Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 28/05/2023 05:34 GMT+7

Nét văn hóa của bộ tộc Limbu ở Nepal

Biên phòng - Nepal là quốc gia cổ kính với nền văn hóa độc đáo và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Vào thế kỷ XVIII, có nhiều nhóm bộ tộc khác nhau di cư tới Nepal và thiết lập triều đại mới; trong số các nhóm này có bộ tộc Limbu. Là hậu duệ của bộ tộc Kirati, bộ tộc Limbu được coi là những người định cư đầu tiên ở phía Đông Nepal.

Phụ nữ Limbu trong trang phục truyền thống. Ảnh: Getty

Tên gọi gốc của bộ tộc Limbu là “Yukthung”. Ngôn ngữ của người Limbu có nguồn gốc từ chữ Hán và được chia làm 4 phương ngữ chính là: Chhathare, Panthare, Phedappe và Tambarkhole. Bộ tộc Lumbu chia thành nhiều cộng đồng nhỏ. Mỗi cộng đồng có luật lệ và quy định riêng nhưng cùng dùng chung ngôn ngữ và trang phục truyền thống. Hiện nay, phần lớn người Limbu sống tại phía Đông Nepal; một số ít sống tại Đông Bắc Ấn Độ và Bhutan.

Văn hóa tôn giáo của người Limbu được ảnh hưởng từ Phật giáo và Hindu giáo. Hiện nay, hầu hết người Limbu theo đạo Kirat và một số ít theo đạo Thiên chúa. Các gia đình đều thờ cúng tổ tiên và các vị thần, đặc biệt là nữ thần Yuma. Trong thời gian trồng các loại lúa, lúa mì và ngô, người Limbu luôn tin vào bản chất tự nhiên của trời đất và cầu nguyện thần Yuma cho mưa thuận, gió hòa. Bộ tộc Limbu có một nền văn hóa và thần thoại đa dạng; họ có những bài hát và điệu múa đặc trưng để phân biệt với các nền văn hóa khác.

Các điệu múa của bộ tộc Limbu bao gồm múa trống Kelang (hay còn gọi là Chyabhrung), múa mái chèo Yalang (hay còn gọi là Dhan Nach) và điệu múa của các nữ pháp sư Yemalang (hay còn gọi là Bijwani) cùng những điệu khác. Bộ tộc Limbu cũng có những bài hát đặc trưng riêng có tên gọi Hakpare và Palam. Người Limbu còn có các thầy tu và pháp sư phụ trách các nghi lễ và hoạt động tôn giáo trong cộng đồng. Những thầy tu và pháp sư này có tên gọi là Phedangma, Samba, Yeba, Yema và Angsi.

Người Limbu có nhiều lễ hội quan trọng trong năm. Kakphekwa Tangnam là một trong những lễ hội đầu năm mới được tổ chức vào ngày 15 hoặc 16/1 hằng năm. Một lễ hội khác là lễ hội Chasok Tongnam (có nghĩa là lễ hội thu hoạch) được tổ chức vào tháng 12 hằng năm; trong đó, người Limbu cúng lương thực và các sản phẩm nông nghiệp cho các vị thần.

Trong suốt thời gian tổ chức lễ hội Chasok Tongnam, người dân Limbu không chỉ cúng ngũ cốc lương thực, mà còn hiến tế các loài động vật khác nhau. Một lễ hội khác là lễ hội Sisekpa Tongnam. Đây là một lễ hội quan trọng nhất khác của cộng đồng Limbu, được tổ chức vào ngày 3/7 hằng năm để chào đón mùa màng tốt tươi.

Trước đây, trang phục truyền thống của phụ nữ Limbu là váy dài có tên gọi Mekhli, còn của đàn ông là bộ quần áo có tên gọi Paga cùng những hoa văn độc đáo. Ngày nay, hầu hết thanh niên Limbu mặc trang phục hiện đại. Phụ nữ Limbu còn nổi tiếng với những đồ trang sức bằng vàng được đeo hằng ngày.

Trong cộng đồng người Limbu, rượu Raakshi là thức uống quan trọng trong mỗi gia đình người Limbu, đặc biệt được dùng trong các dịp ma chay, hiếu hỉ. Rượu Raakshi được làm từ các thành phần chính là kê, gạo, ngô và các cây thuốc. Những cuộc tụ họp trong cộng đồng cho phép các cô gái và chàng trai trẻ Limbu giao lưu trong khi nhảy múa và uống rượu.

Trong văn hóa Limbu, hôn nhân giữa anh em họ hàng bị cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, việc kết hôn được diễn ra chỉ khi cả nam và nữ đồng thuận. Ẩm thực của bộ tộc Limbu cũng khá tương đồng với ẩm thực của đất nước Nepal nói chung với các món phổ biến là món canh Dal Vat, món cà ri rau Tarkari, dưa chua, thịt lợn muối chua, xúc xích, dồi lợn và món thịt gà nướng Wachipa.

Hiện nay, khu vực sinh sống của bộ tộc Limbu tại Nepal và Ấn Độ còn nhiều khó khăn, nhất là việc vận chuyển thực phẩm và các đồ thiết yếu vào nơi sinh sống. Thu nhập chủ yếu của người Limbu phụ thuộc vào khách du lịch, vì vậy, các thế hệ Limbu luôn có ý thức bảo tồn văn hóa và bản sắc truyền thống để giới thiệu với thế giới.

Thu Minh

Bình luận

ZALO