Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 08:36 GMT+7

Ngã ba Đông Dương - Nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật

Biên phòng - Ngã ba Đông Dương là điểm tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Nơi đây, có cột mốc ba biên giới nằm trên đỉnh núi cao 1.068m (xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), với trụ hình tam giác, ốp đá hoa cương, mỗi mặt có khắc quốc huy và tên mỗi nước. Đến ngã ba Đông Dương, đứng trên đỉnh núi cao bên cột mốc ba biên, nơi “con gà gáy cả ba nước đều nghe”, mỗi người Việt đều mang trong mình niềm xúc cảm xen lẫn tự hào. Ngã ba Đông Dương trở thành nguồn cảm hứng văn học nghệ thuật của nhiều người khi đặt chân đến đây và chiêm ngưỡng cột mốc chủ quyền thiêng liêng của đất nước.

8a
Những người lính bảo vệ biên giới 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia tại cột mốc ngã ba biên giới. Ảnh: Trần Phong

Cột mốc ngã ba Đông Dương được khởi công xây dựng từ ngày 29-11-2007 và hoàn thành ngày 18-1-2008. Tại đây, ngày 18-1-2008, đại diện Bộ Ngoại giao ba nước và đại diện lãnh đạo 3 tỉnh giáp ranh: Kon Tum (Việt Nam), Attapeu (Lào) và Rattanakiri (Campuchia) đã có mặt và thực hiện buổi lễ khánh thành cột mốc chung 3 nước mang số hiệu 2007.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 (Bộ đội Trường Sơn thời đánh Mỹ) đã viết về khu vực này như sau: “...Cứ mỗi lần đến đây, tôi lại có thêm những cảm nhận mới, những ý tưởng mới về vùng đất thiêng liêng có tên là “ngã ba biên giới”... Là cán bộ quân sự, không riêng gì tôi, mà ai cũng phải lưu tâm về vị thế chiến lược của vùng đất ấy. Và thực tế, khu vực ba biên giới từ lâu đã trở thành căn cứ chiến lược chung của các chiến trường Nam Đông Dương” (hồi ký “Trọn một con đường”).

Nếu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gọi Bờ Y là “Vùng đất thiêng liêng” thì Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3), viết trong hồi ký “Chiến đấu ở Tây Nguyên” lại đánh giá rất cao vị thế chiến lược của vùng đất này: “Có thể nói, Tây Nguyên là “mái nhà” của Đông Dương và vì vậy, người Pháp khi phát hiện ra Tây Nguyên đã từng đánh giá, ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ Đông Dương. Là một địa bàn chiến lược quân sự hết sức quan trọng như vậy nên cả ta và địch đều hết sức chú ý giành giật với nhau từng tấc đất trên cao nguyên này”.

Nhà thơ Tố Hữu - người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà thơ kiệt xuất, con chim đầu đàn của thơ ca cách mạng Việt Nam cũng đã từng viết về vùng đất ba biên này: “Trường Sơn Đông nắng Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình.../ Trên đường lớn Hồ Chí Minh/ Gác ba biên giới... mối tình Đông Dương” (Nước non ngàn dặm).

Trong “Nước non ngàn dặm” có khá nhiều câu thơ, đoạn thơ diễn tả sống động, hấp dẫn về cuộc sống muôn màu muôn vẻ ở miền Trung, Tây Nguyên và cả các vùng biên giới với hai nước bạn Lào, Campuchia. Có những đoạn thơ chứa chan cảm xúc như đoạn ông trở lại làng Rô: “Ôi, làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi, chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm, ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy/Thương em, cô gái sông My/Nắm xôi đưa tiễn anh đi qua rừng...”.

Năm 1974, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi trên đường công tác ngang qua vùng rẻo cao này, giữa mùa Thu gặp rừng “trâng” lá đỏ tuyền như máu, đã để lại bài thơ “Lá đỏ” đầy chất anh hùng ca: “Gặp em trên cao lộng gió/ Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ/ Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường/Đoàn quân vẫn đi vội vã/Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa”.

Nhà thơ Nguyễn An Bình từng có nhiều bài thơ về vùng đất Tây Nguyên cũng dành cho mốc ba biên những lời thơ trong trẻo: “Đứng trên cột mốc vùng ba biên giới/ Anh chờ nghe tiếng gà gáy đâu đây/ Chỉ thấy mây bay chập chùng núi tỏa/ Từng bậc thang lên rêu bám mỗi ngày/Ngàn lau trắng vươn mình trong nắng sớm/Tay anh chạm vào cột mốc biên cương/ Tình hữu nghị chia đều cho ba hướng/Xoay bên nào cũng chan chứa yêu thương.../Phiến đá hoa cương mang hồn thiên cổ/ Sừng sững đất trời cột mốc thiêng liêng/Dòng sông chảy đắm mình trong sương lạnh/Lặng lẽ nơi này vùng đất tam biên” (Trên cột mốc ngã ba Đông Dương).

Thiếu tá Phạm Thị Vân Anh, khi là trợ lý Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BĐBP khi đến cửa khẩu Bờ Y, choáng ngợp trước cảnh biên cương hùng vĩ ở ngã ba biên giới, đã xúc cảm viết nên bài thơ “Tiếng hát từ cột mốc ba biên”. Bài thơ được Thượng tá - nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Anh, hiện là Phó Trưởng đoàn Văn công BĐBP phổ nhạc. Bài hát đã được ca sĩ Lê Nhung thể hiện rất thành công. Điều vui mừng là tác phẩm âm nhạc “Tiếng hát từ cột mốc ba biên” đã đoạt giải B, Giải thưởng âm nhạc năm 2017 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Trong bài thơ có đoạn: “Tôi đứng đây ngã ba biên giới/Đồi tròn nghiêng nghiêng đón gió ba miền/Núi vờn mây vươn về với biển/Sông nối dòng ăm ắp phù sa/Trời xanh quá, núi rừng bình yên quá/ Túi bom năm xưa đang đổi mới từng ngày...”. Đầu tháng 11 này, bài hát lại được vang lên trong giao lưu hữu nghị Việt Nam-Lào-Campuchia lần thứ I tại Ngã ba Đông Dương lịch sử.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO