Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 27/09/2023 07:10 GMT+7

Quốc tế/ Biên giới, biển, đảo các nước

Nga, Nhật xúc tiến giải quyết tranh chấp lãnh thổ

Biên phòng - Nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 12 tới, Nhật Bản và Nga đang xúc tiến soạn thảo nội dung văn kiện Hiệp ước hòa bình sao cho có thể chấp nhận được với cả hai bên. Moskva tuyên bố sẵn sàng ký Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản, song việc ký kết sẽ chưa diễn ra cho đến khi hai nước giải quyết xong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

v9tx84u0me-55200_1788e816-011c-c03b-253f-ba8658482679@yahoo.com_1033359789
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama tại cuộc đối thoại chiến lược Nga - Nhật hồi tháng 10-2016: “Tầm quan trọng chiến lược của Nga đối với Nhật Bản đang trở nên đặc biệt mạnh mẽ trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế ở châu Á - Thái Bình Dương đang phải trải qua một sự biến động sâu sắc”. Ảnh: Sputnik

Trong chuyến thăm Nhật Bản đầu tuần này, Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Valentina Matvienko một lần nữa khẳng định chủ quyền của nước này đối với 4 hòn đảo (gồm Shikotan, Habomai, Etorofu và Kunashiri) hiện do Nga kiểm soát và gọi là Nam Kuril, trong khi Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Bà Matvienko nhấn mạnh trong các văn bản quốc tế, các đảo này được chuyển giao cho Nga theo thỏa thuận hậu Chiến tranh Thế giới thứ II (CTTG II), và đây là lý do không thể hoài nghi chủ quyền của Nga đối với Nam Kuril. Bà cũng khẳng định Nga sẵn sàng tìm kiếm thỏa hiệp về vấn đề Hiệp ước hòa bình, phù hợp nguyện vọng của hai bên.

Tranh chấp chủ quyền tại Nam Kuril đã ngăn cản hai nước đạt được một hiệp ước hòa bình. Năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Putin đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai nước. Bất chấp những bất đồng giữa Nga và phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine và Syria, ông Abe trong năm 2016 đã hai lần mời Nga đàm phán và một cuộc đối thoại nữa dự kiến cũng sẽ được thực hiện bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Peru trong tháng 11 này.

Hiện hai nước đang có quan điểm hoàn toàn khác xa nhau về quần đảo Nam Kuril và việc đạt được đồng thuận xem ra rất xa vời. Đầu tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Abe tuyên bố Nhật Bản sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với cả 4 đảo đang tranh chấp với Nga và việc giải quyết vấn đề lãnh thổ là quyết định đúng đắn đối với tương lai của cả hai nước. Trong khi đó, lãnh đạo Thượng viện Nga Matvienko lại khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Nam Kuril là vấn đề tranh cãi với Nhật Bản, không phải với Nga, đồng thời nhấn mạnh Moskva không bao giờ giới hạn chủ quyền của mình đối với vùng lãnh thổ này, hay xa hơn nữa là chuyển giao thẩm quyền cho Nhật Bản.

Về mặt lý thuyết, Nga và Nhật Bản vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Hai nước đã ký tuyên bố năm 1956 theo đó chấm dứt các hoạt động quân sự và khôi phục quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, phía Nhật Bản khẳng định hiện cần phải chốt lại các kết luận của CTTG II. Về phần mình, Tổng thống Putin cũng thể hiện việc hai nước không ký Hiệp ước hòa bình đang tác động tiêu cực đến mối quan hệ song phương.

Nhà chính trị học Valery Kistanov, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản - Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng tính tích cực của việc ký Hiệp ước hòa bình là Nhật Bản sẽ không đề cập vấn đề này nữa. Moskva giữ quan điểm trước sau như một về các hòn đảo tranh chấp dựa vào kết luận từ CTTG II, được quy định thành văn bản pháp lý quốc tế. Tuy nhiên, Nga lại luôn tuyên bố phải tìm kiếm thỏa hiệp, dù chưa bao giờ nhắc đến việc chuyển giao 4 hòn đảo. Theo ông Kistanov, việc chuyển giao các hòn đảo tranh chấp đồng nghĩa với việc công nhận chủ quyền của Nhật Bản đối với vùng lãnh thổ này.

