Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:21 GMT+7

Nga và vấn đề tranh chấp lãnh thổ

Biên phòng - Nghe thì có vẻ mâu thuẫn, bởi với bất kỳ nước nào thì vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng là một khía cạnh bao hàm cả ý nghĩa chính trị. Nhưng thực tế, Nga dường như đã tách bạch được vấn đề này trong một chừng mực nào đó, với mục tiêu nào đó, và tránh chính trị hóa những vấn đề lãnh thổ bằng việc ưu tiên cho sức mạnh của luật pháp quốc tế. Và điểm thuận lợi là ưu tiên này luôn được đa phần các nước trên thế giới... ưu tiên.

570697
Đảo Kuril. Ảnh: Sputnik

Phải thừa nhận lập trường và chính sách của Nga đối với những tranh chấp biên giới và lãnh thổ tại Đông Á đang thu hút sự chú ý của dư luận. Phần lớn những cuộc tranh chấp này có nguồn gốc sâu xa và gắn liền với di sản lịch sử Chiến tranh Lạnh, trước hết là tính không hợp pháp hệ thống đường biên giới giữa các nước xuất hiện do hậu quả của việc ký Hiệp ước hòa bình San Francisco.

Trong số những cuộc tranh chấp này cần phải kể đến tranh cãi xung quanh quần đảo Nam Kuril/vùng lãnh thổ phương Bắc, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Dokdo/Takeshima. Tại khu vực này, Nga là nước tranh chấp với Nhật Bản, trong khi đó đối với các cuộc tranh chấp còn lại, Moscow đứng ngoài quan sát.

Quan điểm của Nga đối với các cuộc tranh chấp vũ trang dựa trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền nhà nước và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, sự bền vững của các đường biên giới cũng như luật pháp quốc tế. Nga luôn giữ lập trường trung lập đối với những vấn đề lãnh thổ và biên giới mà Nga không liên đới. Ở góc độ nào đó, Nga không ủng hộ ý tưởng quốc tế hóa các cuộc tranh chấp.

Chúng ta có thể thấy điều này từ thời Xô viết, khi Liên Xô kịch liệt phản đối những nỗ lực của Nhật Bản thảo luận vấn đề quần đảo Nam Kuril tại cuộc gặp Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) bao gồm Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh, Mỹ, Canada tại Toronto năm 1988. Nga đang thể hiện quan điểm tương tự đối với các cuộc tranh chấp lãnh thổ khác ở Đông Á, tất nhiên là Nga không liên quan.

Trong vấn đề phân định biên giới, Moscow và Tokyo đứng hai đầu chiến tuyến. Hiệp ước Hòa bình, vốn có thể giải quyết vấn đề, đến nay vẫn chưa được ký kết, trong khi các cuộc đàm phán kéo dài trong hơn hai thập kỷ qua cũng không đem lại kết quả. Cả Nga và Nhật Bản đều hiểu rằng giải quyết vấn đề này rất phức tạp do lập trường hai bên có sự khác biệt mang tính nguyên tắc chưa thể giải quyết một sớm một chiều.

Sự khác biệt đó thể hiện ở việc hai bên có những đánh giá khác nhau cơ bản về kết quả Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nga cho rằng quần đảo Nam Kuril là lãnh thổ của mình theo kết quả các thỏa thuận về sắp xếp trật tự thế giới sau chiến tranh giữa các nước đồng minh. Nhưng Nhật Bản lại không thừa nhận, cho rằng thế giới hiện đã thay đổi và đã đến lúc sửa chữa “sai lầm lịch sử”.

Rất may, Nga thừa nhận mâu thuẫn này và đồng ý tiến hành đàm phán với Nhật Bản. Đây chính là sự khác biệt của vấn đề Nam Kuril với các cuộc tranh chấp lãnh thổ và biên giới khác ở Đông Á, nơi một bên “chiếm quyền” kiểm soát hành chính đối với khu vực tranh chấp và không tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào với bên tranh chấp. Chưa hết, Nga còn có thái độ tích cực với ý tưởng cùng với Nhật Bản khai thác quần đảo Nam Kuril. Quyết định thành lập khu vực hoạt động kinh tế chung trên quần đảo Nam Kuril đã được thông qua trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 12-2016.

Tuy nhiên, về nguyên tắc, việc tổ chức hoạt động kinh tế chung để giảm nhẹ tranh chấp biên giới là không có gì mới. Còn nhớ thỏa thuận song phương Nga - Nhật Bản năm 2008 cùng khai thác các mỏ khí đốt tại thềm lục địa biển Hoa Đông mà trên thực tế không được thực hiện. Vì vậy, kinh nghiệm phối hợp hành động giữa Nga và Nhật Bản tại quần đảo Nam Kuril được trông đợi sẽ là hình mẫu để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực.

Nga không muốn leo thang các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Thứ nhất, các cuộc tranh chấp dễ dẫn đến làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ song phương Nhật Bản và Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, làm tình hình chính trị quốc tế tại Viễn Đông thêm phức tạp. Thứ hai, việc xuất hiện những điểm chiến tranh ở các đường biên giới Viễn Đông của Nga không chỉ tạo ra thêm nhiều mối đe dọa an ninh cho quân đội Nga mà còn gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế, bởi nó cản trở các tiến trình hội nhập kinh tế ở khu vực này. Nga cũng coi việc tham gia của mình vào những tiến trình này là nhân tố quan trọng đẩy nhanh phát triển kinh tế khu vực Siberia và Viễn Đông.

Trên thực tế, Nga luôn giữ lập trường trung lập đối với những vấn đề về lãnh thổ, và không phải là một bên tham gia. Mặc dù Nga cho rằng các cuộc tranh chấp lãnh thổ cần được giải quyết chỉ bởi các bên liên quan, quy chế trung lập cho phép Nga thể hiện tiềm năng trung gian to lớn. Nhằm tránh chính trị hóa những vấn đề lãnh thổ, Nga ưu tiên cho sức mạnh luật pháp quốc tế. Lập trường của Nga là ở chỗ các bên cần phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc không sử dụng vũ lực và bất cứ sự thay đổi biên giới nào cần phải được hợp thức hóa bằng các cơ chế luật pháp quốc tế với sự tham gia của tất cả các bên.

Đơn cử trong vấn đề Biển Đông, Nga luôn khẳng định cần làm nổi bật những văn kiện có tầm quan trọng mang tính hệ thống ở mức độ cao nhất, cần phải thừa nhận Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc năm 2002. Trong mắt Nga, việc xây dựng cấu trúc an ninh mới ở châu Á - Thái Bình Dương dựa trên nguyên tắc không liên minh và các chuẩn mực luật pháp quốc tế là chìa khóa giải quyết mâu thuẫn trong khu vực. Với Nga, bấy nhiên đó đơn thuần chỉ là vấn đề an ninh biên giới.

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO