Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 10:07 GMT+7

Xuôi ngược vùng bão tố:

Nêu gương đi cứu dân

Biên phòng - Trong mưa lũ ở tỉnh Quảng Bình, mệnh lệnh cứu dân được cán bộ, chiến sĩ BĐBP đặt lên hàng đầu. Địa bàn tổ chức cứu nạn chủ yếu nằm ở vùng nội địa, không phải tuyến biên phòng, việc lái ca nô đi vào khu vực này rất nguy hiểm. Tuy nhiên, những người lính Biên phòng vẫn tham gia nhiệt tình, mỗi chuyến ca nô đều có lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp tham gia để làm gương cho anh em. Còn tại các điểm tìm kiếm nạn nhân mất tích ở Trạm kiểm lâm 67, xã Trà Leng (tỉnh Thừa Thiên Huế), lãnh đạo, chỉ huy của các đơn vị này luôn lội bùn, trực tiếp bám hiện trường.

Đồn Biên phòng Ngư Thủy, BĐBP Quảng Bình tổ chức cứu nạn, phát mì tôm cho người dân ở rốn lũ huyện Lệ Thủy và luôn có chỉ huy đơn vị tham gia. Ảnh: Văn Chương

Cả đồn hắt hơi

Ngày 23-10, khi đỉnh lũ đã rút đi và các địa phương ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đang đối mặt với những vấn đề máy tính ướt, tài liệu ẩm, thóc lúa nảy mầm, thì tại Đồn Biên phòng Ngư Thủy, BĐBP Quảng Bình, những người lính mới bắt đầu cảm nhận cái lạnh thấm vào tận xương. Trung tá Nguyễn Ngọc Tú, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ngư Thủy khoác chiếc áo ấm và co người trước cơn gió lùa, một số cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thì nhắc đến việc uống trà gừng, nước chanh và thuốc giải cảm. Vì đã nhiều ngày, anh em đơn vị dầm mình trong nước lũ để cứu dân.

Tại khu vực bờ sông Kiến Giang, gần trung tâm thị trấn huyện Lệ Thủy, những chiếc ca nô biên phòng vẫn neo đậu, chưa rút đi, mặc dù nước sông đã rút để lộ ra vô số túi nilon, mảnh vải rách treo lủng lẳng trên cành tre, đánh dấu những ngày trước đó từng là biển nước. Thiếu tá Nguyễn Thanh Liêm, nhân viên hàng hải, Đồn Biên phòng Ngư Thủy bước xuống chiếc ca nô nóng hầm hập như để lấy lại cảm giác cân bằng nhiệt cơ thể, sau nhiều ngày lái ca nô chở người dân vùng lũ vào các điểm an toàn.

Ngồi nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngư Thủy, ai cũng nhắc chuyện những ngày tổ chức đi cứu dân, thời điểm cam go nhất, đồn trưởng trực tiếp đi trên ca nô phát mì tôm cho các gia đình bị cô lập. Khi tổ chức đi cứu dân, mọi người quên đi cảm giác lạnh lẽo. Nhưng khi xong việc thì mới biết đã ngấm nước mưa, nước lũ nhiều ngày, nên cơ thể vẫn còn cóng lạnh.

Tại các điểm sạt lở, nhất là khu vực xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đội chó nghiệp vụ và cả người chỉ huy phải di chuyển vượt bãi bùn bằng máy xúc để vào hiện trường. Ảnh: Văn Chương

Bờ tường ngã đổ, chiếc xe đạp vùi trong bùn đất, hố chôn lấp heo bò vừa được rắc vôi… đó là hình ảnh khi tôi quay trở lại nơi mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngư Thủy đã tổ chức cứu nạn 500 người dân ra khỏi rốn lũ từ trưa 18-10. Trong số hình ảnh video tư liệu mà đội tìm kiếm cứu nạn của Đồn Biên phòng Ngư Thủy còn lưu giữ, hình ảnh kỳ lạ nhất, đó là một người phụ nữ được đưa xuống ca nô từ một ngọn cây ở sát hiên nhà. Người phụ nữ trèo lên ngọn cây là chị Trần Thị Thắng, 31 tuổi, ở thôn Ngô Bắc, xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy. Ngôi nhà của chị nằm khá biệt lập ở cạnh cánh đồng nước mênh mông. Chị Thắng và chồng sử dụng thanh sắt phi 10 để chèn cửa, nhưng sóng lớn cao trên 1m ập vào phá vỡ cửa, bẻ cong cả thanh sắt to, kéo toàn bộ đồ đạc ra ngoài sông.

