Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 26/09/2023 08:23 GMT+7

Nét duyên chợ phiên

Biên phòng - Người đi chợ không chỉ để mua bán, trao đổi mà còn để gặp gỡ, tâm tình và... khoe sắc. Đó là nét văn hóa đặc trưng của chợ phiên vùng cao xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Những hình ảnh mộc mạc, bình dị ấy đã phần nào phản ánh rõ cuộc sống của đồng bào nơi đây.

8c6s_9a
Bán quần áo tại chợ phiên Tân Sơn. Ảnh: Anh Khoa

Áo chàm xuống núi

Khi làn sương mỏng manh còn bảng lảng bên kia núi Kon Sọ, những tốp người áo chàm đã kịp băng qua lối mòn kìn kìn kéo về chợ Tân Sơn. Chợ phiên nhộn nhịp từ sớm, người mua, người bán xôn xao, dù không hiểu những tiếng xì xào phía góc chợ kia, nhưng tôi đoán được nơi đó đang diễn ra một cuộc ngã giá rất thật thà. Có nhiều hàng hóa bày bán ngay dưới nền đất được trải tấm bạt mỏng. Những cụ già bán hương nở nụ cười tươi phới, những cô hàng xén đon đả mời chào và cả những hàng quán bán quà sáng hấp dẫn lạ kỳ với mỗi người, nhất là trẻ nhỏ.

Hùng Thị Ngọc Vân nhà cách chợ 5km, phải đi bộ từ 5 giờ sáng, vượt qua mấy ngọn đồi và chiếc mảng gỗ làm cầu bắc qua suối. Cô gái 20 tuổi dân tộc Nùng này cười thật tươi, hồn nhiên trước ống kính và không quên dặn người chụp “nhớ gửi ảnh cho em”. Mỗi tháng chợ Tân Sơn họp 6 phiên (ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch), có lẽ vậy mà tâm lý của đồng bào, nhất là trẻ con vùng cao cứ háo hức ngóng đợi ngày này để được tíu tít theo cha mẹ đi chợ. Đa phần hàng hóa của bà con là “của nhà làm ra”, giá trị chẳng là bao, nhưng họ rất phấn khởi để bán con gà, mớ rau, bó củi, quả trứng, đàn chó con... lấy tiền mua về những vật dụng thiết yếu như dầu hỏa, đèn pin, con dao, cái cuốc, chăn, màn, kim, chỉ và thức ăn...

Cũng như nhiều hộ dân khác trong vùng, hôm nay, cả nhà anh Mạ Văn Long, dân tộc Nùng, ở xã Sơn Hải đi chợ phiên. Nhà cách chợ hơn 1 giờ ngồi thuyền máy vượt hồ Cấm Sơn, nhưng cả nhà đến chợ từ rất sớm. Những bó củi và đàn chó con đã nhanh chóng được anh Long bán hết, vậy là có tiền để mua sắm, đi chơi...

Anh Long bảo: “Đi chợ phiên là thói quen rồi, có khi đến đây chẳng bán, chẳng mua mà chỉ đi xem và chơi, gặp người quen thì hát giao lưu với nhau một vài câu Soong hao cho vui bầu bạn. Không ít gã nghiện rượu trong túi chẳng có xu nào nhưng vẫn thích đến chợ chỉ để... thử rượu, đi mỗi hàng rượu được thử một chén và đến hàng cuối thì cũng vừa chếnh choáng hơi men”... 

Phía cuối chợ, đám trẻ con quây quần bên bếp lửa hồng rực, nồi nước dùng sôi ùng ục, bốc hơi béo ngậy. Các chảo mỡ rán bánh kêu xèo xèo trước ánh mắt các cô bé, cậu bé. Còn cánh thanh niên thì túm tụm bên hàng tải nhạc chuông, khoe nhau những chiếc điện thoại mới... Thật là câu chuyện chỉ có ở chợ vùng cao.

Văn hóa chợ

Chợ là nơi phản ánh rõ nhất đời sống của người dân. Đối với đồng bào vùng cao thì đi chợ chính là đi hội; không giống chợ miền xuôi chỉ mua bán qua loa và chóng vánh. Xã Tân Sơn đa số người là dân tộc Nùng sinh sống. Chợ phiên mỗi tháng chỉ vài lần và thường họp từ rất sớm, nhưng tan muộn. Thông thường, dân “hàng xáo” cứ xoay vòng nay chợ này, mai chợ kia, còn người dân thì thường mỗi tuần đến chợ một lần.

Ông Chu Văn Then, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết: Chợ Tân Sơn nổi tiếng nhất vùng nên đồng bào đến rất đông. Không chỉ dân trong xã mà ở các xã lân cận như Khuôn Thần, Phong Vân, Hộ Đáp, Sơn Hải, Biên Sơn..., thậm chí một số xã thuộc tỉnh Lạng Sơn cách xa hàng chục cây số như: Hữu Kiên (Chi Lăng), Hữu Lân (Lộc Bình)cũng đến chợ này. Mặc dù phải đi bộ một quãng đường dài, nhưng khuôn mặt ai cũng lộ vẻ hân hoan, háo hức.

Bởi thế, không gian chợ không chỉ là để mua sắm, mà còn là ngày hội. Mỗi phiên chợ luôn để lại nhiều ấn tượng đối với du khách. Cánh đàn ông đến chợ, sau khi hàng hóa đã bán xong thì ngồi quây quần bên hàng cháo lòng nhâm nhi chén tạc chén thù... hò hẹn nhau ở chợ.

Đồng bào các xã vùng cao Lục Ngạn có những chợ phiên phổ biến như: Kiên Thành, Phong Vân, Sa Lý, Biển Động, Khuôn Thần... Người vùng cao chất phác, thật thà không biết nói dối lại càng không thể gian lận, họ có sao thì bảo vậy, nên độ tin tưởng ở chợ khá cao.

Cũng theo ông Then, xưa kia chợ có tên là Thác Lười và vốn chỉ là một khu đất trống để đám thanh niên đến giao lưu, hát giao duyên những làn điệu Soong hao giao. Cứ thế, phiên chợ đã trở thành điểm hẹn, là nỗi khắc khoải, mong chờ của bao thế hệ nam thanh nữ tú. Cũng từ phiên chợ mà nhiều đôi đã thành vợ chồng. Tiếc rằng, ngày nay, hội hát này chỉ còn diễn ra vào tháng Giêng mà cũng phải phục dựng lại mới thành.

Đã quá giờ Ngọ, chợ phiên thưa dần, tiếng mua bán, chào hỏi cũng im ắng hơn. Những đường đèo hun hút khuất dần bóng áo chàm và trong tôi vẫn còn một nỗi bâng khuâng về một chợ phiên như thế. Hẹn một ngày sẽ trở lại nơi đây.

Anh Khoa

Bình luận

ZALO