Trong chuyến thăm Tokyo vừa qua, Chủ tịch Thượng viện Nga Matvienko tuyên bố Nga sẵn sàng đồng ý cùng tiến hành hoạt động kinh tế với Nhật Bản tại quần đảo Nam Kuril. Đề nghị này đã được chuyển cho phía Nhật Bản. Song bà Matvienko cũng nhấn mạnh hình thức hoạt động này chỉ có thể được tổ chức dưới quyền tài phán của Nga và trong khuôn khổ luật pháp Nga. Cho đến nay, Nhật Bản vẫn từ chối hình thức hợp tác này, cho rằng như vậy có nghĩa là Nhật Bản công nhận chủ quyền của Nga đối với quần đảo Nam Kuril. Và do đó Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm những phương án khác để tìm ra thỏa hiệp.

Động lực thúc đẩy giải quyết tranh chấp

Cuộc đối thoại chiến lược giữa giới chức lãnh đạo Nhật Bản và Nga cách đây một tháng cuối cùng cũng có thể mang lại tiến triển cho những tranh chấp ở Nam Kuril, vấn đề đã gây cản trở hai nước đi đến ký kết một hiệp ước hòa bình thời hậu chiến. Theo giới phân tích, nhu cầu củng cố quan hệ với Nga trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng gia tăng đối với sự ổn định của khu vực kết hợp với những kỳ vọng của Moskva trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ của Nhật Bản nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế Nga chính là động lực để xây dựng biện pháp hướng tới giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước.

kurils
Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nga neo đậu tại đảo Shikotan, 1 trong 4 hòn đảo của Đảo Nam Kuril, ngày 14-9-2015. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, sự ủng hộ vững chắc của công chúng dành cho hai nhà lãnh đạo Abe và Putin cũng giúp thiết lập những điều kiện chính trị thuận lợi và tạo ra cơ hội hiếm có để có thể tiến triển trong vấn đề nhạy cảm này trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhật - Nga vào tháng 12 tới tại tỉnh Yamaguchi, quê nhà của ông Abe. Cuộc gặp này được xem là cơ hội lớn nhất mà ông Abe có được để đạt được một thỏa thuận với sự can thiệp ít hơn từ Mỹ, trong bối cảnh đồng minh này của Nhật Bản sắp có tổng thống mới.

Trong chuyến công du tới Mỹ tham dự Khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Abe đã tranh thủ gặp Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton để tìm kiếm sự ủng hộ của Washington. Tại các cuộc đối thoại này, ông Abe cho biết sẽ nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán về vấn đề chủ quyền lãnh thổ với Nga, song sẽ không nới lỏng các lệnh trừng phạt mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) áp đặt chống Moskva. Trong khi đó theo ý kiến chuyên gia, mặc dù ông Abe không gặp ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump, song chính sách “xoay trục” sang Nga của Nhật Bản chắc cũng sẽ nhận được sự ủng hộ của ứng cử viên có quan điểm thân Nga này.

Kể từ khi lên nắm chức thủ tướng lần đầu tiên năm 2006, ông Abe đã bày tỏ mong muốn kết thúc “thời kỳ hậu chiến”, thay đổi chương trình nghị sự mà ông cho là nguyên nhân dẫn đến thất bại của Nhật Bản trong CTTG II, trong đó có việc giải quyết tranh chấp chủ quyền và ký Hiệp ước hòa bình với Nga. Tuyên bố chung Nhật Bản - Liên Xô ký năm 1956 có thể sẽ trở thành nền tảng cho các cuộc đối thoại Abe - Putin vào tháng tới.

Nguyễn Trung

Bình luận

ZALO