Tôi ngạc nhiên và ngỡ ngàng khi nghe chị Thắng kể chuyện đu trên ngọn cây và chị trèo luôn lên cây để diễn tả lại cảnh tượng lúc kêu cứu và được ca nô của BĐBP cứu sống. Cả người chị đu trên một chạc ngang, khiến thân cây sanh đung đưa và có lúc oằn xuống. Chị ngồi trên cây kể chuyện một lát rồi mới trèo xuống và tôi hiểu, do ký ức sống chết đã quá ăn sâu trong đầu, vì vậy, chị đã trèo lên ngọn cây để kể chuyện với nhà báo.

Chỉ huy ở hiện trường

Ngày 14-10, tại vụ sạt lở núi đè lên Trạm kiểm lâm 67, ba chú chó Tôm Ba, Ô Ra Tơ và Pốc Ka được đưa vào hiện trường ngập ngụa bùn lầy để đánh hơi, tìm kiếm tử thi. Thiếu tá Hoàng Anh Tuấn, đội trưởng đội cảnh khuyển Trường Trung cấp 24 Biên phòng luôn có mặt tại hiện trường, tay cầm chiếc xăm chọc xuống đất để tạo ra các điểm thông khí, giúp chó tìm kiếm nguồn hơi từ thi thể 13 thành viên của đoàn công tác của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế mất tích. Từ trung tâm xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vào hiện trường, đoàn công tác phải đi qua tuyến đường nguy hiểm, nhưng người chỉ huy chưa bao giờ rời bỏ đội hình, mà luôn xắn quần để lặn lội với anh em.

Còn tại địa bàn thủy điện Rào Trăng 3, tổ công tác gồm 10 cán bộ, huấn luyện viên của Trường Trung cấp 24 Biên phòng do Thượng tá Nguyễn Trung Kiên, Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi phụ trách đã nhiều ngày bám hiện trường. Mỗi khi tới giờ tìm kiếm, cán bộ chỉ huy luôn đi trước, quan sát, nhận định tình hình, xăm que thông nguồn hơi để hỗ trợ cho anh em cảnh khuyển đưa chó đến tìm kiếm. Dù trời mưa như trút, nhưng người chỉ huy và anh em đội cảnh khuyển vẫn không rời bãi bùn lầy ngập ngụa tới đầu gối và còn ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

Đội chó nghiệp vụ đang tìm kiếm tại Trạm kiểm lâm 67. Ảnh: Văn Chương

Còn tại một địa bàn khác là xã Trà Leng, tổ công tác gồm 6 cán bộ, huấn luyện viên, sử dụng chó nghiệp vụ thuộc Cụm cơ động chó nghiệp vụ số 4, Trường Trung cấp 24 Biên phòng (đóng tại tỉnh Quảng Trị) do Trung tá Trần Hiệp Sỹ, Cụm trưởng Cụm cơ động chó nghiệp vụ số 4 chỉ huy. Có hôm, khi cơm trưa dọn ra mâm cơm vẫn không có người về. Từ hiện trường, Trung tá Sỹ cho biết, tranh thủ lúc bộ đội nghỉ ngơi thì anh em tiếp tục triển khai công việc, mong sớm tìm được những người mất tích.

Ở tất cả các địa bàn mà chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm, từ chỉ huy cho đến nhân viên đều phải trải qua nhiều ngày lội bùn ngập tới đầu gối, đầu đội mưa, ăn uống thiếu thốn. Có nơi do mưa lạnh, củi ẩm, nên bữa cơm nào nấu lên cũng nửa sống, nửa chín. Tại điểm tìm kiếm ở Trạm kiểm lâm 67, anh em nhai lương khô và ăn bánh chưng thay cơm. Còn tại xã Trà Leng, phóng viên đi cùng với đội cảnh khuyển ngủ trên nền đất lạnh trong ngôi nhà nằm cạnh vách núi. Muốn lui ra khỏi bản để tìm nơi an toàn hơn thì cũng rất khó. Vì chặng đường vào bản khoảng 30km là đường núi, la liệt cảnh núi sạt, cây ngã.

Riêng trong đợt đỉnh lũ, BĐBP Quảng Bình đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng giúp đỡ, hỗ trợ di dời gần 1.800 người dân trong vùng ngập lũ như Lệ Thủy, Quảng Ninh đến nơi an toàn; vận chuyển 9 người bệnh, sản phụ đi cấp cứu và tìm kiếm người mất tích; phối hợp với chính quyền địa phương vận động, di dời 4.290 người có nguy cơ ảnh hưởng của bão đến các nhà dân, công trình công cộng kiên cố trên địa bàn; chằng chống hơn 753 nhà dân.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO