tăng ga với ý định chạy trốn. Do bị bám sát, vây bắt quyết liệt nên các đối tượng trên phương tiện đã nhấn chìm ghe rồi lợi dụng đêm tối nhảy xuống sông bơi vào bờ tẩu thoát. Lực lượng làm nhiệm vụ đã tiến hành bảo vệ hiện trường, sau đó trục vớt thành công phương tiện và lai dắt về neo đậu tại cầu tàu của đơn vị để tiếp tục điều tra, xử lý.
Được biết, trước đây, khi mức chế tài xử phạt còn nhẹ, dân khai thác cát lậu thường sử dụng các loại máy bơm hút công suất cao lắp đặt kiên cố trên sà lan có tải trọng lớn và trực tiếp chỉ huy việc hút trộm cát nên chỉ cần phối hợp với Cảnh sát giao thông đường thủy và một số cơ quan chức năng khác tổ chức các đợt kiểm tra là có thể phát hiện, xử lý được. Tuy nhiên, hiện nay, khi mức chế tài tăng nặng với trường hợp khai thác trái phép dưới 50m3 cát thì bị xử phạt vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện, còn từ 50m3 trở lên sẽ tịch thu phương tiện và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên “cát tặc” lập tức tìm mọi thủ đoạn để đối phó.

Nhằm nỗ lực ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP và UBND thành phố Hồ Chí Minh, thời gian tới, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30-3-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; đồng thời, tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn khu vực biển, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm. Mặt khác, đơn vị tham mưu UBND thành phố duy trì hiệu quả hoạt động của cơ quan liên ngành trong công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh với hoạt động mua bán, vận chuyển, kinh doanh và khai thác cát trái phép.
Đại tá Tô Danh Út, Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Một trong những biện pháp mang tính lâu dài mà đơn vị đã triển khai thực hiện, đó là tích cực và kiên trì tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, tích cực cùng các cơ quan chức năng phòng chống hoạt động khai thác cát trái phép.
Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các mặt công tác biên phòng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An trong công tác nắm tình hình, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép trên phạm vi rộng, chứ không “mạnh ai nấy làm” như thời gian qua, nhằm góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực cửa khẩu cảng biển và vùng biển của thành phố.
Nguyễn Đức Thắng