Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 25/09/2023 10:56 GMT+7

Nét sắc ngọn bút

Biên phòng - Không hiểu sao, mỗi khi nghĩ về những người làm báo, viết báo, người ta thường nói đến ngòi bút, cây bút như một biểu tượng của nghề nghiệp. Nhưng tôi lại hay nghĩ đến hình ảnh “ngọn bút” với các nhà báo, có lẽ bắt đầu từ hai câu thơ của nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh): “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ - Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”.

Ở “ngọn bút” là hình ảnh sống động, tươi tắn, là nơi khám phá những hiện thực mới mẻ, phát hiện những vấn đề nhạy cảm nhất của đời sống hiện thực và luôn đối diện với những thách thức, áp lực của cuộc sống đời thường để đấu tranh với cái xấu, ca ngợi cái tốt, thể hiện bản lĩnh dũng cảm, đương đầu với những thách thức. Cũng như ngọn cây, đó chính là nơi khát vọng vươn lên từ chùm rễ sâu bám chắc vào nguồn cội, vào lòng đất mẹ, hút màu mỡ phù sa của niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo vĩ đại đã từng tóm tắt khi nêu trách nhiệm của các nhà báo bằng bốn chữ ngắn gọn, súc tích mà hàm chứa nhiều ý nghĩa, đó là: “Phò chính, trừ tà”. Trong bức thư gửi trí thức Nam Bộ, trong đó có các nhà báo (25-5-1947), Bác viết: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà mà anh em văn hóa, tri thức phải làm cũng như là những chiến sĩ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để dành lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ quốc”. “Phò chính” tức là bảo vệ chính nghĩa, nói lên sự thật đồng hành với lẽ phải; “Trừ tà” là lên án cái xấu chống lại sự phi nghĩa. “Tà” ấy có thể là “ngoại tà”, nhưng cũng có thể là “nội tà” trong chính lương tâm nhà báo. Sau này, nhà báo Hữu Thọ bằng cuộc đời làm báo phong phú và tích lũy kinh nghiệm của mình đúc kết rất hay về hình ảnh người làm báo: “Mắt sáng - Lòng trong - Bút sắc”, bởi để có nét sắc thì cái tâm, cái tài, cái tầm của ngọn bút luôn phải được trau dồi, rèn luyện và thử thách.

Dân tộc Việt Nam rất coi trọng nghề giáo và nghề báo. Vì thế mà dân gian thường gọi: Nhà giáo, nghề giáo và nhà báo, nghề báo. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của cụ Đồ Chiểu: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm - Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Con đường của nhà báo là hướng đạo, trang báo chính là con thuyền chở đạo.

Cách đây 96 năm, ngày 21-6-1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo Thanh Niên - Cơ quan của tổ chức thanh niên cách mạng Việt Nam. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên do Bác Hồ sáng lập, chỉ đạo và là người biên tập chính. Báo Thanh Niên giữ vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng theo quan điểm Mác - Lê-nin, viết bằng chữ quốc ngữ, được phổ cập rộng rãi khắp cả nước cho người dân Việt, nhất là tầng lớp thanh niên, công nhân, nông dân...

Dù 96 năm đã trôi qua, nhưng sức sống trẻ trung, sức mới sáng tạo của bầu nhiệt huyết, tâm huyết của đội ngũ những người làm báo bắt đầu từ “Ngọn lửa thanh niên” ấy, từ ngọn bút trào dâng sức sống ấy vẫn luôn được phát huy đến ngày nay. Chính cuộc đời hoạt động cách mạng lấy báo làm phương tiện để tuyên truyền của lãnh tụ Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo của Đảng là những tấm gương chiếu dọi cho đến hôm nay. Bác Hồ đã viết hàng ngàn bài báo, ký hàng chục bút danh; các vị lãnh tụ: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu... và sau này là các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng ... đều là những nhà báo giỏi.

Chính tờ báo Thanh Niên ra đời trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 5 năm đã chuyển tải, tuyên truyền rộng rãi, có sức thuyết phục lớn lao, truyền cảm hứng cách mạng, lan tỏa tinh thần yêu nước, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã đặt những viên gạch đầu tiên cho lý luận cách mạng áp dụng vào thực tiễn. Tôi lại nhớ đến một trong những tờ báo sớm nhất của báo chí cách mạng Việt Nam mang tên Sự Thật. Vâng, tất cả vì sự thật, niềm tin bắt đầu từ sự thật và chính sự thật là chất liệu cho các nhà báo. Một sự thật tươi ròng của đời sống thường nhật, của những số phận con người với những vấn đề mới mẻ đặt ra cấp thiết trong xã hội đã gợi mở, cuốn hút sự mê say đầy trách nhiệm và tâm huyết của những người làm báo...

Trong những ngày này, khi cả đất nước và dân tộc đang chung tay, chung lòng chống đại dịch Covid-19 thì hình ảnh các nhà báo trong bộ đồ bảo hộ ngành y, giữa nắng nóng bức bối của ngày hè thiêu đốt đã đến tiếp cận trực tiếp với các bệnh nhân trong các khu cách ly để ghi hình, ghi nhận những hình ảnh sống động, chân thực nhất. Họ cũng như những người chiến sĩ áo trắng ngành y, không sợ những con virus vô hình mà nguy hiểm biết bao. Vắc-xin làm báo không chỉ là những tác nghiệp nghề nghiệp, mà còn chuyển tải cả tình yêu thương cộng đồng lớn lao. Mũi tiêm vắc-xin đó cũng như nét sắc ngọn bút đã ngăn chặn nguồn lây lan của dịch bệnh, đưa lại sự an toàn tuyệt đối cho cả cộng đồng dân tộc và của cả nhân loại.

Nguyễn Ngọc Phú

Bình luận

ZALO