Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:34 GMT+7

Nêu cao tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Biên phòng - Một trong những nội dung hết sức quan trọng trong di sản quý báu của Hồ Chí Minh là tư tưởng về nêu cao vũ khí tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng. Từ trong các bài giảng cho những lớp đào tạo cán bộ cốt cán chuẩn bị cho Đảng ra đời (1925 - 1927), đến Di chúc lịch sử thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, Người luôn căn dặn: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình".

7c9f_5a
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ phải thực hiện tốt việc nêu gương. Ảnh: Tư liệu

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, là quy luật phát triển của Đảng. Tự phê bình là tự đánh giá những mạnh, yếu của bản thân làm cơ sở cho người khác đóng góp tham gia ý kiến giúp sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm. Phê bình là việc tham gia góp ý kiến với người khác, vạch rõ ưu điểm, khuyết điểm và cách thức sửa chữa để tiến bộ mãi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Trong sinh hoạt và hoạt động thực tiễn ai cũng có ưu, khuyết điểm, có cái hay, cái dở, cái tiên tiến và cái lạc hậu… ở mức độ khác nhau. Vì vậy, cần động viên, khuyến khích làm cho phần tốt phát huy nảy nở, còn những thói hư tật xấu không có đất sinh sôi mà mất dần đi. Muốn vậy, phải thường xuyên sử dụng tự phê bình và phê bình, phải coi đó như việc "rửa mặt" hàng ngày vậy.

Bản chất của tự phê bình và phê bình là xây dựng, nhân đạo và tiến bộ. Mục đích tự phê bình và phê bình nhằm làm cho con người tốt hơn, việc tốt hơn và tổ chức mạnh lên.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình phải xuất phát từ động cơ trong sáng là giúp đỡ lẫn nhau, vì sự tiến bộ của mỗi người và sự phát triển vững mạnh của tổ chức. Vì vậy, trong tự phê bình và phê bình phải chống tư tưởng hẹp hòi, ích kỉ, lợi dụng phê bình để hạ uy tín, đả kích lẫn nhau gây chia rẽ mất đoàn kết, làm tổn hại, suy yếu tổ chức Đảng. Để thực hiện đúng mục đích trong sáng của phê bình, Người căn dặn: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Phải luôn nhận rõ đối tượng của tự phê bình và phê bình là việc chứ không phải là người.

Trong tự phê bình và phê bình, Người yêu cầu phải thực hiện tốt việc nêu gương; phải lấy tự phê bình là chính, thực hiện phê bình mình trước, phê bình người khác sau; trong cấp ủy phải làm gương cho ngoài, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ phê bình trước, chiến sỹ phê bình sau.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự phê bình và phê bình có quan hệ chặt chẽ, gắn bó không tách rời nhau. Người dạy: "Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau" và "cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ… cốt để đoàn kết và thống nhất nội bộ".

Như vậy, quan điểm nêu cao vũ khí tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức đúng đắn, sáng tạo và cách mạng, mang giá trị nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để "giữ gìn và củng cố sự đoàn kết thống nhất của Đảng", là quy luật phát triển của Đảng.

Thực tiễn công tác xây dựng Đảng ta gần 87 năm qua cho thấy, nhờ "Thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình" theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng với vai trò của đội tiền phong của giai cấp công nhân và của cả dân tộc… Từ những tổng kết, đánh giá của Đảng có thể thấy, bên cạnh những điểm mạnh cần phát huy, việc thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng cũng còn bộc lộ nhiều hạn chế đó là: Nhiều tổ chức Đảng và đảng viên chưa nhận rõ vai trò, tác dụng to lớn của vũ khí tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng; chưa tạo dựng được môi trường dân chủ thực sự để phát huy tác dụng của tự phê bình và phê bình. Trong sinh hoạt tự phê bình và phê bình còn có biểu hiện hình thức, qua loa chiếu lệ, một chiều; "tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình còn yếu"; còn có những "vùng cấm", "vùng tránh" trong đấu tranh phê bình.

Hiện tượng trù dập, trả thù đối với người đấu tranh phê bình, hoặc lợi dụng đấu tranh phê bình để "hạ bệ" lẫn nhau gây chia rẽ bè phái, mất đoàn kết… vẫn tồn tại trong không ít tổ chức Đảng và đảng viên. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay" nhấn mạnh: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa, địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…". Thực tiễn trên đòi hỏi trong công tác xây dựng Đảng càng phải thường xuyên nêu cao vũ khí tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới.

Để quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy vai trò tác dụng to lớn của vũ khí tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng ta hiện nay, theo chúng tôi, cần làm tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò to lớn của tự phê bình và phê bình, hiểu rõ mục đích, nội dung, phương pháp và những yêu cầu cơ bản trong tự phê bình và phê bình, nhằm phát huy cao nhất vai trò tự phê bình và phê bình trong xây dựng Đảng.

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc làm theo gương Bác một cách thiết thực, hiệu quả. Lấy việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần thúc đẩy thực hiện các nội dung khác trong Nghị quyết.

Xây dựng cơ chế thích hợp nhất để mọi người có thể phát huy tốt nhất quyền dân chủ của mình trong mọi hoạt động. Cơ chế thích hợp phải bảo đảm vừa động viên tính tích cực chủ động của mỗi người trong công tác tự phê bình và phê bình, vừa ngăn chặn được những biểu hiện tiêu cực, trái với quan điểm của Hồ Chí Minh có thể xảy ra trong hoạt động tự phê bình và phê bình.

Kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc hiện tượng trù dập, "trả thù" đối với cán bộ, đảng viên cấp dưới hoặc lợi dụng phê bình để bôi nhọ, hạ uy tín cán bộ, gây chia rẽ nội bộ, làm suy yếu tổ chức Đảng và suy giảm chất lượng cán bộ, đảng viên.

Thực hiện tự phê bình và phê bình phải gắn với các nội dung thuộc nhiệm vụ, chức trách, tư cách của người đảng viên, gắn với đơn vị, địa phương mình phụ trách. Đảng viên khi thực hiện tự phê bình và phê bình phải có động cơ trong sáng; phải đặt tự phê bình và phê bình với vấn đề đạo đức cách mạng trong một mối quan hệ biện chứng.

Nêu cao tự phê bình và phê bình vừa là vấn đề cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên của Đảng, là vũ khí sắc bén để xây dựng Đảng, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Vũ khí sắc bén này phải thường xuyên được sử dụng và mài dũa để có đủ khả năng ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng hiện nay, góp phần quan trọng cho công cuộc xây dựng một nước Việt Nam "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Đặng Công Thành

Bình luận

ZALO