Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 08/06/2023 02:26 GMT+7

Nga - EU: Bước khởi đầu của tiến trình ngoại giao lâu dài

Biên phòng - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu tuần này đã tới Nga và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyến thăm này được đánh giá là bước khởi đầu cho một tiến trình ngoại giao lâu dài giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo sau hội đàm tại Nga vào đầu tuần này. Ảnh: REUTERS

Bối cảnh chính trị phức tạp

Bối cảnh chính trị Pháp đầu năm nay thu hút sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế khi chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 4 và đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch luân phiên EU trong 6 tháng đầu năm. Hơn hết, nước Pháp đang có nhiều tham vọng củng cố vị thế của châu Âu, bao gồm việc định hình một môi trường an ninh châu Âu cân bằng, giảm thiểu những rủi ro xung đột, cũng như leo thang căng thẳng giữa các thế lực hùng mạnh.

Đánh giá về Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, giới chuyên gia chính trị Pháp nhận định, ông Macron dù ở những ngày cuối nhiệm kỳ, song, sự ủng hộ đối với ông tương đối cao so với các nhà lãnh đạo Pháp trong lịch sử. Trên thực tế, ông Macron đang ngày càng thể hiện rõ nét nhiều nỗ lực không chỉ để nâng tầm vị thế đất nước, mà còn đóng góp mạnh mẽ cho EU, cho toàn châu Âu và lan tỏa rộng hơn với toàn cầu. Trên trường quốc tế, Pháp cũng đang nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước thành viên EU trong vấn đề an ninh. Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa qua khẳng định sự ủng hộ với Pháp và nhấn mạnh, mục tiêu chung của EU là ngăn chặn một cuộc chiến tranh ở lục địa châu Âu.

Những ngày gần đây, an ninh châu Âu ngày càng trở thành chủ đề “nóng bỏng” hơn bao giờ hết với sự hiện diện của những nguy cơ leo thang căng thẳng, xung đột. Chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho thấy sự sẵn sàng gánh vác những thách thức nặng nề và nhận được nhiều sự tán dương từ cộng đồng quốc tế. Hàng loạt sự kiện tiếp xúc với các nhà lãnh đạo thế giới gần đây của Tổng thống Macron là những minh chứng rõ nét.

Đầu tuần này, ông Macron đã đến Nga và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo những tuyên bố được truyền thông quốc tế dẫn nguồn ngoại giao hai nước cho biết, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Nga nhấn mạnh, siêu cường quốc này không phải là nguồn gốc gây leo thang căng thẳng ở châu Âu nói riêng, cũng như với phương Tây nói chung.

Theo giới quan sát khu vực, thời gian qua, chính quyền Nga thường cho thấy thái độ không “mặn mà” đối thoại với châu Âu về các yêu cầu an ninh khu vực, thay vào đó, Nga muốn đối thoại với Mỹ. Vào cuối năm ngoái, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định, Nga không tin rằng, EU đã sẵn sàng thảo luận về các đề xuất an ninh.

Đối với EU, Khối không cho thấy sự thoải mái vì phải đứng ngoài cuộc khi Mỹ và Nga thảo luận về tương lai trật tự an ninh của châu Âu. Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu về Chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã nhiều lần kêu gọi đưa châu Âu vào các cuộc đàm phán và tuyên bố rằng: “Không có gì được quyết định về chúng tôi, nếu không có chúng tôi ở đó”.

Niềm tin về một tiến trình ngoại giao lâu dài

Trong bối cảnh chính trị phức tạp, nhiều niềm tin đang dành cho Pháp để vạch ra những giải pháp hữu hiệu giải quyết những gốc rễ tồn tại. Theo giới quan sát, ngay từ năm 2017 khi nhậm chức Tổng thống Pháp, ông Macron đã cho thấy quan điểm rằng, châu Âu cần có khả năng duy trì đối thoại với Nga. Lập luận của ông Macron càng được củng cố mạnh mẽ hơn kể từ chuyến thăm Pháp của ông Putin vào năm 2019. Tổng thống Pháp lâu nay có niềm tin rằng, mối quan hệ thực dụng với Nga là điều cần thiết để thiết lập an ninh lâu dài ở châu Âu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc hội đàm tại Nga vào đầu tuần này. Ảnh: REUTERS

Trong bài phát biểu tại một hội nghị ngoại giao lớn ở Thủ đô Paris vào năm 2019, ông Macron từng nhấn mạnh, châu Âu sẽ không bao giờ ổn định, không bao giờ an toàn nếu không xoa dịu căng thẳng và làm rõ mối quan hệ với Nga.

Thực tế hiện nay, trong khoảng thời gian 6 tháng đầu năm ngắn ngủi làm Chủ tịch EU, nhất là trùng thời điểm bầu cử Tổng thống nhạy cảm, Pháp sẽ gặp nhiều “trở lực” để hiện thực hóa các kỳ vọng. Dẫu vậy, dư luận châu Âu tin rằng, cách thức mà Tổng thống Macron đang thực hiện, nổi bật như chuyến thăm Nga sẽ là bước khởi đầu của một tiến trình ngoại giao lâu dài. Kết quả của 6 tháng làm Chủ tịch EU của Pháp nhiều khả năng sẽ tạo ra những bước tiền đề quan trọng cho các nước kế nhiệm, cũng như đường hướng chung của EU.

Bình luận về cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Pháp vừa qua, giới quan sát chính trị châu Âu nhận định, điều dễ nhận thấy nhất là Tổng thống Pháp muốn bắt đầu một lộ trình giảm leo thang căng thẳng giữa Nga và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cuộc hội đàm giữa hai Tổng thống kéo dài 5 giờ đã phần nào cho thấy, Tổng thống Putin đã có nhiều cân nhắc trong các nội dung thảo luận với ông Macron, đặc biệt là cách thức tiếp cận mới để đạt được sự hài hòa cho tất cả các bên.

Cũng theo giới quan sát, các nội dung thảo luận giữa ông Macron và ông Putin sẽ khó có thể đi đến những kết quả cụ thể ngay lập tức, song, ông Macron đang được xem là đại diện cho phương Tây đối thoại trực tiếp với Nga. Điều quan trọng nhất trong cuộc gặp này là ông Macron đã cho thấy sự cố gắng trong việc thiếp lập đối thoại với ông Putin về các vấn đề an ninh châu Âu, đưa cuộc đối đầu Nga - phương Tây trở lại các cơ chế đối thoại thay vì leo thang căng thẳng. Đây sẽ là thời điểm quan trọng để các bên thực hiện các “phép thử” về mức độ thiện chí và cách tiếp cận mới tích cực, có hiệu lực cao hơn, đặt nền móng cho những tiến bộ chung.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO